Ngoại trừ kết luận của Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho rằng 6 vụ cháy gần đây nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh nguyên nhân cháy là do chập điện, không liên quan đến xăng dầu, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào chính thức lên tiếng về hàng trăm vụ cháy còn lại.
Nhiều ý kiến chỉ đạo
Ngày 7-1, Bộ Công an đã có điện gửi lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương yêu cầu chỉ đạo lực lượng điều tra các cấp tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ xe cháy; nắm bắt tình hình kinh doanh nhập khẩu, phân phối xăng, dầu và các phụ gia của các đầu mối nhập khẩu; xác minh xem có gian lận, vi phạm trong việc bán các sản phẩm xăng, dầu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…; nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, lỗi vi phạm cũng như khuyến cáo người dân có biện pháp phòng ngừa.
Ngày 12-1, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH- CN), Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ Công an thực hiện ngay các nhiệm vụ nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ xe cơ giới.
Xe máy, xe khách, xe taxi và xe tải... tất cả đều tự cháy. Ảnh: NLĐO
Theo đó, Bộ KH-CN được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng, đo lường; soát xét lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu, thành phần các chất phụ gia ảnh hưởng đến khả năng gây cháy nổ.
Bộ Công an có nhiệm vụ ra văn bản hướng dẫn cảnh báo, đăng trên các phương tiện thông tin để người dân biết; điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gian lận trong kinh doanh, vận chuyển xăng dầu; nhanh chóng điều tra, xác định nguyên nhân cháy nổ của từng vụ cháy nổ xe; phối hợp, cung cấp thông tin về các vụ cháy nổ xe cho các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan.
Bộ GTVT được giao nhiệm vụ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy tăng cường việc kiểm tra chất lượng an toàn với phụ tùng và xe sản xuất, lắp ráp; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với cơ quan quản lý thị trường thực hiện việc kiểm tra lại chất lượng xe máy bán tại các đại lý phân phối và bán xe máy; tăng cường việc quản lý đối với các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy.
Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với 3 bộ trên tiến hành khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây ra việc cháy nổ xe thời gian qua.
Như vậy, nhiệm vụ đã được phân công rõ ràng, đúng với chức năng, trách nhiệm của từng bộ nhằm nhanh chóng tìm ra nguyên nhân các vụ xe cháy trong thời gian gần đây. Nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo hay kết luận chính thức của các bộ trên về vụ việc.
Tổ chức tìm nguyên nhân, biện pháp
Ngày 10-2, Sở KH-CN Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Trao đổi về nguyên nhân gây cháy, nổ phương tiện ô tô, xe máy và biện pháp phòng tránh”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan.
Đã có nhiều nguyên nhân cháy xe được đưa ra phân tích, mổ xẻ: do xe cũ, chập điện, xăng không đạt chất lượng... Nhưng rốt cuộc, tổng kết hội nghị vẫn là “cần tiếp tục nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ”.
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc cháy nổ xe. Theo đó, cục đã và đang kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất lượng xe xuất xưởng của một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp có nhiều xe bị cháy trong thời gian qua…
Cục cũng có văn bản gửi Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các vụ cháy, nổ xe; đề xuất Bộ GTVT làm việc với Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cục trong việc kiểm tra lại chất lượng xe máy bán tại các đại lý phân phối.
Ngoài ra, cục còn có văn bản gửi Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đề nghị được tham gia trong quá trình soát xét, hoàn thiện lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu sử dụng cho xe…
Và xe vẫn cháy
Trong khi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đang còn nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, đề ra nhiều biện pháp hạn chế việc cháy nổ xe thì như một sự thách thức, xe… vẫn tiếp tục cháy và ngày càng nhiều hơn.
Thống kê của các ngành chức năng, trong năm 2011, trên cả nước có 89 trường hợp cháy, nổ xe máy, ô tô. Sang năm 2012, chỉ tính riêng thông tin trên Báo Người Lao Động, từ đầu năm đến nay có trên 40 trường hợp xe máy, ô tô cháy nổ. Trong đó, có đến 29 vụ xảy ra trong tháng 2-2012.
Đặc biệt, chưa đầy một tuần (từ ngày 23 đến 28-2), theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, có đến 9 vụ cháy xe không rõ nguyên nhân. Điển hình là các vụ:
Ngày 28-2: Xe máy do Trung Quốc sản xuất đang lưu thông trên đường gần cầu vượt Quang Trung (quận 12 - TPHCM), bất ngờ từ dưới gầm xe, lửa bốc lên; tại tỉnh Vĩnh Long, xe máy hiệu Wave RS tự cháy khi vừa đổ xăng chạy được 100 m.
Ngày 27-2: Chiếc ô tô hiệu Fiat ngún khói rồi bốc cháy khi đang trên Quốc lộ 1A, gần cầu Bến Cát – TPHCM; tại tỉnh Hải Dương, chiếc xe máy hiệu Air Blade đang để trong nhà bỗng phát hỏa rồi cháy lan, thiêu rụi cả căn nhà; ở TP Đà Nẵng, chiếc xe ben đang chở đất trên đường thì dưới gầm cabin xe bỗng nhiên bốc khói và phát hỏa.
Ngày 25-2: Xe buýt của HTX Vận tải cơ giới thủy bộ TP Mỹ Tho bất ngờ bốc cháy từ hầm máy phía trước sau khi vừa đổ dầu ở một cây xăng; tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chiếc Ô tô Honda Civic đang đỗ ở tầng trệt trong nhà bỗng dưng bốc cháy dữ dội, thiêu rụi toàn bộ xe và vật dụng ở tầng trệt.
Ngày 23-2: ô tô hiệu Nissan của diễn viên Lê Khánh bốc khói ở nắp ca pô rồi cháy trên đường Huyền Trân Công Chúa (TPHCM); chiếc Air Blade do một phụ nữ điều khiển trên đường phố Hà Nội bỗng phát hỏa…
Chuyện xe cháy xảy ra như cơm bữa. Điệp khúc “đang điều tra và làm rõ vụ việc” vẫn tiếp tục được lặp lại. Chưa biết ai là người phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy này. Cũng chưa tìm ra nguyên nhân các vụ cháy, cách khắc phục. Người dân bất an khi hằng ngày ra đường ngoài việc lo tai nạn giao thông lại cõng thêm nỗi lo xe cháy. Vấn đề đã trở nên cấp bách bởi liên quan đến tài sản và cả tính mạng người dân.
Xin trích lời của PGS - TS Hoàng Mạnh Hùng, người có kinh nghiệm hơn 30 năm điều tra vụ án liên quan đến cháy nổ: “Chúng ta để chậm ngày nào, dân chúng hoang mang ngày đó. Mà thế giới sẽ đánh giá kém về công nghệ của chúng ta. Khoa học chúng ta kém hay chỉ đạo hoạt động kém?”. Vâng, lẽ nào chúng ta đành bất lực nhìn xe cháy, chấp nhận phó mặc cho rủi may?
Hai tuần nữa có kết quả!
Ngày 29-2, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu TPHCM - Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết nhóm các nhà khoa học được Sở KH - CN TPHCM giao nhiệm vụ điều tra nguyên nhân gây cháy xe máy trong thời gian qua đang tích cực làm việc để trong vòng 2 tuần tới sẽ có kết quả.
Thời gian qua, nhóm điều tra đã tiến hành khảo sát hàng chục mẫu xăng hiện có trên thị trường để kiểm tra trong xăng có methanol hay không và liệu chất này có khả năng gây cháy?
Nhóm nghiên cứu cũng đã làm việc với Sở PCCC, Công an TPHCM để xem hồ sơ về các trường hợp xe cháy. Kết quả sơ bộ cho thấy đa phần các vụ xe cháy trong thời gian gần đây chủ yếu là do chập điện.
Nhóm nghiên cứu đang triển khai điều tra theo hướng này bằng thực nghiệm khoa học đối với các trường hợp xe cháy.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho biết đã triển khai cho nhiều viện, trường ĐH ở phía Bắc tiến hành điều tra nguyên nhân gây cháy xe.
Hiện các nhà khoa học đang tiến hành thí nghiệm, thực nghiệm về các khả năng gây cháy xe để tìm hiểu cụ thể. Bộ KH-CN cũng đã kết hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương… hợp tác điều tra, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất xe máy tham gia quá trình điều tra về nguyên nhân gây cháy xe.
|
Chỉ là kết quả ban đầu
Trong khi các tỉnh, thành chưa đưa ra kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng xác định nguyên nhân của hầu hết các vụ xe cháy trên địa bàn tỉnh là do… chập điện. Tuy nhiên, kết quả này khiến không ít người nghi ngờ là kết luận… vội vàng.
Ngày 29-2, trao đổi với phóng viên, đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở PCCC tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Sở đã nhanh chóng đưa ra các kết luận trên tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những kết quả xét nghiệm ban đầu.
Chúng tôi khẳng định nguyên nhân do chập điện nhưng vì sao chập điện, do xăng hay do lắp ráp hoặc kết cấu, chất lượng của xe, chúng tôi không thể kết luận được”. Riêng nghi vấn về chất lượng xăng, đại tá Sáng cho biết các bên liên quan cũng sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ.
Theo tổng hợp của Sở PCCC tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy xe, trong đó xác định được 6 vụ là do chập điện.
|