Không ít những con người từng một thời lầm lỡ, nay muốn quay về nẻo thiện, lại gặp lắm gập ghềnh.
Vì bị kỳ thị, nhân vật trong ảnh đã dấn mình đi bán dâm để rồi bị nhiễm HIV. |
Bên cạnh đó, nhiều người không may là nạn nhân của trò đùa số phận, cũng câm nín mang theo cuộc đời mình nỗi đau mang tên "kỳ thị".
Uẩn khuất sau những số phận, những cuộc đời là tiếng kêu cứu không lời của chính họ. Bởi nếu vấp phải rào cản của người đời kỳ thị, thì họ như một lần nữa chơi vơi chẳng biết cuộc đời sẽ trôi về đâu. Với bài viết này chúng tôi mong nó, như một lời thỉnh cầu, ngõ hầu giúp người về nẻo thiện được bình an…
"Án tử" đến từ người thân
Sự kỳ thị bao giờ cũng là động thái tiêu cực khiến cho những người trong hoàn cảnh đó bị tổn thương nghiêm trọng, đẩy họ vào bế tắc. Thậm chí, kỳ thị còn được xem là "bản án thứ hai" dành cho người trót lầm đường, lạc lối. Có trường hợp không phải là lỗi của nạn nhân. Đặc biệt đối với những nạn nhân nhiễm HIV nói riêng, không chỉ đợi bị kỳ thị, ngay tại thời điểm những người khi mới phát hiện mình nhiễm loại virus này, cũng đã làm họ như chết đứng. Một cảm giác đau đớn, sợ hãi đến tột cùng bao phủ lên cuộc đời họ. Đó là những gì khủng khiếp nhất, mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị N. (SN 1984) ở Bắc Giang là một ví dụ minh chứng. Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, năm 2000, chị N. kết hôn với anh Trần Trọng T. ở Hà Nội. Cuộc sống của anh chị diễn ra êm đềm và hạnh phúc. Một năm sau đó, chị N. sinh cháu trai đầu lòng khỏe mạnh, gia đình chị như được nhân đôi hạnh phúc.
Tuy nhiên, số phận thật oái oăm. Một lần anh T. "vượt rào" với gái bán hoa, nào ngờ đó là ngày định mệnh khiến cuộc đời họ tan nát. Khi cậu con trai của chị N. lên 3 tuổi, người bạn thân của T. nói với chị N: Anh T. bị nhiễm HIV và bảo chị N. nên đi xét nghiệm. Là một phụ nữ thôn quê vốn hiền lành, chị N. nhẹ nhàng về nói với chồng: "Anh nên đi xét nghiệm xem sức khỏe thế nào, dạo này anh có vẻ không được khỏe...". Nhưng vì quá sợ hãi nên anh T. chồng chị nhất quyết không đi.
Thấy bất an, chị N. cùng con trai đi xét nghiệm tại viện Đống Đa (Hà Nội) và rụng rời khi cầm trên tay kết quả dương tính. Trời đất như sụp đổ, chị lao một mạch về gặp chồng và đưa kết quả cho chồng xem. Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Anh chồng nức nở nói: "Anh giết em rồi!". Còn chị như cái xác vô hồn, tay chân như cứng lại và tim như ngừng đập. Trong đầu chị thoáng hiện ra hình ảnh cái chết đã được báo trước, một cảm giác đau đớn xen lẫn nỗi sợ hãi đến kinh hoàng.
Điều đau đớn nhất với vợ chồng chị N., "bản án kỳ thị" lại đến không chỉ từ xã hội mà đến từ chính bố mẹ đẻ của anh T. Trước sự kỳ thị của gia đình, cộng với sự sợ hãi lo âu kéo dài và không đi khám để điều trị kịp thời, anh T. mòn mỏi và đã chết vì HIV, khi cậu con trai vừa tròn 5 tuổi.
Từ ngày chồng mất, chị N. sống trong nhà chồng lặng lẽ như một cái bóng. Chị N. nói trong đau xót: "Sau khi chồng tôi mất, gia đình nhà chồng chính thức đuổi tôi ra khỏi nhà khi vành khăn trắng vẫn còn trên đầu tôi và tuyên bố: "Không cho tôi nuôi con, kể cả không cho đến thăm cháu bé (vì xét nghiệm cháu không bị nhiễm HIV). Bởi họ lo tôi sẽ lây nhiễm sang cháu, tôi đành phải quay về nhà bố mẹ đẻ để sinh sống cùng với nỗi tuyệt vọng và nhớ con đến quặn lòng". Về mặt luật pháp và cả đạo đức, đáng lẽ trong hoàn cảnh như vậy, gia đình chị N. phải chia sẻ động viên chị, bởi lỗi không phải do chị gây nên. Tiếc rằng, chị N. không nhận được sự chia sẻ cảm thông từ phía gia đình nhà chồng, trái lại còn bị kỳ thị, xa lánh...
Mọi người ơi, con vô tội...
Tương tự trường hợp của bé Phạm Thị Tính (đã được đổi tên), ở Vĩnh Phúc, cháu bị nhiễm HIV nên không được đi học, do bị những người dân xung quanh kỳ thị. Tính bị HIV do lây từ bố mẹ. Mẹ Tính cũng do suy sụp tinh thần mà đã qua đời. Năm lên 3 tuổi, gia đình cho Tính đi học mẫu giáo. Nhưng sau đó, nhiều phụ huynh học sinh đã đề nghị nhà trường không cho em đi học vì sợ lây bệnh sang con em họ.
Thương cháu, bà nội thường ngắt hoa và gấp thuyền giấy hay tìm cho cháu những con búp bê cũ nát mà người ta vứt ngoài đường về cho cháu chơi. Thấy bé Tính khao khát được đến trường, gia đình xin cho bé Tính đi học lại. Nhưng ngày bà nội đưa bé đến trường, rất nhiều người nhìn hai bà cháu với ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh và họ phản đối không cho Tính vào học.
Ở độ tuổi như bé Tính, dù chưa nhận thức được mình đang mang trong người bệnh tật, nhưng với những cái nhìn soi mói của hàng xóm láng giềng, sự ngăn cản không cho em đến trường... đã và đang làm cho cuộc sống của em trở nên u ám, buồn tủi và không thấy tương lai. Hàng ngày, Tính chỉ một mình làm bạn với ti vi hoặc ngồi trước cửa nhà, mắt nhìn xa xăm, bé chỉ mong ước được đi học, có thầy cô và được chơi với bạn bè. Em vô tội, nhưng thương thay em cũng lại là một nạn nhân của thói kỳ thị khiến lòng người trăn trở.
Tái phạm vì bị kỳ thị
Theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, nhiều biểu hiện của sự kỳ thị diễn ra trong cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau: Sự cáu gắt, ánh mắt coi thường, lảng tránh, phân biệt đồ dùng, không nhận được thái độ tin tưởng, nhất là với những đối tượng từng thuộc vào nhóm tệ nạn xã hội. Không ai muốn tiếp xúc hay nói chuyện với họ, họ luôn phải đối mặt với những áp lực vô hình rất lớn từ thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng. Sự kỳ thị như là nỗi ám ảnh, như "bóng ma" bao trùm tất cả khiến cho họ đau đớn mà không thể hét lên tiếng cầu xin: Đừng kỳ thị tôi!
Sự kỳ thị không chỉ đẩy một con người đến chỗ tuyệt vọng mà sự kỳ thị thực sự đã góp phần "giết chết" nhiều người. Việc một cô gái bị hiếp dâm dẫn đến nhiễm HIV, khi đến trường học, lại bị nhà trường từ chối. Đó là Nguyễn Thị Thanh B. ở Hưng Yên. Mặc dù B. rất muốn được tới trường, được học hành vui chơi như bao bạn khác. Bản thân B. không phải là người xấu, B. chỉ là nạn nhân, đáng nhẽ B. phải được giúp đỡ, được sẻ chia từ phía cộng đồng. Trái lại B. lại bị phân biệt đối xử, cộng với cuộc sống gia đình khó khăn, cha mắc bệnh tim, mẹ bị tâm thần, trong trạng thái quá bức bách, bị dồn vào ngõ cụt cuối cùng B. đã hận đời mà thành gái bán dâm.
Khi mà con người ta bị dồn đến bước đường cùng, khi không còn có thể níu kéo cuộc sống bình thuờng, điều phát sinh sau những chất chứa trong lòng là sự hận thù khủng khiếp. Bởi họ nghĩ không còn gì để mất. Và những suy nghĩ tiêu cực luôn bủa vây, bám chặt lấy họ khiến họ không thể "trở về" trên con đường hoàn lương.
Hay như Phạm Văn C. (huyện Mê Linh, Hà Nội) từng là đối tượng nghiện hút, tàng trữ ma túy. Để có tiền phục vụ cơn nghiện của mình, C. tìm mọi cách kiếm tiền mua thuốc. Lấy mãi của gia đình không được, C. quay sang trộm cắp của những người xung quanh. Gia đình coi C. như một gánh nặng cho đến khi bị bắt và đi trại cai nghiện trở về. Trên thực tế, C. đã hoàn toàn đoạn tuyệt với ma túy, lấy vợ, sinh con, nhưng trong mắt những người xung quanh, đã từng biết C. vẫn luôn coi C. là đồ nghiện ngập đáng sợ. Họ rửa cái cốc uống nước thật kỹ nếu như C. uống, rồi bình phẩm đủ chuyện sau lưng. Liên quan đến việc tiền bạc, vay mượn, dù là nhỏ nhất nhưng cũng không ai giúp đỡ C.. Ai cũng giữ một khoảng cách tiếp xúc, dè chừng.
Trên đây chỉ là một trong số ít những dẫn chứng cụ thể về sự phân biệt đối xử với những đối tượng xã hội. Thực tế, sự kỳ thị còn gây nguy hiểm cho chính người đi kỳ thị người khác. Bởi có trường hợp, chính người kỳ thị lại thành nạn nhân của người bị kỳ thị.
Nếu chúng ta biết đón nhận, động viên, chia sẻ cùng họ, tạo cho họ cơ hội được hòa nhập cộng đồng, thì những người nhiễm HIV, những người nghiện, hay những phạm nhân, họ có cơ hội được làm việc, và không quay ra "trả thù đời". Bởi trên hết là họ cần được yêu thương, tin tưởng và đùm bọc của chính người thân trong gia đình. Họ cần sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng xã hội. Có thế họ mới không nghĩ quẩn mà trở lại con đường tội lỗi.
"Sự kỳ thị của cộng đồng khiến nạn nhân càng lún sâu vào tội lỗi". "Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình, nhưng chính sự kỳ thị của cộng đồng mới khiến người bệnh chết nhanh hơn" - Đây là hai thông điệp lớn của Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS đã diễn ra tại Mỹ năm 2012.
Luật phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), tại Điều 4 quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS: "Người nhiễm HIV có các quyền sau đây: Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội, được điều trị và chăm sóc sức khỏe, được học văn hoá, học nghề, làm việc, được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS...".
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?