Tên sách đua nhau gây “sốc”
Thứ năm, 09/01/2014 13:29

Thị trường sách ngày càng đa dạng, nhưng dạo qua các hiệu sách, nhìn vào những tác phẩm bầy trên kệ, độc giả sẽ bật cười vì lối đặt tên ngày càng... không giống ai.

Những tựa sách gợi nhiều tò mò của độc giả

Những tựa sách gợi nhiều tò mò của độc giả

Tên sách quá kỳ quặc

Khi nhìn thấy quyển tiểu thuyết dầy cộp có tên “Chân ngắn sao phải xoắn”, hẳn độc giả tò mò sẽ phải cầm ngay lên để xem tác giả là ai, lật giở vài trang xem trong đó viết cái gì. Còn với những độc giả trẻ, hẳn sẽ tìm thấy nét “xì tin” nghịch ngợm trong cuốn sách đó, đồng cảm với lứa tuổi, thế hệ của mình nên sẽ chẳng ngại ngần chọn mua.

Có lẽ nắm bắt được tâm lý tò mò cũng như mong muốn tác phẩm “bắt mắt” ngay từ cái nhìn đầu tiên mà các cuốn sách đua nhau mang những cái tên gây sốc như, “Đánh cược với yêu thương”, “Anh sẽ lại cưa em nhé”,“Gái khôn không bao giờ sợ ế”... Chưa hết, còn rất nhiều cái tên “gợi cảm” như: “Những bờ môi chưa hôn”, “Chiếc ôm từ Vệt Gió Quỷ”... Còn cả những cái tên nghe rất choáng: “Dù chỉ sống thêm một ngày anh vẫn sẽ chọn em”, “Vì anh... nghiện em rồi”, “Bà xã nghịch ngợm, em là của anh”. Còn có những cái tên nghe rất ngổ ngáo “Tôi ghét anh đồ du côn”. Có cái tên lại rất mượt mà “Đặt tay lên tim và nói em yêu anh”. Có cái tên nghe rất tò mò “Anh yêu em 1m45 ạ”, “Trường học Vampire”. Lại có cái tên đọc muốn... hụt hơi “Yêu anh bằng tất cả những gì em có” và “Mất anh bởi tất cả những thứ em cho”, “Hoàng tử lạnh lùng và cô nhóc lanh chanh”. Có cuốn thì “nặng” triết lí “Tình yêu là không ai muốn bỏ đi”, “Yêu là yêu”. Có cuốn lại nghe như cổ vũ, hô hào song cũng đầy... bi quan “Yêu đi để còn chia tay”. Có cuốn đầy khiêu khích: “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không”. Nhưng cũng có cuốn sách nghe tên đã đậm màu táo bạo như “Đàn ông chọn khe ngực sâu”...

Tên tác giả cũng... khó đỡ

Thoạt tiên, nhìn vào tên các cuốn sách người đọc có thể nghĩ ngay đến đây là sách dịch, thậm chí những cuốn sách đa phần thuộc thể loại văn học diễm tình vốn thịnh hành ở các nước phương Tây lâu nay và gần đây là Trung Quốc.

Song, kiểm tra lại thì biết tác giả phần lớn là người Việt. Có những tên tác giả rất bình thường như bao cái tên khác, nhưng cũng có tên gây tò mò, thậm chí gây sốc chả kém gì tên tác phẩm. Nào là Leng Keng - Quái Vương, Gào, Hồng Sakura... Thậm chí những cái tên tác giả còn được “bê nguyên” từ Facebook, blog bởi các cây viết này đều thuộc dòng văn học mạng, sau khi “tung” tác phẩm của mình vào thế giới ảo đã quay về... thế giới thật để xuất bản thành sách.

Bởi thế, nhiều khi độc giả không tinh tường khó phân biệt được đâu là... tên tác giả và đâu là tên tác phẩm. Chẳng hạn như Shino, Thuyuuki, Chichan, Chanhee, Lynk Bee, Sandy, Susu Fukazime...

Chưa bàn đến việc các cuốn sách này hay hay dở song việc đặt tên gây sốc này ít nhiều khiến độc giả lo lắng. Bởi cứ đà này rồi không biết tên sách sẽ kì cục đến mức nào nữa. Nhiều người băn khoăn tự hỏi không biết sẽ đi về đâu dòng sách này? Có người bảo nó sẽ đi về... nơi xuất phát. Nghĩa là đến khi độc giả thích những cuốn khác hơn thì tự nó sẽ chìm vào quên lãng. Cũng có người hỏi: Cuộc đua tên sách sốc như vậy sẽ bao giờ kết thúc? Có cung mới có cầu, đến khi nào chính độc giả chán, không phải chỉ tìm đọc sách qua sự gây sốc, sự bắt mắt mà tìm sách qua nội dung, qua những gì họ thấy cần thiết, hữu ích, có chút gì đó đọng lại sau khi đọc thì tự nhiên xu hướng này sẽ tan rã mà thôi.

Anninhthudo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Thị trường sách , Tên sách khác người , Sách cho giới trẻ , Tên sách gây sốc