Thủ tục hành chính 'rùa bò' nên dân bị húc chết, bò điên cũng lăn quay đột tử
Thứ bảy, 31/05/2014 08:59

Hơn một tháng trời, cuộc sống của người dân vùng núi huyện Đông Giang (Quảng Nam) nhốn nháo bởi sự xuất hiện của 1 bò rừng to lớn vào nương rẫy phá hoại hoa màu.

Hiện trường nơi con bò tót bị chết

Hiện trường nơi con bò tót bị chết

Tuy nhiên, do cá thể động vật này được xác định là loài bò tót quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam nên người dân được khuyến cáo không giết hại. Ngày 26/5 vừa qua, con vật này đột ngột có mặt ở xã Tam Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) hung dữ tấn công người. Một lần nữa, cùng vì ảnh hưởng của khuyến cáo “động vật quý hiếm”, ngay cả lực lượng chức năng cũng lúng túng, nên bò tót gây ra cái chết cho 1 thanh niên và làm 4 người khác trong xã bị thương.

Bò tót hạ sơn, náo loạn xóm làng

Có mặt tại thôn Đại An những ngày này, sự kinh hoàng và đau đớn vẫn hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người. Đi đâu cũng nghe bàn tán về con bò tót “gây án” khiến 1 người chết, 4 người bị thương.

Vụ việc bắt đầu vào khoảng 5h sáng ngày 26/5, ông Lê Văn Định (SN 1954, ngụ thôn Đại An) cùng vợ vác cuốc ra đồng, bỗng thấy xuất hiện một “con trâu” (vì bò tót to lớn, màu đen, người dân cứ tưởng con trâu - PV) đang phá đám đậu lạc. Cứ nghĩ vật nuôi của ai sổng chuồng, vừa nhác thấy, ông bà đã hét lớn, lấy đất ném xua đi. Đột nhiên con vật ngước lên, không hề tỏ ra sợ hãi mà lại lao về phía có người “truy sát”. May mắn do đứng từ xa nên vợ chồng ông Định ba chân bốn cẳng chạy thoát kịp, bỏ buổi làm để quay về làng thông báo. Thế nhưng do chủ quan vì tiếp xúc “trâu” hằng ngày, lại không ai nghĩ đến tình huống “một con trâu có thể làm chết người” nên mọi người vẫn tỏ ra bình thường, tiếp tục cơm đùm xôi nắm ra nương.

Ít phút sau, tại nhà ông Trương Bốn Chinh (SN 1950) phát ra tiếng la hét thất thanh. Chưa định thần, ông Chinh thoáng thấy bóng đen lướt qua, húc đổ cánh cửa nhà mình, rồi chạy ra đường làng đuổi theo cháu Trương Ngọc Duy (SN 2002, cháu ông Chinh), đang đạp xe đi học. Nghe được tiếng la hét, đứa bé nhanh chóng vứt xe chạy thoát thân ngay khi con bò tót vừa lao đến nên chỉ bị trầy xước nhẹ, riêng chiếc xe đạp bị dẫm nát. Con bò tót tiếp tục lao ra rẫy bắp sau thôn giáp với bờ sông Vu Gia rồi điên cuồng quần thảo. Đến 6h15, loa phóng thanh phát đi yêu cầu người dân cần cảnh giác với con bò “điên”.

Ông Chinh kể lại, dù đã nghe thông báo, nhưng chủ quan cho rằng con bò chỉ lẩn khuất sau những bụi tre, lùm cây… Hơn nữa với tâm lý “anh hùng” “chẳng lẽ cứ ngồi ì trong nhà”, nên nhiều người vẫn đi lại sinh hoạt, chỉ đề phòng chút ít. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, con bò tót đột ngột quay lại làng. Lúc này anh Phạm Thành Thiện (SN 1993) đang cho trâu uống nước ngoài ruộng, không để ý, đã bị bò tót lao đến, nghểnh sừng húc vào bụng. Vừa nghe tiếng thanh niên hàng xóm gặp nạn kêu oai oái, bà Trà Thị Bình (SN 1946) hốt hoảng mới từ trong nhà lao ra phía hiên đóng cửa. Con bò điên chợt nhìn thấy bà Bình, liền xé gió tới tấn công. Do sợ hãi, bà Bình té ngã xuống đất, con bò không húc được vào người mà chỉ gây thương tích một bên mặt và cánh tay. Hàng trăm người kéo tới ứng cứu, la hét xua đuổi, con bò mới chịu bỏ đi. Hai nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, nhưng anh Thiện đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Vụ việc vẫn chưa dừng lại khi người dân cả xã nghe thông tin bò tót gây chết và làm thương tích nhiều người, liền ùn ùn kéo về chứng kiến. Trong đoàn người, có anh Bùi Tuấn Kiệt (SN 1974, ngụ thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng) hăng hái đứng chụp ảnh, ghi hình cho được bò tót mà không để ý con vật lao tới. Kết quả, anh Kiệt bị húc vào hông phải, trầy xước nhiều chỗ phải cấp cứu. Rồi khoảng 12h trưa cùng ngày, khi cá thể bò tót nói trên đang ẩn nấp tại một bụi tre ven sông thuộc thôn Đại An, số người, đặc biệt là thanh niên bất chấp nguy hiểm “theo dấu” bò tót vẫn chưa dừng lại. Nhưng mới chỉ 15 phút, bò tót bất ngờ đứng phắt dậy, mắt long lên sòng sọc rồi nhắm thẳng đám đông lao tới. Đám đông nháo nhào như ong vỡ tổ tháo chạy vào các nhà lân cận có tường rào chắc chắn hay leo lên cây ẩn nấp. Riêng anh Lê Đình Vinh (SN 1982, ngụ thôn Hà Dục Tây, xã Đại Lãnh) chậm chân không tìm được nơi trốn, liền bị con bò hung hãn lao vào húc. Thấy tình hình nguy cấp, số người bỏ trốn cùng nhau chạy ra reo hò uy hiếp xua đuổi. Khi con bò bỏ chạy, anh Vinh được người dân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam trong tình trạng nguy kịch với vết húc ở bụng, tay chân, mất rất nhiều máu.

bo-tot-huc-dan-311

Con bò tót xuống khu vực hoa màu của người dân xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc

Tình huống oái oăm gây mê thì không thuốc, bắn bỏ thì sợ

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc cùng chính quyền xã Đại Lãnh đã huy động toàn bộ lực lượng chốt chặn các ngõ xóm tại thôn Đại An, không cho người dân hiếu kỳ tiếp cận gần con bò tót để đảm bảo an toàn tính mạng, cũng đồng thời bảo vệ con vật quý hiếm chờ ý kiến xử lý của cấp trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn liên tục thông báo trên loa phát thanh mọi di biến động của bò tót, nhắc nhở bà con đừng đi lại ngoài đường làng, tuyệt đối không ra các cánh đồng. Các cán bộ kiểm lâm xác định, con bò tót này chính là con bò đã xuất hiện ởcác cánh rừng huyện Đông Giang thời gian qua. Hiện chưa xác định được có cả đàn bò rừng, hay chỉ có một mình con vật. Khả năng có thể do trời nắng nóng, rừng bị tàn phá nhiều, trong quá trình đi tránh nắng tìm thức ăn, bò tót đã lạc xuống khu vực xã Đại Lãnh. Loài vật này thuộc loại cực kỳ quý hiếm (nhóm 1B) nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Có mặt ghi nhận tình hình, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhận thấy con bò quá nguy hiểm, liền đề xuất cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam nên bắn chết. “Tính mạng con người vô cùng quan trọng, nếu không có biện pháp bảo vệ an toàn cho dân tuyệt đối thì nên bắn”, ông Tính đề xuất. Ngay sau ý kiến trên, một cuộc họp khẩn bàn phương án xử lý cá thể bò tót cũng được triển khai tại hiện trường. Các cơ quan chức năng đưa ra 2 phương án. Theo ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, phương án 1 nên dùng thuốc gây mê bắn để bắt, di chuyển con vật đến khu vực bảo vệ. Tuy nhiên, xử lý theo phương án này gặp ngay khó khăn, khi yêu cầu cần phải có các chuyên gia đến từ các cơ quan chức năng ở TW mới triển khai được; còn tỉnh và huyện không có phương tiện như súng chuyên dụng, thuốc gây mê.

Phương án 2, huy động lực lượng dân quân địa phương và công an tập trung bảo vệ dân. Trường hợp cấp thiết, bắn bỏ con bò tót này nếu nó tiếp tục gây ra thương vong cho người dân.

Họp như vậy, nhưng mọi quyết định cuối cùng vẫn phải chờ UBND tỉnh Quảng Nam xin ý kiến từ Cơ quan có thẩm quyền của TW. Nhưng theo thông tin nhận được từ Hà Nội, phải đến cuối giờ chiều 26/5, Bộ NN&PTNT mới cử đoàn công tác vào đến Đại Lộc để nghiên cứu cách xử lý đối với con bò tót hung dữ này.

Trong khi các ban ngành chức năng đang phân vân chưa tìm ra cách xử lý vụ việc, đến khoảng 18h chiều cùng ngày, người dân thôn Đại An phát hiện cá thể bò tót nằm chết ở khu vực bờ tre cạnh sông Vu Gia. Vì trước đó có quá nhiều lời “hăm dọa” “xử lý” bò, nên cái chết của con vật được cho là bất thường. Xác bò tót được bảo vệ nghiêm ngặt chờ cơ quan có thẩm quyền đến điều tra, giải quyết.

Nạn nhân bức xúc vì mạng người thua… bò

Sáng ngày 27/5, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phối hợp Đoàn công tác Bộ NN&PTNN cùng nhiều lực lượng khác ở địa phương đã khám nghiệm tử thi con bò. Theo ông Trần Thanh Tú, cán bộ bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam) ban đầu không thấy có tác động ngoại lực nên loại bỏ trường hợp bò tót do bị đánh chết. Còn nguyên nhân cụ thể, phải đợi lấy mẫu xét nghiệm mới có kết luận chính xác. Trước mắt, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cá thể bò tót này sẽ được đoàn cán bộ trực thuộc Viện hàn lâm khoa học giữ gìn cẩn thận, chuyển về Hà Nội để phục vụ cho công tác lấy mẩu giám định và nghiên cứu. Về nguyên nhân con bò tót xuất hiện, theo ông Tú, dựa vào sự hung hăng của con vật, có thể suy đoán, nó đang trong thời gian động đực. Trên hành trình đi tìm bạn tình đã bị lạc đường vào khu dân cư và “gây án”.

Người dân lại cho rằng, chính vì các lực lượng chức năng lúng túng trong vấn đề xử lý bò quý, cộng với việc phải chờ đợi Đoàn công tác từ Hà Nội vào theo quy định… mới khiến con số thương vong cao như vậy. Nạn nhân Trương Bốn Chinh và bà Trà Thị Bình dẫn chứng: Chỉ có cách chính quyền huy động lực lượng xua đuổi hay linh động làm khác đi, chứ yêu cầu người dân không đi lại bên ngoài để tránh bò tót không phải là cách hay. Thực tế, cả ông Chinh và bà Bình đều ở trong nhà mà vẫn bị con bò xông vào húc. Hơn nữa, cửa nẻo người dân quê phần lớn sơ sài, không thể phòng được với con vật hung hăng như bò tót nêu trên.

Còn ông Phạm Phú (SN 1956, cha người xấu số) bức xúc: “Con bò dù quý cỡ mô thì mạng con tui vẫn lớn hơn chớ. Bảo vệ nó khi nó trong quá trình sinh trưởng bình thường, còn một khi đã húc chết người thì phải xử lý kiểu khác”.

Nạn nhân Thiện là con út trong gia đình có 8 anh chị em. Vì hoàn cảnh nghèo, cha mẹ già yếu, Thiện phải nghỉ học từ năm lớp 9 để ở nhà đỡ đần công việc. Từ khoảng 1 năm nay, để có tiền trang trải cho cuộc sống, Thiện xuống thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) làm nghề bốc vác thuê. Ngày 26/5 vừa qua, do người chủ có việc bận nên mới cho nghỉ, Thiện về nhà tranh thủ chăn trâu thì gặp nạn.

Cũng theo ông Phú, sau cái chết của con trai, được chính quyền hỗ trợ 2 triệu đồng, gia đình ông mới có tiền đi mua áo quan, thuê kèn trống cho tang lễ của con. “Cũng vì chết oan uổng, mà khi đưa về khâm liệm, 1 ngày một đêm rồi, con trai tui vẫn liên tục chảy nước mắt, chắc nó tức tưởi lắm. Nhìn cảnh nớ ai cũng xót xa, không thể cầm lòng. Chừ tang gia bối rối, tui chưa thể có ý kiến. Chờ đến khi mở cửa mả 3 ngày cho con xong, tui sẽ làm đơn kiến nghị. Vẫn biết do con vật gây ra cái chết cho con trai mình, nhưng nói thiệt, nếu chính quyền, cơ quan liên quan linh hoạt trong các quy định, mạng con tôi không bị “đổi” vô lý như rứa”, người cha bùi ngùi.

Vân Anh (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: bo tot huc chet nguoi , bo tot huc dan , Quang Nam , bo rung , bo tot pha hoai , thu tuc hanh chinh , tin , bao