Olympic London là một trong những sự kiện lớn nhất của thể thao thế giới trong năm 2012. Thế nên, với các VĐV thể thao đỉnh cao của nước nhà, 1 tấm vé tới Olympic chẳng có gì quý giá hơn...
|
Những tấm vé lịch sử
SEA Games 26-2011 được cho là thành công ngoài mong đợi với riêng môn thể dục dụng cụ (TDDC) thì nay họ tiếp tục tạo ấn tượng trên đấu trường quốc tế. Tấm vé chính thức dự Olympic của Phạm Phước Hưng đi vào lịch sử không chỉ là lần đầu tiên TDDC Việt Nam có 2 vé chính thức (trước đó, Phan Thị Hà Thanh đã có suất với thành tích giành HCĐ tại giải VĐTG 2011) mà còn là niềm tự hào là VĐV nam đầu tiên môn dụng cụ dự Olympic.
“Lúc được biết có suất dự Olympic, cảm xúc của tôi rất khó tả. Và ngay khi trở về thì gia đình cùng bạn bè cũng chung vui rất nhiều. Các đối thủ có trình độ rất cao và tôi sẽ phải tập luyện nhiều hơn nữa”, Phước Hưng chia sẻ khi vừa trở về.
Không riêng TDDC, bắn súng cũng tạo được điểm nhấn sáng chói và Trưởng bộ môn Nguyễn Đức Uýnh mô tả đó là “kỳ tích lịch sử” ở việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành suất trực tiếp tới London trong nội dung 10m súng ngắn hơi nam (Vinh xếp hạng 4 tại giải vô địch châu Á 2012 với 582 điểm). Chúng ta từng có VĐV ở Olympic 2004 (Nguyễn Mạnh Tường), Olympic 2008 (Hoàng Xuân Vinh) nhưng suất trực tiếp thì giờ mới là lần đầu.
Đúng, đó là những thành tích rất ấn tượng ngay trong những ngày đầu tháng 1-2012. Tất nhiên, những tấm vé lịch sử ấy rất đáng ghi nhận và sự tin tưởng trong công tác chuẩn bị, tập huấn nhiều khả năng chỉ tiêu “thể thao Việt Nam phấn đấu ít nhất có 10 suất trực tiếp tới Olympic 2012” (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành trong năm 2012 tại Hà Nội) không khó để hoàn thành.
Phạm Phước Hưng tự tin sẽ giành được thành tích cao tại Olympic London 2012.
Bên cạnh những tấm vé chính thức đã có của Văn Ngọc Tú (judo); Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (taekwondo); Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Hoàng Quý Phước (chuẩn B bơi bướm nam), thể thao Việt Nam còn một số suất dự bị Olympic (được thay thế khi có VĐV giành vé bỏ cuộc hoặc dính doping) với Ngân Thương (TDDC), Dương Thanh Tâm (taekwondo)… Chưa kể, gần như chắc chắn Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) cũng dự Olympic chính thức nhờ thành tích bảo toàn vị trí Top 10 các tay vợt đứng đầu thế giới.
Bước qua năm mới, sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thể thao nước nhà bước lại vào guồng quay hối hả với các môn đấu vòng loại Olympic gồm điền kinh, rowing, bơi, cử tạ, vật, boxing, bóng bàn. Như nhận định từng được nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh phân tích: “Với thể hình và sự khéo léo thì các VĐV của ta có thế mạnh ở một số môn thể thao và một số nội dung nhất định. Vì vậy, chúng ta cần biết phát huy điểm mạnh này”.
Và sẽ hơn thế?
Năm 2000, chúng ta chỉ có 2 vé chính thức dự Olympic môn taekwondo. Năm 2004, Việt Nam có 5 vé chính thức tới Hy Lạp còn tại Bắc Kinh năm 2008 thì đã có 8 suất chính thức. Như thế để thấy, sự tịnh tiến tăng dần đều đi theo sự phát triển của nền kinh tế của quốc gia cũng như nền thể thao nói riêng.
Ngay sau tết Nguyên đán, môn điền kinh bắt đầu bước vào thi đấu tranh suất Olympic với cuộc đấu đầu tiên từ ngày 2 đến 6-2 tại Hongkong ở giải Standard Chartered bank. Việt Nam chỉ tham dự VĐV Phạm Thị Bình (marathon nữ) do HLV Nguyễn Tuấn Anh chỉ đạo. Thành tích của Bình ở SEA Games 26 là 2’48"00, BHL hy vọng cô cố gắng đạt được chuẩn B Olympic là 2’43"00.
Rõ ràng, ta phải kỳ vọng thành tích. Việc chỉ lo sẽ có bao nhiêu VĐV được thi đấu tại Olympic sẽ không còn là gánh nặng khi sự đầu tư trọng điểm được thể thao Việt Nam đặt ra. Thành tích gì và đạt như thế nào, câu hỏi không dễ trả lời. “Ít nhất phải bảo toàn tấm HCB mà chúng ta đã có ở Bắc Kinh cách đây 4 năm”, dù đó chưa phải mục tiêu được công bố chính thức nhưng giới chức quản lý Ủy ban Olympic quốc gia đã ngầm hiểu với nhau ở Olympic London 2012 này. Còn mục tiêu “cố gắng phấn đấu có HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016” vẫn còn quá xa nên ta sẽ tập trung chuyện trước mắt.
Cơ sở là có (đã có 7 VĐV dự chính thức) nhưng năng lực còn phụ thuộc nhiều ở riêng tố chất, tâm lý từng VĐV. Cử tạ đã rạng rỡ tại Olympic Bắc Kinh nên sự tin tưởng tiếp tục đặt lên đôi vai của Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn. Cũng phải nhìn ở thực tế, để tiệm cận thành tích trong nhóm giành huy chương Olympic thì cả 2 lực sĩ phải chứng tỏ hơn 100% năng lực thì mới hy vọng. Điền kinh vẫn được chờ đợi nhất và lần lượt những VĐV Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Việt Anh, Huệ Hoa, Bình… đang cố gắng từng ngày để bung sức vào cuộc đấu quyết định.
Được dự Olympic đã khó, tấm huy chương Olympic giành được còn khó hơn. Cơ hội chia đều cho các VĐV một khi cuộc đấu chưa kết thúc. Chúng ta vẫn chờ đợi những Quý Phước, Hà Thanh, Ngọc Tú, Diệu Linh… sẽ làm được hơn khả năng. Tất nhiên, sự tin tưởng ở họ là chính xác khi đó đang là những ngôi sao sáng nhất của chúng ta!
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành