Trong thế giới bóng đá, không ít những cầu thủ rời CLB trong sự kỳ vọng. Nhưng rồi lại gây thất vọng ở bến đỗ mới và bị buộc phải trở lại điểm xuất phát.
Liverpool không phải là miền đất hứa với Andy Carroll |
Trong những ngày qua, báo chí Anh nói rất nhiều về trường hợp của Andy Carroll. Sau khoảng 1,5 năm thi đấu chói sáng trong màu áo Newcastle, chân sút 23 tuổi này đã lọt vào mắt xanh của Liverpool và một thương vụ trị giá 35 triệu bảng được xúc tiến ngay sau đó, biến anh trở thành tiền đạo người Anh đắt giá nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, dường như sự kỳ vọng quá lớn đã khiến Carroll không còn là mình. Trong 1,5 mùa giải đã qua có mặt tại Anfield, anh chẳng thể hiện được gì nhiều. Ra sân 56 trận (1 nửa là từ băng ghế dự bị) và ghi 11 bàn thắng. Người Liverpool coi Carroll là một “món hàng” hớ đầy cay đắng.
Thế nên, ngay khi tiếp quản chiếc ghế nóng tại Liverpool thay cho người tiền nhiệm Kenny Dalglish, HLV Brendan Rodgers đã lập tức lên kế hoạch đẩy Carroll tới một đội bóng khác. Mọi thứ gần như đã hoàn tất, từ việc chiêu mộ thành công Fabio Borini từ AS Roma đến tiếp cận Clint Dempsey của Fulham nhằm thay thế cho Carroll. Giờ chỉ còn tìm đối tác chấp nhận mượn và trả lương cho Carroll là xong. Đó có thể sẽ là Newcastle, đội bóng từng làm lên tên tuổi của tiền đạo này.
Trong những ngày qua, HLV Alan Pardew đã liên tục có những cuộc bàn thảo với người đồng sự Brendan Rodgers để bàn về tương lai của Carroll. Rất có thể, hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung vào tuần tới và mùa tới, người hâm mộ Premier League sẽ lại thấy Carroll tung hoành tại St James' Park, nơi anh từng chơi 91 trận và ghi 33 bàn thắng.
Lật lại quá khứ làng bóng đá Anh ta thấy, những trường hợp như Carroll không phải là hiếm. Tức là khi rời CLB, họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nhận được những lời ca tụng có cánh và rất được kỳ vọng. Tuy nhiên, ở miền đất mới, chỉ sau 1 hoặc 2 mùa giải, họ đã vỡ mộng, không thể hiện được gì nhiều và bị đẩy trở lại đội bóng cũ. Hãy cùng điểm qua 5 trường hợp giống như Carroll, những ngôi sao ra đi trong “trai tráng” nhưng lại trở về “bủng beo”.
1. Mark Hughes (Man Utd và Barcelona)
Được nhấc lên đội 1 Man Utd vào năm 1983, Mark Hughes nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng giá nhất ở đội, với việc ra sân 118 trận và ghi 47 bàn thắng (3 mùa). Tháng 7-1986, tức chỉ 2 tháng trước khi Sir Alex Ferguson tiếp quản chiếc ghế HLV từ tay Ron Atkinson, danh thủ người xứ Wales quyết định đi theo tiếng gọi danh vọng từ Barcelona. Nhưng đây có lẽ là quyết định sai lầm nhất trong sự nghiệp của Mark Hughes. Ông chỉ trụ lại Barcelona 1 mùa, ra sân 37 trận và ghi 5 bàn thắng. Mùa tiếp sau bị đẩy tới Bayern Munich theo dạng cho mượn 1 năm và mùa sau nữa thì bị bán lại cho Man Utd với giá 1,8 triệu bảng.
Mark Hughes
Trở lại Old Trafford, Mark Hughes như “cá gặp nước”. Ông nhanh chóng tìm lại phong độ đỉnh cao của mình. Trong 7 mùa từ 1988 cho tới 1995, Mark Hughes ra sân 285 trận, ghi 97 bàn thắng và cho tới nay vẫn được coi là một trong những chân sút xuất sắc nhất lịch sử “Quỷ đỏ”.
2. Ian Rush (Liverpool và Juventus)
Ian Rush gia nhập Liverpool vào năm 1980 và là ngôi sao sáng nhất trong đội hình hùng mạnh của “Lữ đoàn đỏ” thập niên 80, với 4 chức vô địch quốc gia Anh và 1 C1/Champions League. Sau 7 mùa liên tiếp gặt hái được những thành công to lớn cùng Liverpool, Ian Rush quyết định tìm kiếm thử thách mới tại Juventus với giá chuyển nhượng là 3,2 triệu bảng, kỷ lục tại làng bóng đá Anh lúc bấy giờ.
Ian Rush
Tuy nhiên, chỉ sau 1 mùa giải (40 trận, ghi 13 bàn), Ian Rush đã bị đẩy trở lại Liverpool theo dạng cho mượn 1 năm và bị bán đứt với giá 2,7 triệu bảng ở mùa sau đó. Chuyến xuất ngoại của Ian Rush đã thất bại thảm hại. Trở lại Anfield quen thuộc, danh thủ người xứ Wales nhanh chóng trở lại với bản năng sát thủ của mình và giúp Liverpool gặt hái thêm nhiều thành công nữa. Tổng cộng trong cả hai giai đoạn, Ian Rush có 15 mùa khoác áo Liverpool, ra sân 660 trận và ghi 346 bàn thắng.
3. Teddy Sheringham (Tottenham và Man Utd)
Sau 5 năm thành công tại Tottenham, Teddy Sheringham quyết định đi tìm kiếm những thử thách lớn hơn bằng việc gia nhập Man Utd. Tuy nhiên, tại “Quỷ đỏ”, danh thủ người Anh buộc phải núp dưới cái bóng quá lớn của Eric Cantona. Ông chỉ được coi là một phương án dự phòng. Điểm nhấn lớn nhất của Sheringham tại Old Trafford có lẽ chính là pha làm bàn gỡ hòa 1-1 trong trận chung kết Champions League 1998-1999 với Bayern Munich và sau đó tung ra đường chuyền để Ole Gunnar Solskjaer ghi bàn thắng quyết định.
Teddy Sheringham
Hè 2001, Sheringham rời Man Utd theo dạng chuyển nhượng tự do để trở lại Tottenham. Trở lại đội bóng cũ ở tuổi 35, Sheringham bất ngờ hồi sinh mạnh mẽ. Trong 2 mùa 2001/2002 và 2002/2003, ông ra sân tổng cộng 80 trận và ghi 26 bàn thắng. Cách đây 4 năm, tức vào năm 2008, tên của Sheringham đã được đưa vào viện bảo tàng Tottenham.
4. Duncan Ferguson (Everton và Newcastle)
Trong nửa cuối của thập niên 90 thuộc thế kỷ trước, Duncan Ferguson chính là cái tên nổi bật nhất ở Everton và nhận được nhiều sự mến mộ nhất từ các CĐV. Tuy nhiên, tới tháng 12/1998, danh thủ người Scotland này đã bị chỉ trích rất nhiều vì quyết định gia nhập Newcastle với giá 8 triệu bảng. Dù vậy, cũng chỉ 1,5 năm sau, ông khăn gói quả mướp trở lại Everton vì gây thất vọng tại “Chích chèo”. Trở lại “mái nhà xưa”, Duncan Ferguson đã cống hiến tất cả những gì được coi là tinh túy nhất của mình. Ông chơi thêm 6 mùa giải tại Goodison Park trước khi quyết định giải nghệ.
Duncan Ferguson
5. Robbie Keane (Tottenham và Liverpool)
Liverpool không phải là mảnh đất lành với những tiền đạo đắt giá. Hiện giờ là Andy Carroll và trước đó nữa là Robbie Keane. Sau 5,5 năm thành công cùng Tottenham, trở thành ngôi sao sáng nhất và là đội trưởng của CLB, chân sút người CH Ireland quyết định ra đi để tới Liverpool (giá 20,5 triệu bảng) kiếm tìm vinh quang. Nhưng Anfield đúng là địa ngục. Sau nửa mùa, Robbie Keane gây thất vọng tràn trề, chỉ ra sân 15 trận và có 5 bàn thắng. Anh bị đẩy trở lại Tottenham với giá 12 triệu bảng.
Robbie Keane
Tuy nhiên, khác với những trường hợp kể trên, sự kiện Robbie Keane trở lại Tottenham không được các đồng độ và CĐV đội bóng này chào đón. Anh lạc lõng và nhanh chóng bị đào thải. Đầu tiên là bị đẩy tới Celtic và sau đó là West Ham đều với dạng cho mượn. Tới hè 2011, Robbie Keane quyết định tự giải phóng mình để tới Los Angeles Galaxy “dưỡng già”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?