Tàu hỏa kéo lê ô tô, nhân viên gác chắn lĩnh án
Thứ sáu, 05/07/2013 18:55

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Oanh đã gọi điện cho Thư bảo tới hiện trường để kéo cần chắn 2 xuống và coi như đang làm nhiệm vụ bình thường tại chắn 2.

Bị cáo Oanh và Thư tại tòa

Bị cáo Oanh và Thư tại tòa

Ngày 5/7, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Trần Huy Thư (1974) và Vũ Thị Kim Oanh (1976) với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt” được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự.

Theo cáo buộc, vào khoảng 4h30 ngày 3/2/2012, ông Nguyễn Văn Thái điều khiển xe ô tô du lịch loại 16 chỗ BKS 29B-02663 chở khách. Lúc này trên xe gồm 6 người gồm vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhất bà Nguyễn Diệu Hiền, ông Nguyễn Tiến Ngơi, bà Nguyễn Thị Ninh cùng con trai và bà Nguyễn Thị Đồng đi từ Vân Nội đến thôn Thụy Hà, Bắc Hồng để đón khách đi tham quan.

Khi đến điểm giao cắt đường ngang Km 26 + 200 tuyến đường dắt Yên Viên – Lào Cai thuộc xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội đã va chạm trực tiếp với đoàn tàu SP4 đầu máy D12E – 644 do lái tàu là anh Lê Đình Tới (SN 1979, trú thôn Thanh Vân, Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội). Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe bị tàu đâm vào mạn sườn và văng ra tường gạch nhà chắn. Vụ tai nạn đã khiến anh Thái tử vong và những người còn lại trên xe bị thương nặng.

Qua quá trình điều tra vụ án, lực lượng cảnh sát điều tra cho biết đây là vụ án phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố.

Thứ nhất về phía Công ty TNHH đường sắt Hà Thái mà trực tiếp là 2 nhân viên của ca trực là anh Trần Huy Thư và chị Vũ Thị Kim Oanh đã không làm tốt vai trò của mình được thể hiện rõ: Hai người đã tự ý đổi ca trực cho nhau, đêm hôm xảy ra tai nạn do Thư mệt nên đã gọi điện đổi ca cho chị Oanh. Do chỉ có một mình nên bị cáo Oanh đã làm nhiệm vụ của cả 2 người. Oanh đóng chắn 2 và treo đèn cảnh báo lên đầu hàng rào chắn cố định phía chắn 2 (đèn quay mặt trắng báo hiệu án toàn về phía tàu SP4). Sau đó quay về vị trí chắn 1 nhưng không thực hiện đóng chắn 1.

Trước khi xảy ra tai nạn anh Tới và điều khiển phụ tàu là Hoàng Hà Sơn đã nhận được đèn tín hiệu an toàn và anh Tới đi đúng với tốc độ cho phép.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Oanh đã gọi điện cho Thư bảo tới hiện trường để kéo cần chắn 2 xuống và coi như đang làm nhiệm vụ bình thường tại chắn 2. Khi đó chắn 2 chưa được đóng và không có đèn tín hiệu nào được treo ở hàng rào hay nơi nào khác bên chắn 2.

Thứ 2 về phía lái xe ô tô: Trước khi xảy ra tai nạn, một số người trên xe đã phát hiện thấy có ánh đèn của tàu hỏa nhưng do tài xế lái xe quá nhanh vượt lên đường sắt đã không kịp dừng lại khiến cho cú va chạm trở nên mạnh hơn. Một phần lỗi cũng do lái xe thiếu quan sát.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Oanh vẫn một mực khai mình đã thực hiện mọi thao tác, do thấy anh Thái điều khiển xe đi vào đường chắn do sợ nguy hiểm nên bị cáo đã buông cần chắn chạy về p hía nhà chắn, ô tô do anh Thái điều khiển vẫn tiếp tục lao đến đường ray thì xảy ra tai nạn. Trong khi đó bị cáo Thư lại cho rằng, Oanh đã gọi Thư đến và “ngụy” tạo ra một hiện trường giả hòng qua mắt lực lượng điều tra.

Với tội danh của mình, tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đã bị TAND huyện Mê Linh tuyên phạt bị cáo Oanh 7 năm, bị cáo Thư 5 năm 6 tháng tù giam với tội danh đã nêu ở trên.

Về bồi thường dân sự: Công ty một thành viên đường sắt Hà Thái có trách nhiệm phải bồi thường cho gia đình bị hại và những người liên quan với tổng số tiền là 846 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xét thấy vụ án không có tình tiết mới nên HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên y án sơ thẩm mà TAND huyện Mê Linh đã tuyên là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Song An

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Tai nạn tàu hỏa , Tai nạn ô tô , Tàu hỏa đâm ô tô , Nhân viên gác chắn , Đường sắt , Vũ Thị Kim Oanh , Tuyên án