Tăng giá xăng quá mạnh tay đe dọa lạm phát cả năm
Thứ sáu, 09/03/2012 13:49

Sáng nay (9/3), khảo sát thị trường hàng hóa tại một số chợ, siêu thị cho thấy, mặt bằng giá bán của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã “đu” theo giá xăng dầu, gas.

Giá thực phẩm ăn theo

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Siêu thị Big C cho biết, kinh nghiệm từ những đợt điều chỉnh xăng dầu lần trước, thì khoảng sau 7 - 10 ngày những tác động mới rõ rệt, đặc biệt là với nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Mức tăng còn tùy thuộc vào sức mua và sức chịu đựng của NTD, thông thường từ 10 - 15%. Tuy nhiên, lần này thị trường diễn biến nhanh hơn, do trước đó đã muốn tăng theo giá gas.

Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ quả đã bắt đầu tăng nhẹ khoảng 5 - 10%, so với trước đó. Cụ thể, giá đậu cove 12.000 đồng/kg, bắp cải trắng 10.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với cuối tháng 2; ớt hiểm, chanh tươi giá 26.000 đồng/kg…

Trong khi người tiêu dùng (NTD) chưa kịp “định thần” thì các loại thịt gia cầm tiếp tục “nhảy múa”, đưa giá bán gà công nghiệp, gà tam hoàng làm sẵn nhích thêm 2.000 đồng/kg, đạt 72.000 đồng/kg; gà ta lên 110.000 - 120.000 đồng/kg…

Tăng giá xăng quá mạnh tay đe dọa CPI cả năm

Thực phẩm tươi sống nhích giá từng ngày

Các loại thủy hải sản cũng “chịu hết xiết” khi phí vận chuyển đã tăng. Cá thu hiện có giá 110.000 đồng/kg, tôm đất đồng 105.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng. Mực ống 134.000 đồng/kg, cua 220.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với trước.

Bên cạnh các mặt hàng tươi sống, giá các sản phẩm chế biến sẵn (đồ hộp, giò lụa…) cũng tăng mạnh từ 10 - 12% tùy theo loại, thương hiệu.

Đại diện các siêu thị Co.op Mart, Vina Mark… cho biết, thị trường vừa bước qua một đợt tăng giá mạnh hồi tháng 2, nên trước bất cứ đề nghị tăng giá của nhà cung cấp nào, bộ phận thu mua cũng rất thận trọng. Hiện Co.op Mart đã chủ động dự trữ một lượng hàng lớn để kéo dài thời điểm tăng giá, tránh tăng giá đồng loạt.

Tại các Trung tâm điện máy như Chợ Lớn, Sài Gòn Nguyễn Kim, Thiên Hòa… các mặt hàng điện lạnh (máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh), điện gia dụng đã đồng loạt được thay giá mới với chiều hướng tăng từ 5 - 10% tùy mặt hàng.

Tăng giá xăng quá mạnh tay đe dọa CPI cả năm

Đồ hộp cũng bắt đầu tăng giá bán

Anh Nguyễn Thế Kỷ, chủ xe tải 2,5 tấn chở nông sản từ Cần Thơ lên chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM cho biết, trước đây giá vận chuyển một xe hàng khoảng 350.000 đồng/chuyến bao gồm tất cả các loại thuế, phí cầu đường. Song, nay phải tăng thêm từ 50.000 - 80.000 đồng/chuyến để bù giá xăng dầu.

Với các xe vận chuyển có tải trọng lớn, giá chuyên chở từ các tỉnh về TP.HCM khoảng từ 600.000 - 800.000 đồng/chuyến, nay tăng nhẹ từ 100.000 - 200.000 đồng/xe tùy theo cung đường. Trong thời gian tới có khả năng tăng thêm. Đây cũng là động thái chung của các nhà xe hiện nay.

Thách thức lạm phát

Trong lúc người dân chưa kịp hoàn hồn với giá gas thì chưa đầy 24h sau thông tin úp mở của vị Thứ trưởng Bộ Tài chính rằng, sẽ tăng giá xăng dầu ở mức hợp lý khi các công cụ thuế, trích quỹ BOG được dùng hết mà giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán hiện hành.

Tuy nhiên, với mức tăng mạnh tới 2.100 đồng/lít xăng, thì thực sự có hợp lý? Nếu với cách lập luận của cơ quan và doanh nghiệp kinh doanh thì hẳn nhiên là hợp lý, bởi với mức tăng giá liên tiếp của mặt hàng này trên thị trường thế giới, cộng với việc đã dùng hết các công cụ hỗ trợ: trích quỹ bình ổn, giảm thuế nhập khẩu xuống hết cỡ - 0%... tăng giá xăng là không thể đừng.

Song điều bất hợp lý ở chỗ, mức tăng quá cao 2.100 đồng/lít (tương đương 10%). Mỗi khi xăng tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá đồng loạt của những mặt hàng thiết yếu khác, do mặt hàng này là nhiên liệu đầu vào của 80% các mặt hàng khác.

Như vậy, những ngày qua, giá nhiều mặt hàng đã tăng mạnh như: điện 5%, xăng 10%, gas 20%.., khiến cho cuộc sống của người dân vốn đang khó khăn, lại càng thêm khó. Trong đó, cũng có sự góp phần không nhỏ của những doanh nghiệp chuyên “té nước theo mưa”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, 2 tháng đầu năm chỉ số CPI đã tăng 2,36%, trong khu mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức tăng khoảng 10%. Như vậy, "dư địa" còn lại cho lạm phát chỉ còn 6,64%, chưa kể tới những tác động từ việc tăng giá hàng loạt mặt hàng trong tháng 3 thì dư địa này còn "hẻo" hơn.

Nếu cộng cả các yếu tố tăng giá này, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số cho 10 tháng còn lại quả thực là một thách thức lớn cho nền kinh tế.

"Mục tiêu giữ lạm phát ở mức một con số là khá khó khăn trong bối cảnh tương quan hiện tại, khi mà xăng dầu, than, gas... tăng mạnh như vậy và điện lại có thể tăng tiếp"- ông Phong bình luận.

Infonet
Tag: Tăng giá xăng dầu , Giá thực phẩm tươi sống , Đồ hộp , Giá xăng dầu , Lạm phát