Tình hình Biển Đông sáng 9/10: Trông đợi gì ở Trung Quốc?
Thứ năm, 09/10/2014 07:56

Nhiều chuyên gia đã đưa ra hàng loạt biện pháp xây dựng lòng tin được cho là hữu ích trong việc nâng cao triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

Tình hình Biển Đông: Trông đợi gì ở Trung Quốc?

Tình hình Biển Đông: Trông đợi gì ở Trung Quốc?

Trong hơn thập kỷ qua, nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra hàng loạt biện pháp xây dựng lòng tin được cho là hữu ích trong việc nâng cao triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và một số biện pháp đã được thử nghiệm. Tuy vậy, tình hình dường như chuyển biến theo hướng ngày càng xấu đi. Vì sao vậy?  

Trung Quốc coi trọng tài và tòa án quốc tế bằng… “vung”

Thực tế là, các biện pháp xây dựng lòng tin không thể có hiệu quả nếu các bên tranh chấp chính không có thiện chí phối hợp và quan tâm tới những lợi ích chung cũng như các thủ tục và kết quả hơn là những điều họ coi là tối ưu. Nếu không có thiện chí sẽ không có cách giải quyết.

Cụ thể, nếu Trung Quốc nhất định cho rằng không có tranh chấp nào cần giải quyết liên quan chủ quyền lãnh thổ đối với các cấu tạo vật chất mà nước này chiếm đóng, bằng vũ lực hoặc cách thức khác, thì khó thấy được vai trò của các biện pháp xây dựng lòng tin.

Tương tự, nếu Trung Quốc nhất định cho rằng, về các vấn đề biển mà họ cho là có tranh chấp, đàm phán song phương là biện pháp hợp pháp duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh thì vai trò của các biện pháp xây dựng lòng tin sẽ bị hạn chế và kết quả chắc chắn sẽ phản ánh sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị áp đảo mà Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán.

Tất nhiên, không nên bỏ những biện pháp này và các nước phản đối yêu sách của Trung Quốc nên thể hiện sự khéo léo, thuyết phục và kiên nhẫn với hy vọng có thể làm cho các biện pháp xây dựng lòng tin hấp dẫn hơn đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong hòan cảnh hiện tại, sẽ là không khôn ngoan khi bỏ qua cơ hội nhận được sự phán xét công bằng đối với các tranh chấp bởi tòa án và trọng tài quốc tế.

tranh-chap-o-bien-dong-0

Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014

Việc dựa vào sự trợ giúp của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và các tòa trọng tài có thẩm quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) không phải là một giải pháp triệt để cho tất cả các vấn đề phức tạp diễn ra trên Biển Đông nhưng có thể giải quyết một số vấn đề thành phần và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết cho các vấn đề khác.

Thí dụ, nếu ICJ có cơ hội xem xét vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hòang Sa thì cơ quan này có thể đưa ra một quyết định khôn ngoan “đôi bên đều có lợi” để tạo ra sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được mà chính trị có thể ngăn cản các bên tranh chấp đạt được mục đích riêng.

Hoặc nếu tòa trọng tài UNCLOS có thể bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông thì đó sẽ là một bước tiến khổng lồ trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan, giống như nỗ lực mà trọng tài xử vụ kiện của Philippines hy vọng có thể chứng minh được. Trọng tài trong vụ kiện của Philippines cũng có thể làm rõ về việc áp dụng các điều khoản UNCLOS cần giải thích, chẳng hạn như sự khác biệt chủ yếu giữa một “đảo” và “bãi đá” trong Điều 121.3.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc với chính sách bành trướng dần dần và cứng rắn, không khoan nhượng trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, gần đây bắt đầu lập luận rằng việc thông qua tòa án và trọng tài quốc tế không được coi biện pháp giải quyết tranh chấp “hòa bình” và chỉ đàm phán mới hợp pháp.

Điều này tất nhiên là sự bóp méo trắng trợn thông lệ quốc tế truyền thống và hệ thống hiệp ước sau Thế chiến II được công nhận rộng rãi, bắt đầu là Hiến chương LHQ. Điều 33 của Hiến chương quy định rõ không chỉ đàm phán mà “việc dàn xếp, hòa giải, thông qua trọng tài, xét xử thông qua tòa án, thông qua các tổ chức hoặc thỏa thuận khu vực, hoặc biện pháp hòa bình khác” cũng như thông qua chính LHQ.

Tuy nhiên, để củng cố lập luận của mình, Trung Quốc đã bắt đầu bao hàm, một cách sai lầm, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký kết với ASEAN (DOC) là một biên bản mang tính ràng buộc trong đó các bên đồng ý từ bỏ quyền giải quyết các tranh chấp của họ cho một tổ chức gồm các chuyên gia pháp lý công minh.

Chưa hết, Trung Quốc còn biện hộ cho việc từ chối cùng Philippines ra tòa “là quyền của Trung Quốc” và nước này được làm như vậy “theo UNCLOS”. Tuy nhiên, UNCLOS không cho phép Trung Quốc hay bất kỳ bên nào khác của Công ước trên chống lại phán quyết bất lợi bởi tòa trọng tài, dù nước đó có tham gia thủ tục pháp lý của trọng tài hay không.

Chắc chắn rằng, nếu không có suy nghĩ sáng suốt và “cải cách tư tưởng” đáng kể, thì Trung Quốc sẽ khó có thể xem việc thông qua trọng tài và tòa án quốc tế là các biện pháp xây dựng lòng tin tiềm năng, do những biện pháp này sẽ được xem xét nếu các bên tranh chấp quan tâm tới những lợi ích chung mang tính lâu dài.

Thực chất về sự “Trỗi dậy hòa bình”

Để tìm hiểu triết lý đằng sau chính sách hiện nay của Trung Quốc, cần chú ý đến lý giải về sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc được Zhang Jiangang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Hàng hải tại Đại học Hải Dương Quảng Đông đưa ra ngày 16/6. Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện ở phiên bản tiếng Anh trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, một chuyên trang của tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói đáng tin cậy của Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Zhang nhấn mạnh: “Trỗi dậy hòa bình không có nghĩa là bỏ việc sử dụng vũ lực hoàn toàn”. Ông nói: “Chiến lược phát triển hòa bình vĩ mô” của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nếu chúng ta sử dụng vũ lực một cách có chọn lựa trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Thí dụ, chúng ta có thể sử dụng 10% vũ lực kết hợp với 90% đàm phán để dập tắt tranh chấp. Điều này không hề đi sai con đường trỗi dậy hòa bình.

Khi nói đến việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không nên tự rơi vào bẫy bởi việc gắn một cách cứng nhắc với các khái niệm phát triển hòa bình”. Khi có các cơ hội chiến lược xuất hiện để thực hiện hóa sự tái thống nhất của đất nước thông qua việc bảo vệ chủ quyền biển và thu hồi lãnh thổ bị mất, ông kết luận, “chúng ta phải nắm bắt lấy những cơ hội đó không do dự... giành thế chủ động để chiến thắng trong tương lai”.

Nếu đây là quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, thì chúng ta đang lãng phí thời gian thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin! Trung Quốc nên xem xét lại chính sách hiện tại của họ.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Petrotimes.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: tinh hinh bien dong , trung quoc xay dao o truong sa , trung quoc tap tran o bien dong , bien dong , truong sa , xay dung xuong che bien ca o truong sa , tin , bao