Sau 75 ngày hoạt động trái phép, cuối cùng Hải Dương 981 cũng phải rút ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Toàn cảnh 75 ngày TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 |
Ngày 16/7, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay giàn khoan Hải Dương 981 đã “hoàn thành việc khai thác” và sẽ được di chuyển đến khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, Hải Dương 981 sẽ được kéo tới một địa điểm khác để thực hiện cái mà họ gọi là dự án Hải Nam Lingshui. Tân Hoa Xã không đưa ra thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm triển khai tiếp theo của giàn khoan này, tuy nhiên Lingshui là một khu vực nằm ở ngoài bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Hãy cùng nhìn lại những diễn biến chính trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Giàn khoan dầu Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu di động cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.
Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) để chế tạo Hải Dương 981 trong suốt 3 năm trời ròng rã. Mỗi ngày hoạt động trên biển, chỉ riêng giàn khoan này đã ngốn hết hơn 300.000 USD chi phí, đó là chưa kể chi phí hoạt động của đội tàu hộ tống.
Vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan sâu khoảng 1.000 m, trong đó nơi Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981 sâu khoảng 1.100 m. Vì vậy, Trung Quốc phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa chìm nửa nổi. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định.
Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 7 tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc, trong đó các tàu chiến thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan.
Trung Quốc thường xuyên duy trì đội tàu hộ tống lớn xung quanh giàn khoan
Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định "thiết lập vị trí cố định". Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động của phía Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Ngày 5/5, Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Đáp lại, tàu Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn, khiêu khích như mở bạt che pháo để uy hiếp, sử dụng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam, sẵn sàng đâm húc gây hư hỏng cho tàu Việt Nam và làm bị thương một số kiểm ngư viên.
Tàu Trung Quốc tấn công, đâm hư hỏng tàu Kiểm ngư Việt Nam
Ngày 11/5, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.
Ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 20/5, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông".
Ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã bao vây và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng ở khu vực Nam Tây Nam cách giàn khoan 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Hành vi hung hăng, ngang ngược của tàu hộ tống Trung Quốc
Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình cũng như cập nhật tình hình trên biển cho bạn bè quốc tế, để dư luận các nước hiểu rõ sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt trước cách hành xử hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Một loạt các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ đã lên án các hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh.
Gần đây, Mỹ đã có những động thái ngày càng quyết liệt thể hiện rõ sự phản đối đối với hành động ngông cuồng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra hồi tháng Sáu ở Singapore, nguyên thủ và lãnh đạo các nước như Nhật Bản và Mỹ đã kịch liệt lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, khiến đoàn đại biểu Trung Quốc phải dùng đến “lý sự cùn” để lớn tiếng đe dọa các nước khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thẳng thừng lên án Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La
Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu mọi phương án để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình, kể cả phương án pháp lý, đó là kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Ở trong nước, dư luận Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói phản đối hành vi ngang ngược của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng việc chính phủ của họ “gây chuyện” với các nước láng giềng sẽ không đem đến một kết cục có lợi, đồng thời phản bác những lập luận mà nhà cầm quyền đưa ra về tuyên bố chủ quyền phi lý bên trong “đường lưỡi bò”.
Trước những sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc không còn con đường nào khác ngoài việc rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngày 16/7, họ đã quyết định rút Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch và được “che đậy” bằng lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sức ép quyết liệt từ phía cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng đã phải chấm dứt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%