Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, tăng lương không liên quan đến tăng lạm phát, nhà nước không in tiền để tăng lương.
|
Bên cạnh khẳng định đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn phân tích nhiều tác động, bản chất của việc tăng giá dựa theo tăng lương luôn làm "nóng" dư luận lâu nay.
Thanh tra giá cả còn hạn chế
Dư luận cho rằng, nhiều vi phạm về giá cả trên thị trường của nhiều mặt hàng trọng yếu nhưng cơ quan chức năng cả Trung ương và địa phương phát hiện được ít, thậm chí chờ khi báo chí lên tiếng thì mới vào cuộc. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, dư luận không sai. Công tác thanh tra, kiểm tra giá cả trong năm vừa rồi vẫn có hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận công tác thanh tra,kiểm soát giá còn kém
Bộ trưởng dẫn ra ví dụ về trường hợp giá thuốc chữa bệnh tăng và chưa kiểm soát tốt được ở nước ta do danh mục các sản phẩm thuốc quá nhiều và còn phụ thuộc rất nhiều và giá nhập khẩu, trong khi thị trường thế giới cũng biến động nhiều.
Theo Bộ trưởng, để hạn chế tình trạng giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu bán trên thị trường quá cao, thậm chí có hiện tượng “làm giá”, định hướng chính sách năm 2012 của Bộ Tài chính là tiếp tục tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra để góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số (9%) như Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả thị trường và đời sống người dân. Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích khá cặn kẽ rằng, khi giá điện tăng 5% thì sẽ khiến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng khoảng 0,369%. Tuy nhiên, dù tăng giá điện như thế nào, Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp.
Vì thế, chuyện giá cả thị trường tăng do nhiều nguyên nhân, không phải hoàn toàn do tăng giá điện. Hơn nữa, giá điện theo lộ trình vẫn sẽ phải đảm bảo cơ chế thị trường và sẽ tăng.
Té nước theo mưa
Liên quan đến dư luận bức xúc về việc tăng lương ảnh hưởng nhiều đến tăng giá thị trường, tác động tiêu cực nhiều nhất đến đời sống người lao động không có lương, thậm chí lương chưa tăng mà giá đã tăng cao, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân là tăng lương phải đạt đến nâng mức sống thực chất của người hưởng lương chứ không phải tăng trên danh nghĩa.
Bộ trưởng còn giải thích rằng, nếu tăng lương 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì. Việc tăng giá dựa cớ tăng lương có nguyên nhân quan trọng của tâm lý lợi dụng “té nước theo mưa” trên thị trường.
Mỗi khi tăng lương, giá cả lại tăng gây khó cho người lao động
Bởi bản chất của việc tăng lương là trên cơ sở dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Ví dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hằng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ.
Vì vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh: “Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát. Nguyên nhân lạm phát là do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công… chứ không thể đổ lỗi cho tăng lương”.
Vì thế, theo Bộ trưởng, chính sách điều hành vẫn đang nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu ngân sách, tăng thu ngân sách để tăng lương. Tuy nhiên, có 2 vấn đề: Một là, đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán sản phẩm. Hai là, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên.
Như vậy, theo ông, “biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí bị đẩy lên hay lạm phát… Tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này”.
Hơn nữa, vấn đề mấu chốt là phải minh bạch chính sách, trong đó, ngoài công khai tài chính, minh bạch thu - chi, việc quan trọng không thể xem nhẹ là mỗi khi tăng lương, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng phải giải thích kỹ cho nhân dân hiểu bản chất của việc tăng lương.
Bởi vì Bộ trưởng chứng minh rằng, “trong tháng 10/2011, chúng ta đã điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền”.
Từ ngày 1/5/2012 sẽ có đợt tăng lương với mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng; phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Do vậy, để tránh xảy ra tăng giá, đặc biệt là giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày, công tác tuyên truyền, giải thích cần phải thực hiện tốt.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu tuyên truyền tốt, yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương”./.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?