Về Bảo Yên, nơi miền đất cửa ngõ của Lào Cai và cũng là nơi có nhiều chợ phiên của người Tày rải đều các cụm xã, được chứng kiến cảnh vui tươi, náo nức của dân bản, chúng tôi thấy ấm lòng về cuộc sống mới đang bừng lên.
|
Hầu hết các khu chợ Tày ở Bảo Yên được họp vào thứ bảy hoặc chủ nhật theo sự luân phiên giữa các xã. Chính vì vậy, mỗi phiên chợ đều đậm bản sắc. Theo người dân ở đây, xưa kia, cuộc sống còn khó khăn, chợ thưa thớt lắm, nên chỉ họp trong chốc lát rồi tan ngay. Nhưng mấy năm gần đây, chợ đông vui tấp nập hơn.
Một phiên chợ vùng cao ở Lào Cai
Ông Nông Văn Canh (xã Việt Tiến), cho biết: Ở Việt Tiến có nhiều đặc sản, phiên chợ nào người dân cũng mang đến bán những đặc sản lâu đời ở đây như: măng hốc, vịt bầu, cam sành. Điều đó đồng nghĩa với việc, chợ phiên Việt Tiến không chỉ là chuyện bán, mua mà còn là chuyện người dân giữ gìn bản sắc của chính mình.
Chợ vì đông người nên có phiên họp tràn cả ra ngoài đường lớn. Người Tày ở các xã dù xa cũng bố trí thời gian đến chợ. Theo lãnh đạo xã Việt Tiến, những năm gần đây, sức mua bán ở chợ này thay đổi trông thấy. Có lẽ vì làm được nhiều sản vật, nên tỷ lệ người dân mang sản phẩm ra chợ bán ngày càng nhiều. Không chỉ là những nông sản thông thường, như mớ rau, quả bí mà những mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao được người dân các xã Lương Sơn, Long Khánh mang ra chợ trao đổi như: vịt, gà đồi, ngô, lúa, lợn giống và cá. Những mặt hàng này đã và đang được thị trường có nhu cầu lớn.
Vừa bán hàng xong, người dân lại mua về cho mình những đồ tiêu dùng trong cả tuần như: thịt lợn, cá khô, quần áo và đồ gia dụng. Theo người dân ở đây, sức mua ngày càng tăng vì nhu cầu tiêu dùng rất cao. Điều đặc biệt là, hai năm trở lại đây, người dân hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nên tại phiên chợ hàng tuần, sản phẩm hàng Việt Nam được người dân rất ưa chuộng.
Từ thị trấn Phố Ràng theo hướng Đông Bắc men Quốc lộ 279 khoảng 25 cây số, vào sáng thứ bảy hàng tuần, chợ phiên Vĩnh Yên được họp tấp nập. Điều đặc biệt của phiên chợ này là có sự góp mặt không chỉ của người Tày, người Dao mà còn cả người Mông ở trên các rẻo núi cao. Chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng khá khang trang. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương và ban quản lý chợ, sức mua bán của chợ Vĩnh Yên có thể đánh giá là cao nhất trong các chợ của người Tày. Ngoài việc người dân bán các sản vật như các phiên chợ Tày khác thì ở chợ Vĩnh Yên là nơi trung chuyển số lượng lớn các mặt hàng của các lái buôn: ngô, vỏ quế, lúa, nhân trần… Đây là thế mạnh của người Mông khi xuống chợ. Từ trên đỉnh núi cao Tổng Kim, Lùng Ác, Nặm Khạo… từng đoàn ngựa của người Mông tấp nập chở hàng hóa xuống chợ trao đổi.
Nét độc đáo ở chợ Vĩnh Yên không chỉ là sự mua bán, trao đổi tấp nập mà còn là sự gìn giữ bản sắc văn hóa Tày, Mông. Điều đó được hiện diện ngay ở những sạp hàng vải của người Mông, người Tày. Những hoa văn rực rỡ thêu trên những bộ váy Mông là sản phẩm của chính bàn tay lao động khéo léo, cần mẫn của người dân mang đến phiên chợ. Rồi cả những món ăn mà chỉ ở chợ phiên này mới có như: cá suối nướng, xôi ngũ sắc, bắp chuối lam sườn… Nếu thứ bảy là chợ phiên Vĩnh Yên thì ngày hôm sau, người dân cụm xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến lại chuẩn bị cho chợ phiên Nghĩa Đô cách đó khoảng 4 cây số.
Chợ nằm ở bản Nà Đình, trung tâm của xã Nghĩa Đô, đồng thời cũng là chợ trung tâm, nơi giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các xã trong vùng và vùng giáp ranh Quang Bình của Hà Giang. Nhiều khi có cả đồng bào Mông ở Bắc Hà xuống. Vì là chợ cụm trung tâm nên được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang. Từ các triền núi, bản Tày, bản Mông, bản Dao, người dân vùng cao đến chợ Nghĩa Đô và gùi theo những đặc sản của núi rừng, những sản vật của dân tộc mình do bàn tay lao động khéo léo làm ra. Đây măng, mộc nhĩ, nấm hương; kia gạo nương thơm lựng, cả những mớ rau rừng xanh non, bi chuối rừng, gùi mật ong ngọt lịm còn nguyên cả tầng… Khi bán những mặt hàng này, người dân thường tính theo các đơn vị đo lường đặc trưng của vùng như tính quả (trứng), tính con (gà), tính ống (ngô), tính sâu (sâu măng, sâu gừng)… Hầu như tất cả khối lượng của các mặt hàng đều được người dân tính giá sẵn ở nhà và không cần cân lại, người mua cũng khó có thể mặc cả được. Đặc biệt hơn, ở Nghĩa Đô, người dân đi chợ không đơn thuần chỉ để mua bán mà còn là để đi hội với sự háo hức.
Được đến và cảm nhận những phiên chợ của người Tày ở Bảo Yên, chúng tôi nhớ đến câu nói của người xưa về chợ, rằng mỗi phiên chợ trong xã hội giống như một chiếc thước đo mức sống của cộng đồng dân cư. Mặc dù vẫn còn những khó khăn mà người dân phải vượt qua, nhưng qua mỗi phiên chợ Tày ở Bảo Yên, mỗi người đều cảm nhận được sự thay đổi, sự đi lên từng ngày ở những bản Tày, bản Mông nơi đây.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?