Tận mắt xem chặn dịch Mers
Thứ năm, 04/06/2015 10:00

Chiều ngày 3.6, đoàn cán bộ của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã đi kiểm tra và cùng cán bộ y tế chặn dịch MERS-CoV tại sân bay.

Chỉ sau hơn 2 tuần, tính đến ngày 1.6, số người nhiễm MERS-CoV ở Hàn Quốc lên tới 30 người, 2 người tử vong. Hiện đã có hơn 1.360 người Hàn Quốc bị cách ly ở các mức độ khác nhau sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với virus MERS. Chính phủ Hàn Quốc đã cho đóng cửa 209 trường học ở nước này trong một nỗ lực nhằm dập tắt đợt bùng phát dịch MERS- CoV.

Hành khách được kiểm tra nhiệt độ bằng máy đo thân nhiệt tại sân bay.

Dịch MERS-CoV đang tiến sát Việt Nam

Trước nguy cơ dịch bệnh MERS-CoV tiến sát Việt Nam, chiều ngày 3.6, đoàn cán bộ của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu và Sở Y tế TP Hà Nội do TS. Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc đi kiểm tra công tác kiểm dịch tại của khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Tại đây, chuyến bay KE 479 từ Hàn Quốc chở 142 hành khách, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài. Hành khách được phát các tờ khai y tế và hướng dẫn kê khai y tế với 8 dấu hiệu bệnh như: Sốt, ho hoặc khó thở, tiêu chảy, vàng da, nổi ban ngoài da, liệt cấp, sưng hạch và xuất huyết ngoài da.

Chia sẻ với phóng viên, một hành khách nói: “Chúng tôi rất vui khi được trải qua những thủ tục bắt buộc này vì biết việc này làm là vì sức khoẻ của chính mình và mọi người”.

Hành khách trở về từ vùng dịch được khai báo y tế

Hành khách này cho biết, ngay từ lúc máy bay hạ cánh, cán bộ kiểm dịch của sân bay tiếp cận, phát tờ rơi hướng dẫn khai báo thông tin sức khoẻ, dịch bệnh. Tại các quầy làm thủ tục, các nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch cũng giải đáp, hướng dẫn hành khách chấp hành thủ tục bắt buộc này.

Theo quan sát, chỉ trong vòng hơn chục phút, toàn bộ số hành khách nói trên đã hoàn thành thủ tục kê khai y tế, rời nhà ga với tâm trạng thoải mái.

Theo TS.Lê Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hà Nội, Trung tâm đã thực hiện kê khai đối với hành khách đến từ nước có dịch MERS-CoV. Tất cả máy soi thân nhiệt tại các khu vực làm thủ tục nhập cảnh đều hoạt động đảm bảo hành khách đều được kiểm soát dịch bệnh.

Theo TS Nguyễn Tiến Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch, bình quân mỗi ngày, sân bay Nội Bài có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và hàng chục chuyến bay khác đến từ các vùng dịch MERS-CoV khác ở 26 nước trên thế giới. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Việt Nam có thể xảy ra.

Tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hà Nội, khu đón tiếp và cách ly bệnh nhân đã được dành riêng và trang bị đầy đủ các phương tiện và cơ số thuốc cần thiết theo phác đồ điều trị để khi dịch bệnh xuất hiện có thể sơ bộ xử lý và vận chuyển người bệnh về điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các cơ sở y tế khác.

GS. TS Nguyễn Thanh Long kiểm tra thuốc men, thiết bị y tế để phòng dịch

Tới đây, Trung tâm sẽ cho in và phát tờ khai y tế cho hành khác đến từ tất cả các chuyến bay từ các nước trên thế giới về Việt Nam. Như vậy, lượng tờ khai có thể sẽ là rất lớn, lên đến hàng nghìn tờ mỗi ngày. Ông đề nghị các hãng thương vụ mặt đất và đại diện Hiệp hội Hàng không Quốc tế cần thống nhất hỗ trợ liên lạc để việc phát tờ rơi cũng như tờ khai này có thể dễ dàng triển khai tại các chuyến bay .

Trong buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Cảng hàng không Nội Bài chủ động phối hợp với công an cửa khẩu, cảng vụ để có thông tin về hành khách quốc tế đến từ vùng có dịch chuẩn bị nhập cảnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ về y tế khi những hành khách đó nhập cảnh.

Virus MERS-CoV dễ nhầm với cúm

Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới về công tác phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do MERS-CoV nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập Việt Nam.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, các bệnh dịch nguy hiểm (như dịch SARS, cúm A/H5N1…) xâm nhập vào Việt Nam thường được phát hiện từ bệnh viện

Đối với bệnh dịch MERS-CoV, thời gian ủ bệnh lâu (14 ngày), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ WHO.

Chuyên gia xem lại tờ khai y tế đối với hành khách đến từ vùng dịch

Theo chuyên gia của WHO tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho….

Bên cạnh đó, tại các khoa Khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế.

Cũng theo các chuyên gia WHO, bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.

Ngày mai (4.6), Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đoàn sẽ kiểm công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh…. trong bệnh viện.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Dịch MERS , ngăn chặn bệnh dịch mers , bệnh dịch