Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ HN cho hay ông không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện thí sinh làm bài như "sao y bản chính" từ đáp án.
Đăng ký dự thi công chức cấp huyện (Ảnh minh họa) |
Không tiền đừng “mơ” công chức
Tại kỳ họp HĐND Hà Nội vừa qua, thảo luận về Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội đã có phát biểu khiến dư luận thực sự sốc. “Chúng tôi phát hiện ra 2 giáo viên có đánh dấu bài của thí sinh để chấm bài. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải kiểm điểm và xem xét trách nhiệm với hai giáo viên này”. Ông Dực nhận định: “Bây giờ người ta nói rằng dưới 100 triệu không đỗ đâu… Chất lượng thi công chức không ổn một tý nào vậy lấy gì đảm bảo chất lượng?”.
Kể lại sự việc này với chúng tôi, một nhân chứng trong kỳ thi nói trên (xin giấu tên) cho biết: Đầu năm 2012, kỳ thi công chức diễn ra tại đơn vị mà anh đang được đào tạo. “Đây cũng là lúc “sếp trưởng” sắp về hưu nên ai muốn đỗ công chức đều tranh thủ “quan hệ” với sếp. Tuy nhiên, mọi việc quá lộ liễu, cấp trên cử đoàn thanh tra về theo dõi kỳ thi. Kết quả, đường dây bị lộ, 2 giám thị bị đề nghị kỷ luật, những người đã “chạy” đều lâm cảnh tiền mất tật mang”.
Về phát biểu của ông Trần Trọng Dực tại phiên họp HĐND TP.Hà Nội, ông Bùi Khánh Thụy, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng cho rằng chắc chắn vị chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phải có cơ sở, có bằng chứng rõ ràng về việc này.
Ông Thụy bày tỏ: “Cho dù chỉ là một vài nơi nhưng rõ ràng đây cũng là câu chuyện đau đầu bấy lâu nay khi nó tồn tại như một sự hiển nhiên rồi”.
“Bây giờ người ta ra giá trắng trợn lắm! Một sinh viên tốt nghiệp loại ưu, đáng lẽ người ta phải được tuyển dụng theo đúng quy định tiêu chí nhưng bây giờ buộc người ta phải có tiền để chạy và sẵn sàng chạy… Một số nhỏ may mắn hơn không chạy có thể vẫn đỗ, trưởng phòng tổ chức nội vụ vẫn nhận nhưng lại cho đi làm việc này việc khác không đúng chuyên môn. Vậy là nếu muốn đúng nghề, đúng sở trường thì không còn cách nào khác lại bắt buộc phải chi ra một “khoản” nào đó…”, ông Thụy nêu.
Từ thực trạng trên sẽ dẫn tới hậu quả mà theo ông Thụy: "Nó là vòng luẩn quẩn của cơ chế tổ chức, tuyển dụng cán bộ ngày nay". Khi người ta đã chạy được rồi, sau này chính những con người này lại tìm cách vòi vĩnh, đòi hỏi hối lộ người khác để bù lại chi phí đã bỏ ra…”.
Không làm nổi nên không dám nhận trách nhiệm
Theo ông Trần Trọng Dực, chính chất lượng đầu vào không đảm bảo đã dẫn tới chất lượng đội ngũ cán bộ công chức bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Khánh Thụy cho rằng không thể đổ lỗi bất cập đội ngũ cán bộ công chức cho lịch sử
"Thông tin về chuyện thi tuyển công chức mà vị Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ Hà Nội tiết lộ vừa mang tính răn đe, lại vừa là lời cảnh tỉnh… Tuy nhiên, nếu chỉ phát biểu như thế thôi không làm gì nữa thì cũng chẳng khác gì tấu lên nốt nhạc cho vui tai. Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm triệt để vụ việc, tạo tiền lệ tốt giải quyết vấn đề tương tự về sau.”, ông Bùi Khánh Thụy nói.
Ông Thụy cũng bác bỏ ý kiến cho rằng đó là "một phần lịch sử để lại". “Tất cả là lỗi từ con người. Chỉ tới khi bước vào cơ chế thị trường, đồng tiền chi phối khiến người cán bộ thiếu kiên định, không giữ được phẩm chất mới để chuyện chạy chức lộng hành như thế! Đáng tiếc là ngành nội vụ không làm nổi nên không dám thừa nhận trách nhiệm”.
Theo ông, suốt khoảng 15 năm nay, Nghị quyết của Đảng đã nói chống chạy chức chạy quyền nhưng trong quá trình thực hiện lại không ai phát hiện, nếu có thì cũng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cục bộ nên không dám nói ra.
"Tôi còn nhớ vào kỳ họp Quốc hội khóa XII, đại biểu đã chất vấn nội dung này. Khi đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại hỏi rằng bằng chứng đâu? Nói thế là không có trách nhiệm, anh là người quản lý trực tiếp thì chính anh phải chủ động phát hiện, điều tra. Cán bộ do anh quản lý thì phải biết ai là người tốt, ai là người xấu chứ?” ông Thụy đặt câu hỏi.
Nói về bất cập của cơ chế tổ chức cán bộ hiện nay, chính vị lão thành này cũng tỏ ra “bất lực”: “Bây giờ chúng ta cũng chưa tìm ra được cơ chế nào cho phù hợp. Ví như chỉ kêu gọi đừng tham nhũng nữa thì chỉ là mơ hồ không tưởng. Đây là vấn đề rộng liên quan tới đường lối công tác tuyển dụng cán bộ của mình… Chỉ xét về khía cạnh bài toán thu nhập tiền lương của công chức cũng là cả vấn đề mà lâu nay chưa giải quyết được. Thử hỏi với đồng lương eo hẹp hiện nay liệu họ có thể sống mà nuôi con, mua đất làm nhà nếu không có thu nhập ngoài luồng khác?".
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?