Sóng biển lên cao 5-8m, người Đà Nẵng trắng đêm chờ bão
Thứ bảy, 09/11/2013 11:21

Mặc dù đã chằng chống nhà cửa, nhưng với dự báo về sức tàn phá và thời gian đổ bộ của bão Haiyan khiến người dân Đà Nẵng "trắng đêm" với siêu bão.

Đường phố Đà Nẵng vắng hoe,

Đường phố Đà Nẵng vắng hoe, "nín thở" chờ bão Haiyan

Tiếp tục cập nhật!

----------------------------------

Thông tin từ Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão Haiyan, tính đến 15h chiều 9/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã di dời 69.166 hộ dân/268.039 người dân trên tổng số 184.523 hộ/683.922 người dân theo kế hoạch đã được di dời khỏi nơi nguy hiểm. Đồng thời Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã sắp xếp neo đậu cho hơn 85.300 tàu/387.681 lao động vào nơi tránh trú an toàn.

Tại Đà Nẵng, tính đến 19h tối 9/11, toàn TP Đà Nẵng yên ắng khác thường, mặc dù có mưa rải rác, nhưng Đà Nẵng gần như không có gió. Chiều cùng ngày, Đà Nẵng chỉ có những cơn gió nhẹ, đứt quảng. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động gần như dừng hoạt động, các tuyến phố vắng hoe người. Hầu hết công tác chằng chống, chuẩn bị ứng phó đối với bão Haiyan gần như hoàn tất.

Bão đi men bờ biển miền Trung ra Bắc

Ông Tăng cho biết bão đi qua Philippines vào biển Đông sức gió còn ở cấp 14, giật cấp 17. Sau khi vào biển Đông đến trưa 9/11 bão mạnh trở lại sức gió mạnh cấp 15, giật cấp 17. Đến chiều 9/11 dự báo bão đã có sự thay đổi về điểm tâm bão tiếp cận đất liền.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn trung ương, chiều và đêm 9/11 bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và tiếp cận bờ biển Quảng Ngãi đến Đà Nẵng vào sáng sớm 10/11.

Tiếp đó bão đổi sang hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tâm bão có khả năng không vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi như nhận định trước đó mà đi men biển Đà Nẵng đến Quảng Trị trong sáng và trưa 10/11. Từ trưa chiều 10/11, khi tâm bão đến ven biển Quảng Bình - Hà Tĩnh - Nghệ An thì tâm bão liếm dần vào bờ biển Quảng Bình. Một phần tâm bão đi trên bờ, một phần đi trên biển khi tiếp cận Quảng Bình, đến Hà Tĩnh - Nghệ An tâm bão thật sự nằm trên bờ. Sau đó bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp khi di chuyển lên miền Bắc.

Như vậy, theo ông Tăng, so với dự báo từ ngày 7 và 8/11 thì đến nay đã có sự khác nhau: bão sẽ không đổ bộ vuông góc trực tiếp vào bờ biển miền Trung (Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) như nhận định ban đầu mà chỉ men theo bờ biển đi chệch lên phía Bắc nhiều hơn.

“Bão di chuyển ven biển dọc lên phía Bắc thì tâm bão đi sát bờ bị ma sát mặt đất nhiều sẽ giảm cấp gió. Vùng biển nam vịnh Bắc bộ có nhiệt độ thấp hơn ở biển Đông nên điều kiện bão giữ được cường độ mạnh sẽ ít hơn. Kèm theo đó bão di chuyển quãng đường dài hơn nên đó là điều kiện để bão suy yếu. Vì vậy khi tâm bão liếm vào bờ thì cường độ giảm đi 1-2 cấp so với hiện tại”, ông Tăng dự báo.

Theo ông Tăng, dù tránh được cấp gió hủy diệt nhưng phạm vi bão sẽ mở rộng ra phía Bắc, có thể ra tới Quảng Ninh vẫn cảm nhận được gió bão. Tóm lại là phạm vi ảnh hưởng của bão mở rộng ra dù sức gió giảm đi.

Dự báo các cấp gió

“Bão giảm cấp nhưng cường độ bão vẫn rất mạnh, chỉ không mạnh như ban đầu. Dự báo là từ Phú Yên đến hết miền Bắc đều cảm nhận được gió bão từ cấp 6 trở lên. Riêng các tỉnh gần tâm bão, tâm bão đổ bộ cường độ bão tương đương, có thể lớn hơn so với bão số 10, 11 vừa qua ở miền Trung” - ông Tăng cho biết thêm.

Nếu bão đi sát biển lên phía Bắc thì sức gió được nhận định là: Phú Yên có gió cấp 6-7; Bình Định gió cấp 6-7, giật 8-10; Quảng Nam - Quảng Ngãi gió cấp 7-8, giật cấp 9-10, riêng đảo Lý Sơn gió cấp 9-10, giật cấp 11-12; TP Đà Nẵng đến Huế gió bão mạnh cấp 9-11, giật cấp 12-13; Quảng Trị đến Hà Tĩnh gió bão mạnh cấp 10-13, giật cấp 14-15; Nghệ An - Thanh Hóa gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12; các tỉnh ven biển miền Bắc gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Từ Phú Yên đến Quảng Ngãi sẽ là nơi ghi nhận gió mạnh sớm nhất từ đêm nay 9/11. Từ Quảng Nam đến Bắc bộ thời gian xảy ra gió mạnh muộn hơn. Do bão di chuyển lên phía Bắc nên thời gian ảnh hưởng của bão đến nước ta kéo dài hơn. Từ đêm 9-11 đến hết đêm 10-11 thì ven biển miền Bắc mới hết ảnh hưởng của gió bão.

Về mưa, dự báo từ chiều tối 9/11 từ Phú Yên đến Thừa Thiên - Huế mưa to, sau đó lan ra phía Bắc. Chiều và tối 10-11 Bắc bộ có mưa và mưa ở đây kết thúc muộn nhất. Đợt mưa kéo dài khoảng 2 ngày, nơi ít khoảng 100mm, nơi nhiều 400-500mm. Bắc bộ, nhất là biển và Đông Bắc bộ, có mưa hàng trăm milimet dễ gây ngập úng.

Ông Tăng cho biết nhận định về cơn bão được các cơ quan khí tượng quốc tế điều chỉnh liên tục. Cơ quan dự báo của Mỹ từng nhận định bão vào giữa Huế và Đà Nẵng, rồi giữa Huế và Đông Hà, rồi Quảng Ngãi nhưng đến chiều 9/11 xác định bão đổ bộ vào Thanh Hóa.

Bão rất phức tạp

Về tên gọi bão số 14, ông Tăng cho biết: áp thấp nhiệt đới vừa rồi nhiều nước nhận định nhiều khả năng thành bão (bão thường - cấp 8-9) nên trong công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ đều gọi là bão 13. Để người dân khỏi nhầm lẫn nên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đề nghị đặt tên bão Haiyan là số 14.

“Trong cơn bão này cũng có những sự khác nhau về cấp gió. Các cơ quan dự báo khẳng định bão Haiyan nằm ở thang độ báo bão lớn nhất là cấp 17 (theo thang Beaufort) và theo thang độ báo bão của Mỹ cũng là cấp lớn nhất, tức là cấp V, sức gió tương đương 220 km/giờ. Nhưng với bão Haiyan đã tính đến sức gió 260- 280 km/giờ. Có phương tiện truyền thông quốc tế đưa số đo 315km/giờ. Điều này cho thấy việc đưa ra số đo cũng phức tạp, mỗi số liệu đo từng nước cũng có sự khác nhau. Điều này cho thấy sự phức tạp của cơn bão”.

Tuy chưa thể khẳng định chắc chắn vị trí tâm bão cập bờ nhưng ông Tăng cho rằng việc bão lệch dần lên phía Bắc khi sát bờ là phương án đỡ xấu hơn là đi thẳng vào miền Trung. Với hướng di chuyển này sẽ có nhiều hi vọng bão suy giảm cường độ. “Nếu tới Quảng Bình bão còn mạnh cấp 12 đầu cấp 13, đến Hà Tĩnh Nghệ An giảm thêm 1-2 cấp, đến Thanh Hóa giảm 1-2 cấp” - ông Tăng nhận định.

-------------------------------------

Trong bản tin lúc 17h30 Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng bão dự kiến đi chệch lên phía Bắc để đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình. Còn nhiều cơ quan khí tượng quốc tế dự báo bão đổ bộ Thanh Hóa - Nghệ An.

Hồi 16h ngày 9/11, vị trí tâm bão số 14 cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 16h ngày 10/11, vị trí tâm bão trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 4h ngày 11/11, vị trí tâm bão trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ đêm nay 9/11 có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai 10-11 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15.

Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 – 9.

Từ đêm nay ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.

Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 – 5,5 m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.

Hiện công tác phòng chống bão trên đảo đã được triển khai kỹ càng. Hệ thống nhà cửa, các công trình đã được chằng buộc chắc chắn; các vật chất từ nơi có thể bị ngập úng được đưa về nơi an toàn, các tổ công tác chống sập, chống ngập, cứu hộ, Quân y cấp cứu đã chuẩn bị đầy đủ vật chất sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Đối với ngư dân vào tránh trú siêu bão, ông Nguyễn Trọng Bình - Chính trị viên, Bí thư Đảng đảo cho biết: Đến 12h trưa 8/11, cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đã hoàn thành công tác chằng buộc tàu thuyền trong âu tàu. Hiện trong âu tàu xã đảo Song Tử tây có 64 tàu cá (Bình Định 27, Quảng Ngãi 28, Quảng Nam 04, Phú yên 05).

-----------------------------------

Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra và chỉ đạo việc chuẩn bị đối phó với bão tại tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác, ông Cao Khoa - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh đã triển khai công tác phòng chống bão Haiyan với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp tập trung phòng chống bão, lũ.

Về việc kêu gọi tàu thuyền, hiện hầu hết tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển đã vào nơi tránh trú an toàn, 27 tàu đang di chuyển vào bờ dự kiến cập cảng vào chiều nay. Đáng chú ý là 13 tàu cá đang di chuyển từ vùng biển Hoàng Sa tìm nơi tránh trú.

Ông Võ Văn Thưởng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cũng cho biết tỉnh đang tập trung sơ tán, di dời dân với tổng số gần 80.000 hộ dân, trên 400.000 nhân khẩu, một con số lớn nhất từ trước đến nay. Hiện tất cả nhà dân ở vùng ven biển, nhà cấp 4 phải khẩn trương di dời, đặc biệt có xã phải di dời toàn bộ như xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Ngoài những địa điểm an toàn được đưa dân đến như trụ sở ủy ban, các cơ quan, xí nghiệp thì hiện nay, huyện cũng đã huy động tất cả các khách sạn trên địa bàn.

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, công tác đối phó với siêu bão Haiyan đã được công ty triển khai một cách nghiêm túc. Công ty đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị để đối phó với bão và phòng chống tràn dầu. Đồng thời chuẩn bị phương án vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong điều kiện bão lớn như giảm công suất, dừng nhà máy và sơ tán lực lượng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương tinh thần chủ động triển khai các phương án đối phó với bão của chính quyền và các cấp các ngành tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng cho rằng công tác phòng chống bão phải thực hiện một cách khẩn trương và quyết liệt. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí có thể cần cưỡng chế dân di dời khi cần thiết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người dân đang tránh bão tại Trung tâm văn hóa xã Bình Trị - Ảnh: Trà Minh

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng Dung Quất. Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tháo dỡ và hạ thấp một số phương tiện và thiết bị tại cảng để đảm bảo an toàn tối đa khi bão vào.

Vào lúc 11h sáng nay, 9/11, một vòi rồng đã hình thành ven bờ biển xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước khi siêu bão Hải Yến được dự báo là sẽ đổ bộ vào miền Trung.

Hình ảnh vòi rồng ở Phú Vang. Hiện vòi rồng này vẫn tiến về phía đất liền

Ngoài ra, sáng nay (9/11) Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) xác nhận đã có 1 người chết, 3 người mất tích do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa lũ trong mấy ngày qua.

Học sinh xấu số là em Trần Thị Thanh Nhơn (16 tuổi, ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bị cuốn trôi trên đường đi học về).

--------------------------------

Theo bản tin phát lúc 11h30 sáng 9/11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF), lúc 10h sáng nay, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (150-163 km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 10g ngày 10-11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi dọc theo các tỉnh trung bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 10g ngày 11-11, vị trí tâm bão ở trên khu vực các tỉnh bắc trung bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai 10-11 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Từ chiều tối nay ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2.5 - 5m. Sóng biển 3 - 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.

Hình ảnh cho thấy sự khác biệt trong dự báo đường đi của bão Haiyan của các trung tâm dự báo trong khu vực: đường màu đỏ là dự báo của Hong Kong, màu tím là của Mỹ, màu cam là của Nhật Bản, màu xanh lá của Đài Loan, màu xanh biển của Trung Quốc (ảnh chụp màn hình)

Như vậy, khác với dự báo phát lúc 5h30 sáng 9-11 cho rằng bão có thể cập bờ ở khu vực Thừa Thiên - Huế, bản tin phát lúc 9h30 và 11/30 ngày 9/11 của Trung tâm khí tượng thủy văn dự báo bão sau khi vào gần đến đảo Lý Sơn sẽ quét dọc bờ biển miền Trung, ra đến sát khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình mới cập bờ.

Cơ quan khí tượng Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan cũng dự báo bão tương tự hướng này khi cho rằng bão đổ bộ vào các tỉnh Bắc trung bộ theo hướng từ Quảng Bình trở ra Thanh Hóa.

Trong khi đó, Trung tâm cảnh báo bão chung Hải quân - Không quân Mỹ dự báo bão Haiyan sẽ cập bờ ở Quảng Ngãi, Cơ quan khí tượng Nhật Bản thì dự báo bão bẻ lái đi ra đến vịnh Bắc Bộ mới đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng sông Hồng.

Do bão đã suy yếu một ít nên bản tin sáng của các cơ quan cơ quan khí tượng trong khu vực cũng không còn dùng từ siêu bão (super typhoon) cho bão Haiyan. Nhật Bản cho rằng bão chỉ còn sức gió 167km/giờ còn Trung tâm cảnh báo bão chung Hải quân - Không quân Mỹ cho rằng bão có sức gió 213 km/giờ (mức CAT 4 của bão Đại Tây Dương, tụt 1 cấp so với đêm qua).

Quảng Trị: Theo dõi sát hiện tượng thấm, lún ở các đập thủy điện

Dù vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 10 và 11, toàn tỉnh Quảng Trị một lần nữa gồng mình lên để phòng chống bão.

Theo thông tin mà PV có được, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 130 hồ chứa, 209 đập dâng và 5 hồ thủy điện.

Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng giám đốc Công ty quản lý khai thác các công trình thủy lợi Quảng Trị sáng 9/11 cho hay đơn vị hiện đang quản lý 14 hồ đập lớn với tổng dung tích hơn 200 triệu m3 .

“Gần như 100% các hồ đã đầy, đạt dung tích thiết kế. Để chủ động ứng phó bão, chúng tôi đã mở cửa cống, xả lũ 6/14 hồ đập, đồng thời yêu cầu anh em túc trục 24/24, sớm ghi nhận các hiện tượng thấm, lún nếu có”, ông Thông nói.

Cũng trong sáng 9/11, PV đã về xã Hải An, một xã miền biển thuộc H.Hải Lăng.

Lãnh đạo địa phương cho biết, ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng đã cùng người dân khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão. Trong thôn xóm, tiếng còi hú báo động bão và những thông điệp cảnh báo bão của chính quyền địa phương được phát đi liên hồi.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị khẩn trương giúp người dân tháo những mái tôn không đảm bảo an toàn xuống

Là đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn, Đồn biên phòng Mỹ Thủy đã điều động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ giúp dân kéo tàu thuyền lên bờ, cố định vào những vị trí an toàn. Tại những nhà dân còn tạm bợ, lực lượng cũng khẩn trương chằng chống nhà cửa hoặc tháo toàn bộ phần mái xuống.

Có mặt chỉ đạo công tác, đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết : “Xác định đây là cơn bão cực mạnh, nên chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng phải tập trung lực lượng giúp dân, tránh để dân thiệt hại về tính mạng và tài sản. Mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17h chiều 9/11. Và ngay sau khi bão đổ bộ, các cán bộ chiến sĩ cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục thiệt hại”.

* Quảng Ngãi: Lo ngại bão vào trong đêm tối

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió cấp 5, cấp 6 và gió bão đang mạnh lên. Công tác phòng chống bão đang được chính quyền và nhân dân khẩn trương thực hiện.

Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải, gần 400 phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Trong đó, có gần 40 phương tiện tàu cá đang khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa cũng đã kịp chạy về cập đảo, tìm nơi tránh trú an toàn.

Xác định bão số 14 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đảo Lý Sơn vào tối và rạng sáng mai 10/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý sơn đã khẩn trương họp bàn để có biện pháp đối phó với bão, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa cùng tài sản... hướng dẫn các hộ dân sử dụng bao cát và các vật dụng khác để chằng chống nhà cửa phòng khi mưa bão đổ bộ vào gây tốc mái hoặc làm hư hại nhà cửa như những cơn bão trước.

Việc neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm... đang được triển khai gấp rút

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức đoàn công tác, phân công lực lượng xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc theo dõi nắm tình hình công tác phòng chống bão, tổ chức di dời trên 40 hộ dân sống ở các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo về tài sản, tính mạng người dân khi mưa bão đổ bộ vào đảo trong đêm tối.

Quảng Nam, Đà Nẵng: Đổ xô đi mua vật liệu xây dựng gia cố nhà cửa

Trước thông tin cơn bão số 14 (tức bão Hải Yến) có sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ, người dân Quảng Nam đã đổ xô đến các cửa hàng vật liệu xây dựng để mua đồ về gia cố nhà cửa.

Sáng sớm nay 9/11, hàng trăm người dân tại TP.Tam Kỳ đã đến các cửa hàng trên địa bàn để mua các thiết bị, vật liệu về chằng chống nhà cửa. Mặt hàng bao tải, dây thép, dây cáp, đinh vít bỗng nhiên đắt hàng.Anh Nguyễn Thanh Thiên (35 tuổi, trú tại P.An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, anh mua 120 m dây cáp với giá 800.000 đồng để về giằng mái nhà.

Người dân Quảng Nam đổ xô đến các cửa hàng mua vật liệu chống bão

“Cũng tốn tiền thật, nhưng nghe đài báo bão số 14 giật cấp 17, tôi lo quá nên chỉ chờ trời sáng để đến cửa hàng mua đồ về chống bão ngay”, anh Thiên nói.

Thế nhưng, do lượng người mua tăng đột biến nên đi mua hàng từ khi 6 giờ 30 phút nhưng đến 2 tiếng sau, anh Thiên vẫn chưa đến lượt thanh toán tiền.

Chủ hiệu buôn Phi Cúc (trên đường Phan Chu Trinh, TP.Tam Kỳ) mồ hôi chảy ròng vì khách quá đông, nói: “Mấy cơn bão trước, người mua thưa thớt lắm. Nhưng nghe cơn bão số 14 quá mạnh nên người mua tăng lên. Ngớt khách, tôi cũng phải chằn chống lại quán rồi đi tránh bão”.

Trong khi đó, tại các vùng ven biển như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành… người dân cũng đang khẩn trương dùng các bao tải cát để chằng mái nhà.

Cạnh cầu Kỳ Phú (TP.Tam Kỳ), hàng chục người dân kéo đến để xúc đất cát về gia cố mái nhà. Dọc bờ biển Tam Thanh, quán sá đã đóng cửa kín mít, tàu thuyền loại nhỏ đã được ngư dân kéo vào sát khu dân cư.

Trước tối ngày 9/11, hàng ngàn hộ dân sống tại các vùng ven biển như Duy Hải, Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Cửa Đại (Hội An)… sẽ được di dời đến những nơi an toàn.

Tại huyện Tây Giang, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện phương án di dời các hộ dân tại xã Dang, Ch’Ơm, A Tiêng… Huyện Nam Giang đã lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo việc ứng phó với cơn bão số 14.

UBND huyện Đông Giang cũng đã có chỉ đạo nghiêm cấm người dân qua lại những khu vực nguy hiểm, dễ bị nước cuốn như: ngầm Dốc Rùa (xã A Ting), cầu Sông Vàng (xã Ba), cầu Lấy - Nà Hoa (xã Tư)…

* Đến trưa 9/11, người dân Đà Nẵng gần như đã chuẩn bị xong phương án để mong giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại khi bão Hải Yến đổ bộ.

Ở các khu chợ trên địa bàn Đà Nẵng, các tiểu thương đã nhanh chóng dọn hàng, nghỉ bán từ rất sớm để chuẩn bị về nhà phòng chống bão. Các cơ quan, xí nghiệp cũng nhận được công văn yêu cầu cho công nhân nghỉ làm trong ngày.

Dùng bao cát để chèn mái nhà

Các mặt hàng như đèn pin, đèn sạc, nến, dây thép, đà gỗ, bao cát... trong tình trạng cháy hàng. Rất nhiều nơi bày những bao cát loại 10 kg ra bán với giá 15.000-20.000 đồng/bao. Dây thép, dây dù ... cũng không dễ để mua được hàng.

Mì tôm, các loại rau, củ, thịt…dù giá có nhỉnh hơn nhưng người dân vẫn giành nhau mua để trữ.

Không chỉ dung bao tải cát để chèn chống mái nhà, người dân còn dung cả những can nhựa chứa nước để chèn chống nhà cửa.

Không khí cấp tập từng giờ, từng phút.

---------------------------------

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 7h sáng nay 9/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (150-163 km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 7H ngày 10/11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Bình Định - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 7h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75-102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa bắc tây bắc và bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay 9/11 có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai 10/11 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay 9/11 các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11  gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8.

Từ chiều tối nay 9/11 ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 - 6m. Sóng biển 5 - 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.

Gió giật cấp 12 tại Trường Sa

Qua điện thoại, Trung tá Nguyễn Văn Dũng - phó chính trị viên trưởng đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), cho biết lúc 9H, trên đảo đã có mưa lớn, gió quật mạnh.

Trước đó lúc 6h sáng 9/11, trên đảo đã ghi nhận gió cấp 7, cấp 8. Thượng tá Nguyễn Trọng Bình - chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết từ 8g, gió bão mạnh hơn, đạt cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và đang tiếp tục mạnh thêm.

“Các phương án phòng chống bão số 14 đã được triển khai từ những ngày trước nên quân dân trên đảo rất chủ động. Đảo có phương án sử dụng các công trình kiên cố, đảm bảo an toàn cho quân và dân trên đảo” - ông Dũng cho hay.

Được biết, ngoài quân và dân của xã đảo, từ chiều 8/11, có 63 tàu cá với hơn 700 ngư dân miền Trung đã đưa tàu thuyền vào âu tàu Song Tử Tây tránh bão. Ông Dũng cho biết toàn bộ ngư dân trên tàu đều được đưa lên đảo, vào nơi tránh trú an toàn.

Từ thị trấn Trường Sa, trung tá Lương Xuân Giáp - phó chính trị viên trưởng của thị trấn, cho biết lúc 9H30, gió đã mạnh lên cấp 5, cấp 6. Ông Giáp cho biết mọi phương án phòng chống với bão đã được triển khai, kể cả trường hợp sóng biển cao cũng đã có phương án đối phó.

Theo ông Nguyễn Văn Thư - phó chủ tịch HĐND huyện Trường Sa, phương án phòng chống bão số 14 đã được huyện chỉ đạo toàn bộ các điểm đảo triển khai từ hơn 3 ngày trước. “An toàn tuyệt đối tính mạng quân, dân và tài sản, thiết bị… trên đảo là mục tiêu hàng đầu đới với Trường Sa” - ông Thư cho hay.

Phú Yên cho học sinh nghỉ học

Sáng 9/11, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã thông báo cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 11 để đề phòng bão Haiyan.

Ông Trần Văn Cường - phó giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên, cho biết sở đã có công văn khẩn gửi các trường cho phép học sinh và những người không có nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại các trường học trong tỉnh được nghỉ từ ngày 9 đến 11/11. Các trường rà soát toàn bộ cơ sở vật chất và có phương pháp phòng tránh bão hiệu quả. Việc sơ tán thiết bị, dụng cụ dạy học đến nơi an toàn phải hoàn thành trước 10h ngày 10/11. 

Tuoitre.vn/Thanhnien.com.vn/Vtc.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Bão số 14 , Siêu bão Hải Yến , Siêu bão vào biển đông , Cơn bão thế kỷ , Mưa bão , Dự báo thời tiết , Biển Đông , Trường Sa