Trò gian lận, móc túi khách hàng một cách trắng trợn tái diễn tại cây xăng với mức độ táo bạo hơn. Đó là đại lý bán lẻ xăng dầu Thanh Nguyệt Q.2 TP. HCM.
Hình ảnh gian lận tại một số cây xăng (Ảnh minh họa) |
Ăn gian 10.000 đồng/lần
Tối 28/8, tại cây xăng này tấp nập người ra vào đổ xăng. 19h34, một phụ nữ chạy xe Wave tấp vào, đưa năm ngón tay ra hiệu đổ 50.000 đồng xăng A92 (tương đương 2,11 lít). Khi khách vừa cúi xuống mở cốp xe thì nhân viên mặc áo trắng bước tới thu tiền, nói chuyện đánh lạc hướng. Khi chỉ số tiền trên bảng điện tử nhảy đến 40.000 đồng (chỉ số xăng là 1,69 lít), nhân viên mặc áo carô màu đen trắng đứng nép cạnh trụ xăng nhanh tay bấm khống số tiền lên 50.000 đồng, trong khi chỉ số xăng không đổi. Như vậy, người khách vừa bị ăn gian tới 10.000 đồng.
Một phút sau, một nam thanh niên chạy xe Jupiter MX tới ra hiệu đổ 50.000 đồng xăng A92. Theo quan sát, mọi quy trình từ bấm số tiền, trả về số 0 nhân viên mặc áo carô đen trắng thực hiện đầy đủ. Đến lúc nhân viên này kéo vòi ra bơm thì một nhân viên khác áp sát thu tiền, nhân viên mặc áo đỏ chạy từ trụ bơm phía bên phải qua đứng trực tại trụ đang bơm. Đợi chỉ số tiền nhảy đến 38.800 đồng (chỉ số xăng là 1,64 lít), rất nhanh người này bấm lên số 50.000 rồi chạy qua trụ bơm khác (chỉ số xăng vẫn là 1,64 lít thay vì chính xác phải là 2,11 lít).
Đến lượt một nam thanh niên chạy xe Jupiter tới yêu cầu đổ 50.000 đồng xăng A92. Tranh thủ lúc người thanh niên này không nhìn vào bảng điện tử, nhân viên mặc áo đỏ đang ngồi ở trụ xăng bên cạnh đứng lên đi nhanh về phía trụ đang bơm, sau đó dùng tay bấm số tiền lên ở mức 50.000 trong chớp mắt khi chỉ số tiền hiển thị trên bảng điện tử mới chỉ là 40.700 đồng. Từ 19h10-19h45, chúng tôi ghi nhận trên 15 trường hợp khách bị ăn gian theo kiểu này.
“Chuyên nghiệp”
Đại lý bán lẻ xăng dầu Thanh Nguyệt có tất cả năm trụ bơm các loại gồm xăng A92, A95, dầu DO và dầu lửa. Cách thức hoạt động của các nhân viên này là không đứng cố định tại trụ xăng vừa bán vừa thu tiền như các cây xăng khác mà phân chia nhiệm vụ người thu tiền, người bơm xăng, người bấm số khống và người cảnh giới. Theo đó, khi một nhân viên tiến hành bơm xăng cho khách thì sẽ có một nhân viên khác “núp” sau trụ xăng, chỉ cần khách lơ là sẽ bấm số, ăn tiền.
19h08 ngày 29/8, một phụ nữ mặc áo khoác đỏ, chạy xe tay ga tấp vào cây xăng yêu cầu đổ 30.000 đồng. Quan sát thấy khách không chú ý đến số tiền nhảy trên bảng điện tử, nhân viên mặc áo đen, tóc chải hai mái, một tay rút vòi từ trụ xăng, tay khác để sau lưng ra hiệu cho nhân viên mặc áo xanh. Nhân viên này trả chỉ số tiền và lượng xăng trên bảng điện tử về số 0. Khi thấy nhân viên mặc áo đen bắt đầu bơm xăng thì tay của nhân viên mặc áo xanh để sẵn trên bảng điều khiển. Rất nhanh, bảng điện tử nhảy đến mức 20.000 đồng (số xăng tương ứng là 0,84 lít), nhân viên mặc áo xanh nhanh tay bấm lên 30.000 đồng nhưng chỉ số xăng không đổi (đổ 30.000 đồng xăng A92 thì chỉ số xăng tương ứng phải là 1,26 lít). Chỉ tích tắc, người phụ nữ bị ăn chặn 10.000 đồng mà không hề biết. Để xóa bằng chứng, nhân viên này tiếp tục thực hiện một lần bấm số trả hai chỉ số xăng và tiền về 0.
Tiếp đó, nhân viên áo đen tiếp tục “ra tay” với một người khách khác. Đợi khi chỉ số tiền hiển thị là 40.000 đồng (số xăng là 1,69 lít), nam nhân viên nhanh tay bấm vào bảng điều khiển nâng khống lên 50.000 đồng, số lít xăng không đổi (chỉ số xăng đúng là 2,11 lít nếu đổ 50.000 đồng xăng A92). 19h28, các nhân viên cây xăng tiếp tục phối hợp với nhau làm “hoa mắt” để ăn gian tiền của một khách chạy xe tay ga. Họ tỏ vẻ tận tình mở nắp xăng, hỏi chuyện để đánh lạc hướng. Khách đổ xăng hoàn toàn không chú ý vào bảng điện tử thì nhân viên mặc áo xanh đứng áp sát trụ xăng bấm số tiền từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng, đồng thời vô tư điều chỉnh luôn chỉ số xăng từ 0,42 lít lên 0,84 lít.
Một lúc sau, một thanh niên mặc áo đỏ, đi xe Jupiter MX ghé vào đổ xăng. Người này đưa năm ngón tay ra hiệu đổ 50.000 đồng xăng A92 (tương ứng với 2,11 lít). Nam nhân viên mặc áo đen, tóc hai mái bấm điều chỉnh số tiền và chỉ số xăng lần lượt tương ứng là 50.000 đồng và 2,11 lít. Khi thanh niên đổ xăng đang loay hoay cầm điện thoại, nhân viên mặc áo đen nhanh tay bấm nâng khống số tiền từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng, trong khi chỉ số xăng hiển thị chỉ đến 1,69 lít. Khi khách hàng quay lại nhìn vào bảng điện tử, nam nhân viên này bấm chỉ số xăng, tiền về 0 và lấy 50.000 đồng.
19h34 ngày 29/8, nhân viên mặc áo đen (chuyên chạy qua chạy lại bấm số khống) ra sức “làm việc”. Trong khi hai nhân viên khác đang che mắt một người đàn ông đi xe tay ga vào đổ xăng, anh này bấm vào bảng điều khiển nâng số tiền từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng, trong khi số xăng chỉ là 0,84 lít. Ngay sau đó, người này di chuyển sang một trụ bơm xăng khác, bấm vào bảng điều khiển nâng 20.000 đồng lên 30.000 đồng trong khi một nhân viên khác đang bơm xăng cho khách. Lúc 19h39, khi số xăng hiển thị trên bảng điện tử là 40.000 đồng, thay vì bấm lên 50.000 đồng, nhân viên lại bấm nhầm lùi về 30.000 đồng. Phát hiện “lỗi kỹ thuật”, anh này nhanh chóng sửa sai bằng cách bấm thêm một lần để nâng số tiền lên 50.000 đồng trong khi chỉ số xăng hiển thị chỉ là 1,69 lít, tương đương 40.000 đồng.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?