Đã gần 21h, anh Thanh vẫn chưa về. Ba mẹ con ở nhà, hai đứa con khóc rấm rứt...
Chị Ngọc và hai con. Chồng chị anh Thanh tăng ca vẫn chưa về. |
Tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bích Ngọc và anh Dương Văn Thanh - đang trọ tại địa chỉ 32/4A ấp Đông 1 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) vào đúng ngày Tết ông Công ông Táo.
Đã gần 21h, anh Thanh vẫn chưa về. Ba mẹ con ở nhà, hai đứa con khóc rấm rứt. Chị Ngọc dỗ con, thở dài: “Tết đến nơi rồi nhưng mình cũng chưa sắm sửa được gì, đang chờ anh Thanh mua trái cây về cúng ông Táo. Tôi nhớ cái tết Bắc quá, gần chục năm rồi, cái khó đã chặn hết mọi đường về quê.”
Thèm một cái tết Bắc
Năm 2006, chị Ngọc từ Thái Bình vào Sài Gòn tìm việc. Năm đó, chị thi đậu và Trường Trung cấp Mầm non của tỉnh nhưng nghĩ đến tình cảnh gia đình còn khốn khó, chị đi học rồi không có ai phụ giúp gia đình, tiền bạc chẳng có, ra trường không biết lấy tiền đâu để “chạy” chỗ dạy nên chị bỏ “nghiệp học” để đi làm CN.
“Ngày đó lương chỉ được 700.000-900.000 đồng/tháng, nhưng tôi ham lắm vì sau khi trừ các khoản chi tiêu cũng gửi về gia đình được 400.000 đồng. Bố mẹ vui, đứa em không phải lo ngay ngáy chuyện bỏ học nên mình càng quyết tâm ở lại Sài Gòn làm CN. Đôi khi nghĩ lại chẳng biết mình đã làm đúng hay không, nhưng chẳng hối hận dù cuộc sống của mình hiện tại vẫn còn nhiều vất vả” - chị Ngọc bộc bạch.
Anh Thanh - chồng chị, quê ở Đồng Tháp - đang là CN Cty may Rồng Vàng, lương cơ bản được 2,7 triệu/tháng, tháng nào tăng ca ít thì được tầm 3,9 triệu/tháng, còn tháng nào anh “cày” cật lực thì được hơn 5 triệu đồng.
Chị Ngọc từ khi có bầu đứa con đầu đã nghỉ việc, ở nhà chăm con. Anh chị định khi con 2 tuổi sẽ gửi về nhà nội, chị xin đi làm lại vì một mình chồng gồng gánh không nổi cuộc sống của cả gia đình, nhưng “người tính không bằng trời tính”.
Đứa con thứ hai ra đời, chị lại ở nhà chăm con, chi phí cuộc sống gia đình lại đặt lên vai anh Thanh. Gia đình tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, mượn đầu này đắp chỗ khác. Thiếu quá thì đi vay lãi, vay 1 triệu mỗi tháng trả lãi 100 ngàn đồng.
Mấy cái tết trước anh chị có về Đồng Tháp, nhưng năm anh chị quyết định ở lại Sài Gòn. Chị Ngọc nói: “Ông bà chỉ cần con cháu về thôi nhưng không có tiền, mình không dám về. Hôm trước ông gọi lên bảo chuẩn bị về tết chưa, mình chỉ dạ dạ vâng vâng, đợi ngày gần tết, chồng mình gọi về nói với ông là không về được; chứ báo sớm, ông gọi lên giục mãi, vợ chồng mình sợ không cầm lòng được”.
Chị nhớ lại, ngày còn con gái, năm nào chị cũng về Thái Bình ăn tết cùng gia đình, nhưng từ khi lấy chồng, 5 năm qua, chị chưa về quê nhà một lần. “Bố mất rồi, nhà còn mình mẹ, mỗi khi tết đến, cái rét kéo về lại nhớ mẹ, nhớ quê cồn cào.
Gần 30 tuổi đầu, đã có chồng và hai con mà mình vẫn thèm được về gói bánh chưng với mẹ, đi chợ tết mua cành đào, thèm ăn một cái tết bắc. Buồn nhất là hai đứa cháu chưa được nhìn thấy mặt ông, bà cũng mong được gặp cháu mà không biết khi nào mới có dịp về” - chị bần thần.
Cúng tất niên con gà là xong tết
“Tết ông Công ông Táo không cúng kính gì hả chị?” – tôi hỏi. Chị ầu ơ ru con rồi bảo: “Đang chờ anh Thanh mua trái cây về cúng. Mình ở trọ, lại khó khăn chắc chẳng ai trách”. Chị nhìn đồng hồ rồi nói: “Anh Thanh chắc là sắp về rồi!”.
Gần tết, để có thêm thu nhập, anh Thanh đăng ký tăng ca liên tục, vừa rồi có thông tin Cty anh sẽ thưởng tết một tháng lương cơ bản, chị khấp khởi mừng thầm, năm nay hai đứa con chị sẽ có tết.
“Khi nào anh Thanh lĩnh lương, mình sẽ mua cho mỗi đứa bộ quần áo mới, vợ chồng mình thì thôi không cần sắm sửa gì. Mua con gà cúng tất niên, vậy là xong tết. Tiền thưởng để dành ra năm mua sữa cho con, mình chẳng dám chi tiêu gì nhiều.
Ở đây được cái là cô chủ trọ thương hoàn cảnh vợ chồng mình, có gì cô cũng mang cho. Vừa rồi có đoàn công tác xuống tặng quà, cô ghi tên nhà mình vào danh sách luôn” - vừa nói chị vừa khoe túi quà vừa nhận được. Chị bảo, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột ngột, gạo, mì gói… vừa nhận được xem như là đủ cho một cái tết.
“Đang định hỏi cô Tư xem có cái vé đi Đầm Sen, Suối Tiên nào không, xin cô 3 vé để tết cả nhà đi chơi. Tết ở nhà mãi cũng buồn. Đưa hai đứa con đi chơi, ngắm phố phường cho có chút không khí tết.
Hai vợ chồng mình gói ghém, dè xẻn rồi gửi về biếu ông bà hai bên một chút, mừng ông bà năm mới sức khỏe để đợi con cháu tết năm sau sẽ cố gắng về. Với gia đình mình, Tết vậy là được rồi!
Năm sau mình sẽ dành dụm mua cái máy may, nhận hàng về nhà làm phụ chồng mua sữa cho con, như vậy mới có tiền để dành, mong tết năm sau sẽ không vất vả như tết năm nay nữa ” - chị Ngọc mỉm cười, đầy hy vọng.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?