Sự cố sập đường hầm dẫn nước công trình Thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những sự kiện đầy cảm xúc của năm 2014.
Thủy điện Đạ Dâng: Chuyện cảm động bây giờ mới kể |
Suốt gần 4 ngày đêm, hàng triệu người dân cả nước cùng nín thở hướng về nơi đây cầu mong, để rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi chứng kiến phút giây 12 công nhân được đưa ra khỏi hầm an toàn sớm hơn mong đợi.
Những ngày không ngủ
Sáng sớm ngày 16/12/2014, thông tin về 12 công nhân bị cô lập trong vụ tai nạn sập đường hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng tràn ngập trên các trang báo mạng. Chúng tôi, những phóng viên tại TP.HCM hay tin tất bật lên đường đến hiện trường. Sau chuyến xe khách chạy suốt đêm, tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại TP. Đà Lạt mù sương. Dư âm của cơn mưa đêm qua để lại màn sương bao phủ mịt mờ, tiết trời lạnh thấu xương.
Theo con đường 722 đi từ ngã ba Suối Vàng (huyện Lạc Dương) dẫn vào thôn Păng Tiêng, xã Lát, vượt qua gần 20 cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đến được hiện trường vụ tai nạn. Con đường đồi tráng nhựa quanh co dẫn vào công trình Thủy điện Đạ Dâng vắng vẻ, vết xe cơ giới đan xen như tơ nhện, rừng thông xanh thẳm khi mờ khi ảo ẩn hiện hai bên đường. Từng đợt gió thổi rít, mưa lất phất càng làm cho cái lạnh tăng lên bội phần.
Đứng xa cách cửa đường hầm dẫn nước thủy điện hơn trăm mét, chúng tôi đã nghe thấy tiếng động cơ rù rì, tiếng í ới gọi nhau, công tác cứu hộ đang diễn ra khẩn trương. Hàng chục đơn vị cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng và cả lực lượng quân đội như Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam… đã khẩn trương vào việc.
Suốt những ngày có mặt theo dõi từng thông tin về công tác cứu hộ, chúng tôi thấy dường như không ai ngủ được, tất cả đều lo lắng cho nhóm công nhân đang bị mắc kẹt. Những ánh mắt lo lắng của người dân địa phương hướng về phía cửa hầm khiến chúng tôi bị ám ảnh, dù họ không có người thân gặp nạn bên trong.
Mặc cho lực lượng cứu hộ nỗ lực hết mình, trong ngày gặp nạn thứ 2, thông tin về nhóm công nhân vẫn chưa có gì khả quan. Ngày thứ 3, cuộc giải cứu bắt đầu lúc trời còn chưa sáng. Các phóng viên tại hiện trường được cập nhật một thông tin quan trọng, đó là lực lượng của Lữ đoàn 293 - Binh chủng Công binh từ Khánh Hòa và Tiểu đoàn Công binh vật cản 93 (Binh chủng Công binh) đã có mặt tham gia cứu hộ. Đây là lực lượng công binh “đặc nhiệm”, được huấn luyện chuyên thực hiện những nhiệm vụ cứu nạn trong các sự cố sập đổ công trình nghiêm trọng.
Cùng nhóm công nhân nghỉ ngơi sau hai giờ vật lộn cùng đống đất đá trong hầm, anh Nguyễn Văn Quân (25 tuổi) ngồi trầm ngâm với đôi mắt thâm quầng sau 2 đêm không ngủ. Quân lo không biết em trai Nguyễn Văn Quang có chống chọi với cái đói, cái lạnh trong đoạn hầm bị sập hay không? Quân và em trai xuất thân từ một vùng quê nghèo tận Hà Tĩnh. Biết trong làng có người làm công nhân ở công trình Thủy điện Đạ Dâng nên hai anh em khăn gói xin theo. Dù làm chung một công trình nhưng mỗi tuần hai anh em chỉ gặp nhau được một lần, chưa kể những lúc phải tăng ca cho kịp tiến độ.
Người thân các nạn nhân ngóng chờ tin tức.
Hai anh em Quân làm việc chưa đầy nửa năm thì xảy ra tai nạn sập hầm. Thời điểm hàng ngàn khối đất đá trong đoạn đường hầm dẫn nước Thủy điện Đạ Dâng đổ ập xuống, Quân cũng có mặt bên ngoài. Dù biết tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào nhưng anh cùng nhóm công nhân vẫn chạy thục mạng vào trong với hy vọng cứu người. Trong số 12 công nhân bị mắc kẹt ấy có em trai Quân. Những nhát cuốc, nhát xẻng của Quân chẳng thấm vào đâu khi khối đất đá khổng lồ đổ sập. Quân ứa nước mắt mà không biết phải làm gì để cứu em trai. Những ngày cứu hộ, cứu nạn quần quật sau đó, Quân cũng tham gia lo công việc hậu cần bên ngoài đường hầm.
Những lời động viên
Một quyết định mang tính chất bước ngoặt trong cuộc giải cứu 12 công nhân của lực lượng cứu hộ là đào thêm một đường hầm cứu nạn bên trái song song với đường hầm bị sập. Nhiệm vụ này được giao phó cho các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 293, Tiểu đoàn 93 Binh chủng Công binh. Với hiện trạng nền địa chất yếu như tại hiện trường, ban chỉ huy đi đến quyết định sử dụng phương pháp đào hầm cứu nạn theo kiểu truyền thống của lực lượng quân đội: “Hầm trong cát”. Kiểu đào đường hầm này rất khó vì trong không gian hẹp, đào tới đâu phải gia cố tới đó. Những dụng cụ thô sơ như xẻng, cuốc lúc này chính thức phát huy tác dụng. “Không ai bảo ai, các chiến sĩ tự biết không cho phép mình mắc sai lầm, vì đây là một trong hai đường máu đến với nhóm công nhân đang bị kẹt”, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó Tổng tham mưu Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng chia sẻ.
Khi tình trạng của nhóm công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm chưa biết như thế nào thì đường ống cung cấp dưỡng khí được khai thông đã mang đến nhiều hy vọng. Cũng từ đường ống này, lực lượng cứu hộ đã trò chuyện được với các nạn nhân. Điều đặc biệt là sáng kiến truyền cháo loãng, sữa tươi qua đường ống nhỏ luồn tới đoạn hầm sập tiếp tế dinh dưỡng đã làm tăng hy vọng sống sót cho nhóm công nhân.
Có mặt tại hiện trường mới có thể thấy hết được sự khắc nghiệt của thời tiết, cái khổ của những người công nhân đào hầm, mới hiểu cái lạnh trên vùng cao nguyên Lâm Đồng. Về đêm, từng đợt gió rít đến run người. Thế nhưng cả trong và ngoài đường hầm, từng tốp người thay ca làm việc như chạy đua với thời gian, không màng đến thời tiết. Lán trại được dựng ngay trước cửa hầm là nơi nghỉ ngơi cho các công nhân sau ca làm việc. Tại đây mì tôm, bánh mì, sữa tươi, nước... được chuẩn bị để họ lót dạ, chống chọi với cơn đói đêm hôm. Trong góc lán trại, vài công nhân ngồi bó gối tranh thủ chợp mắt.
Một kỷ niệm khiến các phóng viên chúng tôi vô cùng cảm mến đối với các vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào đêm ngày thứ ba cứu nạn. Trong lúc ai cũng trầm ngâm lo lắng, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã viết một bức thư tay ngắn ngủi nhưng cũng đủ trấn an tinh thần nhóm công nhân mắc nạn. Nội dung bức thư có đoạn: “Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách phải bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng. Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh, chị”.
Tác nghiệp tại hiện trường
Thôn Păng Tiêng, xã Lát nơi có công trình Thủy điện Đạ Dâng, dân cư khá thưa thớt. Điều kiện tác nghiệp nơi đây đối với cánh phóng viên rất khó khăn. Không xa cửa đường hầm là tiệm tạp hóa thường ngày phục vụ công nhân. Hàng hiên của tiệm là nơi làm việc của hàng chục phóng viên báo, đài. Người ngồi, người đứng chật ních, ai cũng tập trung vào màn hình máy tính cập nhật tin tức nóng hổi nhất. Vì không có đường truyền Internet nên tất cả phóng viên phải gửi tin bài, hình ảnh về tòa soạn bằng thiết bị 3G. Khi tai nạn xảy ra, tiệm tạp hóa trên được xem như “trung tâm báo chí”. Số lượng phóng viên lên đến vài chục người nên để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chủ tiệm “tăng cường” thêm người nhà và đồ ăn nhanh như mì gói, lương khô, trà, cà phê… hay vật dụng thiết yếu nhất là… thẻ cào điện thoại.
Và để có những thông tin mới nhất của cuộc giải cứu đến với bạn đọc, những người làm báo chúng tôi đã phải trải qua những giấc ngủ chập chờn, những bữa ăn vội vàng hay những thời khắc mạo hiểm vào trong đường hầm có thể sập bất cứ lúc nào để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất.
Sâu trong đường hầm, chúng tôi chứng kiến hình ảnh một tổ công nhân được phân công nhiệm vụ tiếp tế thức ăn, truyền tải thông tin đến nhóm người bị mắc kẹt. Khó khăn họ phải đối mặt còn lớn hơn nhiều. Họ hối hả, tận tụy bơm từng lít sữa vào ống nhựa nhỏ truyền vào hầm như chính người thân của họ đang gặp nạn. Bên đầu đường ống truyền thông tin liên lạc với nhóm công nhân bị mắc kẹt luôn có một người túc trực để nghe ngóng yêu cầu của họ. Phút chốc lại nghe có tiếng “lạnh”, “đói” văng vẳng từ nhóm công nhân khiến những người trong tổ tiếp tế không cầm được nước mắt.
Trong thời khắc sinh tử
Giây phút từng công nhân được cứu thoát khỏi hầm.
Câu chuyện mà chị Đặng Thị Hồng Ngọc (24 tuổi, quê Nghệ An), người nữ duy nhất trong nhóm công nhân bị mắc kẹt, kể cho chúng tôi nghe sau khi hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thật cảm động. Trong thời khắc sinh tử, đối diện với khó khăn, các nam công nhân đã dành cho chị những sự sẻ chia đầy trân trọng. Ngọc kể, ngay sau lúc hàng tấn đất đá đổ sập xuống, chị thấy tất cả như chìm trong địa ngục, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu tối đen. Lúc cố chạy thoát, một số người bị thương. Nhưng điều đó chưa là gì so với cái đói, cái rét mà họ phải chịu vào những ngày tiếp theo. Cảm giác khó thở cũng nhanh chóng qua đi vì lực lượng cứu hộ bên ngoài đã khai thông được đường ống cung cấp dưỡng khí vào.
Trong hầm tối om, không có khái niệm về thời gian, tuy nhiên khoảng một ngày sau, nước bắt đầu dâng lên khiến Ngọc và mọi người lo sợ. Nước từ khe đá trên đầu nhỏ xuống mỗi lúc một nhiều, phía dưới chân nước dâng cao dần, cái lạnh, cái đói khiến mọi người rệu rã. May mắn cho họ là còn có chiếc máy xúc. Nhờ ngồi lên đó mà các công nhân đỡ lạnh hơn vì tránh bị ướt quần áo. Là người nữ duy nhất nên chị Ngọc được các nam công nhân ưu tiên ngồi chỗ khô ráo nhất. Có lúc nước trong hầm dâng cao ngang ngực, trong khi các nam công nhân phải thay phiên nhau cởi bớt quần áo bơi đến đầu ống tiếp tế lấy sữa, cháo loãng, Ngọc được ngồi giữa nhóm người để có hơi ấm, lấy sức chống chọi với tử thần.
Được nghe những câu chuyện từ chính các công nhân mới có thể hình dung thời khắc mà họ đã trải qua. Chiếc nón bảo hộ lao động của họ được tận dụng làm bát đựng sữa, cháo. Để có thể di chuyển từ xe xúc đến nơi tiếp tế thức ăn, các công nhân sử dụng ánh sáng từ những chiếc điện thoại di động họ còn giữ trong người. Tuy nhiên, cũng chỉ được 2 ngày thì tất cả bị hết pin. Phần vì sữa và cháo loãng lúc này khó ăn nên mọi người không ai dám ăn nhiều do sợ đau bụng. Có thời điểm vì quá tuyệt vọng, nghĩ rằng sẽ bỏ mạng nơi đây, một số anh em khích lệ tinh thần bằng cách nói chuyện vui, hát hò giết thời gian…
Và với nỗ lực không biết mệt mỏi trong gần 4 ngày đêm của hàng trăm người, lần lượt từng công nhân được cứu thoát an toàn khỏi căn hầm tối. Tiếng hò reo, vỗ tay không ngớt của những người có mặt dành tặng riêng cho lực lượng cứu hộ. Những giọt nước mắt hạnh phúc của thân nhân người bị nạn đã rơi sau những ngày mỏi mòn đợi chờ.
Chia tay thôn Păng Tiêng, chúng tôi mong một ngày trở lại mảnh đất này nhưng với một sự kiện tuyệt vời hơn, ví như lễ khánh thành nhà máy Thủy điện Đạ Dâng chẳng hạn.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?