Tình trạng sống 'ăn bám' của không ít người Việt
Thứ hai, 17/03/2014 13:56

Sống 'ăn bám' dường như đã trở thành thói quen của rất nhiều người Việt. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức khiến người ta không muốn lao động tự nuôi sống bản thân mình.

'Ăn bám' hiện đang là thực trạng đáng buồn của xã hội

'Ăn bám' hiện đang là thực trạng đáng buồn của xã hội

Năm đó tôi được những người phụ nữ ở một vùng núi huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận kéo vào một cuộc uống rượu hàng ngày của họ.

Cảnh tượng thật khó quên: trong bóng tối mờ mịt dần phủ sẫm núi rừng và ngôi nhà bé nhỏ, những người đàn bà địu con nhỏ, chuyền tay nhau uống một thứ rượu bắp tự nấu, đục lờ lờ, chứa trong chiếc ly thủy tinh cặn và lớp lớp mồ hôi tay bám dày. Uống từ khoảng 3h chiều, uống mãi đến khi ai đó đốt lên một cây đuốc, chẳng ai đi nấu ăn. Chiếc cối giã bắp khoét từ một khúc gỗ đổ nghiêng ngoài sân, lớp bột bắp trong lòng cối chưa vét sạch, vài con gà ngó nghiêng, nhảy vào mổ mổ, rồi toẹt một bãi. Trong nhà, ánh lửa nhập nhoạng đổ bóng đen lên những khuôn mặt đàn bà và ly rượu vẫn chuyền tay đều đặn. Vài người say đứng lên quay vòng, múa, hát. Những người còn lại nở nụ cười thật hiền lành, càng hiền lành hơn khi hơi men đã ngấm. Uống đi, uống đi, uống cho vui mà. Đứa trẻ chạy quanh xin uống, mẹ nó cũng đồng ý.

Đám đàn bà tập trung ở đây. Đàn ông ở nhà khác. Họ uống không cần biết trời đất, uống hết rượu thì thôi. Tôi cáo từ ra về. Đến nửa đêm, từ ngôi nhà kiểm lâm nhìn xuống, những ánh đuốc mới bắt đầu chập chờn tỏa ra trong thung lũng.

Trong cả cái thôn ấy, không có lấy một người đủ ăn. Một vài ngôi nhà có kho bắp đằng trước, gọi là kho, nhưng nó toen hoẻn nhỏ xíu như cái chuồng gà, đan bằng những thân nứa đập dập, gác lên bốn cây cao tránh mối. Toàn bộ lương thực sản xuất được chứa trong đó. Họ chỉ trồng bắp, phải kiếm chỗ nào gần suối trỉa bắp được, trỉa xong cứ để đó, được nhiêu trái thì nhiêu. Chừng chục thùng (thùng 15 kg) là đã quá dư dật họ không làm nữa và đi chơi. Bắp giã ra nấu ăn thì ít, nấu rượu thì nhiều. Nấu hết luôn cũng được, rồi lại lên rừng, đào củ, hái lá cho vô bụng. Nhà nước không để đói đâu mà. Đói ít lâu là có gạo, bắp, có tiền nữa mang lên cứu trợ. Tiếp tục vòng quay cũ. Gạo, bắp nấu cơm ít, nấu rượu nhiều. Tiền mau hơn, ra quán mua rượu.

Trưa hôm sau, tôi lang thang trong thôn. Những ngôi nhà mái tôn sáng loáng (mái tôn nhà nước cấp), nhưng cửa cài im ỉm. Dưới chân vách gỗ nhiều ổ mối đùn lên lổm ngổm. Cây bụi trong nhà mọc thò ra lối đi, vắng ngắt. Đàn ông lại lên rẫy rồi. Một tuần về một ngày như hôm qua, hôm sau lại đi.

Tôi lên ngôi nhà sàn khá rộng. Trong góc, một người đàn bà đắp chăn nằm im lìm. Bụng độn lên cao như sắp vỡ toang. Một đứa trẻ chừng 3 tuổi, mặc mỗi cái áo bẩn thỉu tun ngủn, tha thẩn bên bếp củi nguội lạnh. Một nồi gang to bắc trên bếp, giở ra thấy một thứ lợn cợn gì đó, gồm rau băm nhỏ nấu lên với bắp, màu cháo lòng ngả xanh xanh, mùi chua chua như thứ người ta vẫn nấu cho heo ăn. Người đàn bà không còn sức, chỉ đưa mắt nhìn. Đứa bé tự lấy cái chén cáu bẩn, múc thứ đó ra ăn, rồi tha thẩn chơi tiếp. Ông trưởng thôn cho tôi hay chị ta bị xơ gan cổ trướng, chồng đi rẫy không có nhà.

"Không có thuốc thì sao?" "Thì chết đó. Nó cũng sắp chết rồi" - ông nói. Trên miệng ông luôn nở nụ cười rất hiền lành, cái vẻ hiền lành gần như trì độn tôi đã thấy trên nét mặt những người đàn bà cùng uống rượu hôm trước. Tôi chỉ muốn hét to.

Hôm ấy và những chuyến công tác sau nữa, lên những vùng núi khác ở các huyện Ba Tơ, Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi, tôi luôn đặt cùng câu hỏi cho những người dân và cán bộ chính quyền: Nhà nước có cứu trợ không? Người dân sử dụng đồng tiền cứu trợ như thế nào?

Họ trả lời: ban đầu chính quyền cứu trợ bằng tiền, dân mua rượu uống hết. Chính quyền đổi sang cấp bò. Dân không chịu chăn bò đi ăn, kiếm cỏ cho bò ăn, kêu mất công quá, chỉ cột bò ở gốc cây rồi lại về nhà uống rượu. Bò đói ăn, bệnh, chết. Hết gạo dân lại kêu van và chính quyền không thể làm ngơ.

Cách đây mấy ngày, tôi lại đọc được câu chuyện hai vợ chồng trúng số độc đắc 8 tỷ đồng ở Long An phải đi trốn, vì thiên hạ kéo đến vạ vật khóc lóc trước cửa xin tiền nhiều quá, trong mấy ngày Tết người ta cũng không tha. Thậm chí nhiều người không quen biết còn gửi thư đến ủy ban xã nhờ chuyển cho vợ chồng ông, cũng chỉ nhằm mục đích xin tiền.

Cái sự xin xỏ, dựa dẫm sao mà phổ biến. Bạn tôi vừa đi định cư ở một nước khá giàu kể, mới tiết kiệm được ít tiền gửi về tính xây nhà cho mẹ thì họ hàng nhào vô mượn sạch. Một người bạn khác hàng chục năm quần quật ở Mỹ, khi về nước thăm nhà thì lỉnh kỉnh va ly, khi quay lại Mỹ chỉ còn đúng bộ quần áo trên người. Cái đồng hồ trên tay cũng lột ra cho em trai nốt. Đến khi biết cả bốn, năm gia đình em trai, em gái suốt hơn chục năm hầu như không đi làm việc, chỉ sống nhờ tiền anh gửi về thì anh thề độc, từ nay chỉ lo bản thân, không bao giờ cho ai một đồng nữa.

Tôi chắc các bạn cũng như tôi, không ít lần chứng kiến người nào đó tức tối kể người thân của họ mới trúng số hoặc mới ở nước ngoài về hay có con cái ở nước ngoài giàu thế... mà không cho họ cái gì đáng kể cả. Và họ ấm ức: "Giàu nứt đố đổ vách mà chẳng rặn cho họ hàng được vài cây".

Dù rất chênh lệch về mức sống, học vấn, thu nhập, nhưng chẳng khác gì những người luôn chờ trợ cấp trong câu chuyện đầu tiên, trong không ít người, tâm lý dựa dẫm, xin xỏ rất phổ biến, đến mức như được mặc định. Thậm chí có những trường hợp thái quá đến mức cười ra nước mắt.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) kể có trường hợp con cái muốn đưa cha mẹ ở tuổi 70 ra ở trong một căn lều để được xếp vào hộ nghèo, được hỗ trợ. Khi xét hộ nghèo ở các địa phương thì tổ, thôn rất sợ vì người ta kiên quyết không chấp nhận thoát nghèo, nếu đưa vào diện thoát nghèo lập tức bị hiềm khích, bị lên án và oán trách, điều này là một thực tế mà chúng tôi thấy.

Là vì khi thuộc diện nghèo, họ được nhà nước giúp đỡ như miễn phí 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi bệnh viện, giảm tiền khám chữa bệnh, miễn học phí cho học sinh, sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng, được các quỹ tài trợ, cấp vốn đồng thời cũng là đối tượng đầu tiên của nhiều nhà tài trợ sẵn từ tâm và tiền bạc nhưng lại thiếu hiểu biết.

Cơ quan cũ của tôi có chương trình cấp học bổng cho học sinh nghèo. Một lần em phóng viên đi khảo sát về, giận phừng phừng vì tức. Ra là hôm trước nhận học bổng xong, sáng sau hàng xóm báo em vừa ra mua cái điện thoại xịn!

Ở các nước văn minh, người ta xem sự được nhà nước trợ cấp khi thất nghiệp là một nỗi xấu hổ, cho thấy mình thua kém người khác nên phải tìm mọi cách nhanh chóng thoát khỏi. Ở ta thì "được" nghèo có khi là khôn khéo, ma lanh!

Cái tâm lý hèn nhược bệnh hoạn đó xuất phát từ đâu? Ở một bộ phận dân cư nhỏ, nó bắt nguồn từ nếp sống tùy tiện truyền thống, sau đó được dung dưỡng bằng các chính sách cáng đáng nhiều khi cảm tính của nhà nước. Ở một bộ phận lớn hơn, nó chính là mặc cảm vừa tự ti, vừa ghen ghét với người giàu, phải "lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" mới là "công bằng"?

Nhưng người giàu thì vẫn giàu, đơn giản họ không bao giờ chấp nhận sự ăn bám. Còn với những người đang hể hả vì "mới cấu của nó được một miếng", tâm lý này chỉ góp phần hủy hoại giá trị cuộc sống của chính họ.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Ăn bám , Sống ăn bám , Sống nhờ trợ cấp , Trợ cấp xã hội , Trợ cấp cho người nghèo