Thảm kịch gia đình có người đàn ông mê sảng 'tưởng vợ là quỷ'
Chủ nhật, 02/11/2014 04:00

Trong lúc 'ma men' mơ sảng, y bật dậy chộp con dao gần đó kết liễu người vợ của mình bằng một nhát dao chí mạng vì nghĩ vợ là quỷ.

Hồ Dự giúp hàng xóm làm chuồng gà.

Hồ Dự giúp hàng xóm làm chuồng gà.

Ngày định mệnh

Giữa cái nắng hanh hao của một buổi trưa tháng 10, PV có dịp tiếp xúc với ông Đoàn Th. (trú xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), cha của người phụ nữ mà cách đây gần 20 năm đã chết tức tưởi bởi chính bàn tay người chồng. Mặc dù bi kịch dần trôi vào quá khứ, mộ người đã khuất cũng xanh cỏ tự bao giờ nhưng nỗi đau khi người chết, kẻ điên loạn và một gia đình tan nát vẫn mãi đeo bám những người ở lại trong gia đình.

Đôi mắt thẫn thờ nhìn vào xa xăm, quá khứ như lại ùa về trong tiềm thức, ông Th. kể: Ngày đó, vợ chồng ông đồng ý cho con gái mình là Đoàn Thị M. (SN 1968) với chàng trai cùng thôn là Hồ Dự (SN 1960) tổ chức đám cưới. Thời đó, trên mảnh đất đầy nắng gió và cát trắng này, hầu như ai cũng sống chung với sự nghèo khó. Ngoài thửa ruộng cha mẹ cho làm của hồi môn, Dự và chị M. đi làm thuê làm mướn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống vốn khó khăn, quanh năm suốt tháng bươn chải với ruộng vườn, cũng không làm kinh tế gia đình đi lên. Trong hơn 10 năm chung sống, Dự với chị M. có với nhau 6 mặt con, ba trai, ba gái. Buồn vì hoàn cảnh khó khăn, Dự tìm vui trong men rượu.

Những nếp nhăn càng hằn lên nét phong trần trên khuôn mặt ông Th., nghẹn ngào ông kể tiếp: "Có một thời gian lúc sinh xong đứa thứ tư, cả gia đình M. dắt díu nhau vào Nam với hy vọng tìm được công ăn việc làm, chứ với mảnh ruộng nhà thì túng thiếu đủ đường. Đi được một thời gian thì chúng nó lại khăn gói trở về và sinh thêm hai đứa nữa. Lúc này không ai nghĩ Dự sẽ bị tâm thần, có chăng cũng chỉ là những lời nói nhảm mỗi khi có hơi men trong người".

Trưa 27/6/1997, khi đã ngấm hơi men sau chầu nhậu, Dự về nhà và lên giường nằm nghỉ. Trong khi đó, chị M. vẫn đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm trưa cho cả nhà. Trời nắng nóng như đổ lửa, thấy khó chịu trong người nên Dự gọi chị M. đến ngồi lên giường quạt cho mình ngủ. Đang thiu thiu thì bất ngờ Dự bật dậy, chộp lấy con dao bản lớn đặt cạnh đầu giường, túm tóc chị M. kéo ngược ra đằng sau và lạnh lùng cắt một nhát chí mạng vào cổ người mà mình đầu ấp tay gối hơn 10 năm. Chị M. chết ngay tại chỗ. Thấy chị M. nằm bất động, Dự như sực tỉnh cơn mê, vùng chạy một mạch về nhà người bà con cùng xóm, ú ớ vài câu: "Tui giết vợ tui rồi".

Chỉ tay sang căn nhà bên cạnh cách nhà mình một con mương nhỏ, ông Th. tiếp lời: "Nhà vợ chồng nó cách nhà tôi chỉ vài bước chân. Buổi trưa hôm đó nghe thấy những tiếng hét của Dự, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành tôi liền chạy ngay sang nhà nó, thì thấy con gái tôi đã nằm trên vũng máu. Không có đứa cháu nào ở trong nhà, Dự thì vừa chạy khuất dạng. Tôi vội vàng chạy về văn phòng hợp tác xã, mượn loa phóng thanh báo cho dân làng biết chuyện vừa xảy ra và nhờ người đi gọi công an xã về truy bắt Dự. Ngay trong buổi chiều hôm đó Dự bị bắt đưa lên giam ở công an huyện".

Sự việc kinh hoàng xảy ra trên mảnh đất vốn yên bình khiến những người trong thôn khi đó ai ai cũng thấy bàng hoàng. Người ta không hiểu vì lý do gì mà một người đàn ông vốn chỉ biết đến ruộng vườn và con tôm con cá lại ra tay tàn độc sát hại chính người vợ của mình. Không ít lời bàn tán vào ra cho đến khi cơ quan chức năng đưa Dự đi giám định và kết quả cho thấy anh ta bị tâm thần. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng là vì cơn điên bột phát, Dự không làm chủ được hành động của mình, giết người trong vô thức.

Nỗi đau của những người ở lại

Ngày Dự tước đoạt mạng sống của vợ mình, cũng chính là ngày gia đình anh ta lâm vào cảnh bi đát, người chết, kẻ điên loạn, để lại một đàn con nheo nhóc. Đứa con gái lớn lúc đó cũng chưa đầy 10 tuổi, sau lưng là năm đứa em ngơ ngác chưa hình dung hết bi kịch xảy ra trong chính gia đình mình. Cuộc sống của gia đình ấy vốn nghèo khó lại càng bi đát hơn. Khi không còn sự chở che của ba mẹ, tuổi thơ và những nụ cười hồn nhiên của 6 đứa trẻ đã bị cướp mất kể từ cái ngày định mệnh đó. Một thời gian sau khi Dự bị bắt, người mẹ già của anh ta cũng vì quá đau buồn mà qua đời, không kịp nhìn mặt con trai lần cuối.

Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Hoa (mẹ chị M.) tiếp lời: "Gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn. Ngày đó, con cái đứa thì lập gia đình, đứa thì đi làm ăn xa, trong nhà chỉ còn hai ông bà trông cậy vào thửa ruộng. Chúng tôi thương các cháu lắm nhưng không đủ sức để nuôi hết được chúng. Hai đứa được gửi vào trại trẻ mồ côi. Vợ chồng tôi đem con bé kế út về chăm sóc, đứa nhỏ nhất thì gửi vào tận trong Nam ở cùng với bác, còn hai đứa lớn phải đi ở đợ cho nhà người ta".

Đến năm 1999, Dự được tha về nhưng căn bệnh tâm thần của anh ta vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Dự sống tách biệt với làng xóm, ngày đêm lủi thủi trong căn nhà tồi tàn. Thời điểm đó, trong mắt những người xung quanh, Dự là một kẻ điên, một kẻ sát nhân nên họ vẫn còn e dè, sợ hãi khi tiếp xúc. Hằng ngày, những đứa con đi ở đợ cho người ta, phải mua thức ăn đem về để nuôi người cha tâm thần.

Ngày tháng cứ thế trôi, nay chỉ còn cô bé L. đang sống với ông bà ngoại, còn những đứa khác mỗi đứa một nơi bươn chải mưu sinh và hình ảnh người đàn ông tâm thần dần quen thuộc hơn trong suy nghĩ của những người trong thôn. "Bệnh tình của Dự đã thuyên giảm rất nhiều, nhưng cuộc sống cơ cực quá, con cái giờ cũng phải tha phương cầu thực, nuôi thân còn không nổi nên không lo cho cha được nhiều. Đời nó khổ từ nhỏ, đến tận bây giờ vẫn khổ", một người bà con của Dự chia sẻ.

Trong căn nhà tồi tàn của Dự, lăn lóc trong góc là một vài cái lừ, cái dẹp (dụng cụ đánh bắt cá) đang làm dang dở. Chúng tôi hỏi những người hàng xóm xung quanh thì được biết Dự là một người rất khéo tay. Mỗi khi có ai nhờ là Dự lấy tre để đan những chiếc dẹp, chiếc lừ rất đẹp. Những người lão luyện trong nghề đánh bắt cá vẫn luôn nể phục tài vót tre của Dự.

Sau buổi trưa định mệnh, cơn bột phát của căn bệnh quái ác đã khiến Dự cướp đi sinh mạng người vợ và làm tan nát hạnh phúc, tương lai của cả một gia đình. Giờ đây khi người chết cũng mồ yên mả đẹp, người sống dần tha thứ cho hành động của Dự, thì cũng là lúc phần con người trong Dự dần thức tỉnh. Dù vậy, nỗi đau của sự ly tán và sự nghèo khổ vẫn còn đeo bám lên số phận của Dự và những người con. Tiếng cười hạnh phúc của ngày đoàn tụ đã vĩnh viễn tắt lịm trong tâm thức những người ở lại.

Lời trần tình đau đớn

Tiếp xúc với Dự trong khi anh ta đang xẻ gỗ giúp một người bà con cùng xóm, PV không nghĩ rằng trước mặt mình là người đàn ông điên với một quá khứ hãi hùng. Khi được hỏi vì sao ngày xưa anh giết vợ thì Dự nhớ lại và nói trong sự hối hận: "Trưa hôm đó tôi đang nằm ngủ thì nhìn thấy vợ ngồi bên cạnh mà cứ ngỡ là quỷ. Bản thân tôi không thể tự kiềm chế được mà giống như có ai đó trong đầu đang thúc giục nên mới gây nên thảm kịch như vậy. Giờ tôi hối hận lắm nhưng đã muộn...".

Vẫn còn triệu chứng của bệnh tâm thần

Ông Trần Xuân Tình, Trưởng thôn Đông Dương cho biết: "Hiện nay tình trạng bệnh tâm thần của Dự đã thuyên giảm rõ rệt và đang hòa nhập tốt vào cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, những lúc thời tiết nắng nóng thì Dự vẫn còn những biểu hiện không bình thường như hay nói năng lảm nhảm. Chính quyền địa phương cũng đã có chế độ hỗ trợ hộ nghèo và trợ cấp hàng tháng đối với người tâm thần như Dự. Bên cạnh đó, một số người con của Dự cũng đang được hưởng chế độ dành cho trẻ mồ côi”.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: giet vo luc me sang , giet vo luc say ruou , nguoi tam than giet nguoi , giet vo , giet nguoi , quang tri , tin , bao