Tết trong “trại nữ” vui hơn về nhà...
Thứ năm, 19/01/2012 11:07

Ngót một nghìn học viên cai nghiện và phục hồi nhân phẩm sau khi bị bắt giữ từ các ổ bán dâm đó luôn gây cho tôi cảm giác thật khó để tin tưởng. Chẳng là người đời vẫn cửa miệng: “Đừng nghe cave kể chuyện/ Chớ tin con nghiện trình bày”.

Đấy là chưa kể, quá nhiều “em” trong số này vừa nghiện lại vừa bán dâm chuyên nghiệp! Thế nhưng, khi tôi và anh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục và lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội) - “đánh bài ngửa” thì hiệu ứng loại trừ nói dối rất tích cực. Không quay phim chụp ảnh, không hỏi tên tuổi và hỏi em là “gái” hay là nghiện, ta tâm sự như những người đàn ông, đàn bà Việt chuẩn bị đón năm mới nhé. “Thế thì, việc quái gì mà nói dối cho nó phải tội cái mồm” - một cô môi tím rắt, da tái xanh, mặt lỗ chỗ lở loét đột nhiên triết lý.


Nhân dịp tết, các trại viên tổ chức Tết trồng cây tại Trung tâm GD&LĐXH số 2, Hà Nội. Ảnh: Đ.D.H

“Gái” đi ôtô xịn, vali kéo, tha thướt về quê...

Cười ran ran. Rồi tiếng khóc thút thít. Lại một cái tết nữa, tết năm con rồng 2012. Lại gói bánh chưng, lại thi nhảy bao bố, lại cả trại xôn xao trao giải cho người trưng bày ban thờ ngày tết đẹp nhất. Hương - cô gái Bắc Ninh trắng nõn và tròn trịa, làm “gái” mấy năm rồi mà vẫn ngơ ngác như thôn nữ thơ ngây. “Làm gì mà cứ chạy nhặng lên thế?”. “Sắp tết, em được ra “trại” về nhà, đi chào các anh các chị ấy chứ”. “Gớm, dự nốt cái tết ở đây cho vui” - một cô nói. Hương nhỏ nhẹ: “Gái như em, tết vẫn đứng ở chân cầu Thăng Long. Có khi vào phòng “thư dãn” thì cũng toàn phục vụ mấy ông say rượu, trốn nhà được vài chục phút đến vài tiếng là cùng. Rồi mình ở một mình chờ xem “thiên  hạ đón xuân sang”. Tết là mùa làm ăn, khách đông nên cũng chả cô nào muốn về làng. Vả lại, cả làng biết em vừa nghiện vừa làm gái, về làm gì cho bố mẹ, gia đình thêm nhục, anh ạ”.

Một cán bộ lãnh đạo trung tâm ngồi cạnh bảo: Nhiều cô đến đây, với cái tên... giả, lý lịch mù  mờ, nhưng “trải nghiệm hành nghề” thì chắc không thể làm giả. Hầu hết các cô đều thuộc dạng “đứng đường”, “hàng thải loại” thì khi bị bắt mới vào đây. Số còn lại họ... tìm đường ra hết. Cho nên, cách đây vài năm, trung tâm phục hồi nhân phẩm này đúng là có nhiều cô dễ gợi ta nhớ đến các cụm từ xót xa “sắc nước hương trời”/ “mưa sa vũng bùn”.

Bây giờ thì hầu như không có chuyện đó. Các cô đẹp, biết giấu nghề hư của mình, được bao bọc bởi tiền và những gã đàn ông thích hoa nguyệt, có khi tết đến họ đi ôtô xịn, kéo vali bóng nhoáng rồi tha thướt về để “mát mặt” với cả làng cả xã vì... thành đạt xứ người. Chứ những cô mà chúng ta đang gặp, họ đều mặc cảm không dám ngửa mặt lên. Ví dụ: Gái mại dâm thì hầu hết là “khách quen” của trung tâm với vài ba lần vào lại ra... đứng đường. Gái nghiện, thì nghiện oặt rồi, hết thuốc chữa rồi họ mới làm hồ sơ từ địa phương gửi vào đây, mỗi “tua” là 24 tháng. Thế nghĩa là phải ăn 2 cái tết trong trại. Như chị Mai Anh này, nhà ở Bưởi, chồng nghiện liên tục ở tù, con trai cũng nghiện và đang ở tù, chị ấy thì vào đây “cai” 3 tăng rồi. Vị chi là 6 năm ròng đón xuân trong góc núi Ba Vì này.

Nghe những lời thẳng thắn, chân thành và ít nhiều thương cảm đó, vài cô đã bật khóc. Nguyễn Thị Phúc - cô gái 22 tuổi - tự giới thiệu mình là con nghiện (chứ không phải “gái”, các cô rất ngại khai mình là “gái”!): “Nhà em ở phố Tây Sơn, gần Gò Đống Đa. Hồi đi học, ngày nào em cũng đi qua tòa soạn Báo Lao Động các anh. Năm 2011, em vào “trại” được 2 tuần thì đến tết. Lúc đầu em khóc lóc ầm ĩ. Ở ngoài kia em đi bụi, ngủ công viên, “chơi” trong nhà nghỉ. Giờ “giam” em ở đây mà lại đón tết thế này thì chết mất. Ai ngờ, tết trong này vui lắm. Ai cũng rơi vào cảnh khổ, nên chẳng ai khinh ai, không bị mạt sát như ngoài đời”.

Ngoài 20 tuổi, Phúc đã có tới 5 năm bỏ học đi bụi. Em chỉ về nhà khi cần ăn cắp hoặc xin xỏ bố mẹ lúc không còn “đạn” để chơi. “Đời dạt nhà như em, lại thân gái hư hỏng... làm gì có chuyện vui tết hả anh?” - Phúc sụt sịt. “Ai ngờ vào trại, tết có tiệc tùng, vừa lao động vừa vui chơi. Em thích nhất nhảy bao bố. Trùm cái tải vào hai chân và ngang hông mình rồi nhảy đi từng bước.  Khó lắm nhé. Ai nhanh sẽ thắng. Thi nấu cơm, thi gói bánh chưng, thi bày cỗ. Em đặc biệt thích trò ăn nho. Chị em buộc từng chùm nho lên cái dây chăng ngang như dây phơi quần áo. Rồi vừa nhảy vừa há miệng ăn từng quả nho, ai ăn được nhiều, mà chùm nho không rơi, dây không đứt thì chiến thắng. Trông thế mà khó lắm anh ạ”.

“Em vốn cũng là người chăm chút gia đình...”

Phương Minh có vệt chàm đen sì phủ kín nửa bên má hồng nhan. Ba mươi bảy tuổi, con đã học lớp 5, chồng chết vì ung thư 9 năm rồi, nhà ở phố Hàng Đậu (Hà Nội), cùng bố mẹ bán hàng ở Hàng Giấy. Tưởng đời goá phụ giữa đô thành thế là cũng chẳng đến nỗi nào. Bốc mộ chồng xong, đang tính đi bước nữa thì Minh thử ma tuý. “Nói thật, bạn bè nào rủ được mình, mình chơi thì tự khắc chơi thôi chứ. Em ghét nói dối lắm” - Minh thẳng thắn. “Buồn thì tần mần thử chơi, ai ngờ ma tuý nó như con ma theo mình cả đời anh ạ. Tết của em, vì thế còn buồn hơn ngày thường. Bồ bịch, bạn chơi nó về nhà nó cả. Con, em gửi ông bà ngoại. Nằm dài, chả muốn ăn uống gì. Nằm chán lại sang nhà ông bà. Ông bà cũng đề phòng con nghiện từng tí. Nghĩ thảm thương lắm, nhưng đúng là em nào có ra gì...”.

Bây giờ vào trung tâm, mấy năm ròng lao động và học tập, dự mấy cái tết rồi, Minh nói “toạc móng heo”: “Tết, em toàn được giải môn thi “bịt mắt đánh trống” thôi. Em ngày xưa cũng chăm chút gia đình, nên mâm ngũ quả, ban thờ dự thi chấm giải của nhóm em bao giờ cũng xuất sắc. Khó nhất là trò gắp trứng cả quả chưa bóc... bằng đũa, vì nghiện lâu quá, tay em run run. Mỗi ngày hai cữ heroin, anh bảo còn gì là người, còn gì là tiền nữa. Cả chục cái nhà phố Hàng Đậu em hít cũng... tan. Trò nấu cơm thi, một người vẫn đòn gánh và hai quang thúng, trên đó để hai cái niêu đất, đoàn người cứ đi theo đốt rơm nổi lửa sao cho cơm chín. Mấy cô ở vùng Phú Thọ, quê cô ấy có trò chơi dân gian ấy, nên các cô toàn tranh mất giải”. Minh kể, rồi cười, gương mặt bị cái bớt đen thui cứ tồi tội ngoảnh đi. Giọt  nướt mắt lăn dài trên bầu má 37 tuổi không thể nói là không còn xuân sắc.

Chị Mai Anh gần 50 tuổi, môi thâm sì, ngồi bần thần quan sát chúng tôi. Tôi cũng chưa vội gợi chuyện, bởi đã được trung tâm “cảnh báo” trước với vài dòng lý lịch: Nhà ở mép hồ Tây, Hà Nội. Chồng đã đi ở tù được 7 bận vì buôn ma tuý, chị cũng dính án ấy rồi nghiện liên tì tằng với 3 “tua” (tổng cộng 6 năm!) ở trại. Con trai cũng nghiện, đang thụ án 5 năm vì tội cướp tài sản. “Chị đón tết ở đây nhiều rồi, đúng là vui  hơn ở nhà - chị chủ động góp chuyện bằng cái giọng rất quê mùa - Chị chả dám mong gì, vì còn gì nữa mà mong. Cai được ít ngày, về gặp mấy cậu nghiện nó lại nháy mắt, lâu lắm chị em mình chưa làm một “choác”, thế là lại đón tết ở trại cai nghiện. Đứa con gái chị bán hàng cơm gần nhà, nó đẻ cho chị đứa cháu ngoại đã 6 tháng. Nhưng tết này chị cũng cấm nó lên thăm. Thôi, để cho nó yên!”.

Vốn là xã viên của hợp tác xã dệt thảm giữa thủ đô, học hết 7/10, chị Mai Anh bảo, chị nghiện và tù tội vậy, nhưng chị ghét nói dối. “Ở đây, chị chỉ nhìn là biết đứa nào là “gái”, đứa nào nghiện giống chị. Cô này ở số 12... phố Lò Đúc. Xinh, có vẻ vô tư. Rõ là làm “gái”. Người ta bảo, nghiện nó hay rủ rê người lành, người nhà giàu để nó lợi dụng kiếm cái hút, chị nghĩ chả đúng. Lúc chị nghiện, chị chả rủ thêm ai, vì rủ nó sợ nó... hút hết phần của mình thì sao. Người nghiện ít quan tâm đến tình dục ư? Chả tin, nó cũng là tùy cơ địa mỗi người. Bấy nhiêu năm nghiện, chị suy nghĩ nhiều lắm, có khi ân hận lắm, giờ mình lên bà nội, bà ngoại cả rồi. Ấy vậy nhưng thấy người ngoắc tay rủ đi “chơi” vài cữ, là đi ngay! Bao công cai đi toi trong phút chốc. Mà bây giờ nó có nhiều loại ma tuý mới, lạ lắm, chết người lắm”.

Vừa triết lý, chị Mai Anh vừa lau rửa những dụng cụ trang trí ban thờ ngày tết mà chị đã cất vào góc giường cá nhân từ... năm ngoái. Đèn màu nhấp nháy, đèn lồng. “Hoa giấy này là để hái hoa dân chủ, giải các câu đố về con đường hoàn lương của đàn bà lầm lỡ đấy nhé. Bánh chưng mình gói, giò chả, thịt thà thì Nhà nước bao cấp ăn nhoè. Đi làm lại có tiền thu nhập từ công sức mình bỏ ra”. Chị Mai Anh bảo: “Mỗi tầng nhà bọn chị dành ra cả một phòng để trang trí dự thi. Nói là ăn tết trong trại thích hơn ở nhà, nghe thì khó tin và có vẻ oái oăm. Nhưng đó là sự thật em ạ. Ngoài kia, đời cái người nghiện, người cả nhà nghiện và lầm lỡ như chị, bao năm nay làm gì có biết xuân với tết là cái gì”.

Trong bữa cơm tất niên 6 người một mâm với đủ các phẩm vật của cái tết Việt truyền thống, những người đàn bà (hoặc nghiện, hoặc làm “gái” chuyên nghiệp, hoặc dính vào cả hai) cứ cười nói râm ran. Nước mắt cho lặn vào trong, dẫu chả ai muốn tha hương đón năm mới nơi này đâu, nhưng đúng là tết ở trại vui hơn ở nhà. Dù oái oăm, thì đó vẫn là sự thật. Bởi chỉ ở đây họ mới được hái hoa dân chủ, được nhảy bao bố, ăn nho treo dây, nấu cơm trên quang gánh rồi bày mâm ngũ quả và trang trí ban thờ với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”...

Ánh lửa xuân bây giờ có giúp các cánh chim bay lạc kia thôi lầm lỡ ở những mùa tết năm sau...? Thì cứ hy vọng thế.

Báo Lao động
Tag: Tết Nguyên đán , Trại cai nghiện , Trại giam