Sáng 16/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát tình hình dịch sởi đang diễn ra căng thẳng tại BV Nhi T.Ư.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong vòng vây của báo chí tại Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 16/4 |
Trao đổi với báo chí, bà Tiến khẳng định: “Bộ không giấu dịch sởi, nếu giấu thì đã không công bố 108 ca tử vong”.
Bộ trưởng Y tế đã đi thăm các bệnh nhi sởi đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Cấp cứu để nắm tình hình.
Trước chất vấn của các phóng viên về việc Bộ Y tế có chậm trễ trong phòng chống dịch không, vì dịch xuất hiện từ tháng 12/2013 mà đến tháng 2/2014 Bộ mới có các biện pháp phòng chống, bà Tiến quả quyết: “Không phải Bộ Y tế không chống dịch mà đã triển khai các bước tiêm phòng sởi, tiêm vét cho trẻ vùng sâu vùng xa…”.
Theo Bộ trưởng hiện nay các tỉnh đã giảm về số lượng ca mắc, chỉ còn Hà Nội và TPHCM đang là đỉnh dịch, nhưng TPHCM chưa có ca tử vong do sởi. Hà Nội hiện đang chiếm1/2 số tử vong do sởi và 1/3 trong tổng số khoảng 7.000 ca sởi của cả nước.
Về vấn đề công bố dịch, Bộ trưởng Y tế cho biết thẩm quyền công bố dịch sởi thuộc về UBND tỉnh, thành phố (theo quy định của Luật Phòng chống bệnh Truyền nhiễm). Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, khi được hỏi về việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ xin ý kiến UBND TP Hà Nội rồi mới quyết định.
Bộ trưởng thừa nhận số ca tử vong năm nay cao bất thường hơn các năm trước, bệnh cảnh cũng nặng hơn rất nhiều. Nguyên nhân được bà Tiến chỉ ra là do: “Tất cả bệnh nhân nặng của miền Bắc gần như chuyển hết về BV Nhi T.Ư, gây quá tải và nhiễm trùng bệnh viện, lây chéo các bệnh. 25 ca tử vong do sởi là một vấn đề đau đớn và tỷ lệ này là cao ở BV Nhi T.Ư.
Trên cả nước chưa phát hiện chủng virus sởi mới, nhưng độc lực có mạnh hơn hay không thì hiện chưa khẳng định được. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tìm sự biến đổi của virus, nếu có”.
Ngay tại thời điểm Bộ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế đi thị sát tại khoa Truyền nhiễm đã có 1 bệnh nhi tử vong do sởi. Bệnh nhân là cháu Hồ Ngọc P., 9 tháng tuổi (ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), tử vong sau hơn 1 tuần chống chọi với căn bệnh sởi tại BV Nhi T.Ư.
Bệnh viện vệ tinh “chia lửa”
Tại buổi làm việc với các BV, Bộ trưởng đã yêu cầu các BV Saint Paul, Thanh Nhàn, Đống Đa là BV vệ tinh “chia lửa” dịch sởi cùng BV Nhi, Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Theo đó những BV tuyến trung ương sẽ cử bác sĩ xuống khám và điều trị tại các BV vệ tinh tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên gây lây nhiễm chéo.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi sởi tại B.V Nhi T.Ư ngày 16/4 Ảnh: T.Hà
Theo bà Tiến “Đây là giải pháp sẽ góp phần hạ hỏa sự quá tải bệnh nhân sởi tuyến trung ương. Do đó, ngành y tế chỉ dám đặt mục tiêu đến 2017 là loại trừ chứ không phải là thanh toán bệnh sởi. Nỗ lực để loại trừ, ca bệnh vẫn có nhưng không bung thành dịch”.
Về chất lượng vắc-xin, bà Tiến khẳng định là tốt, nếu tiêm đúng lịch và tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ là 95%. Như vậy có khoảng 5% trẻ đã tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể mắc sởi.
Bộ trưởng Y tế đã mời ông Kansai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới đến cùng thị sát tình hình dịch bệnh. Ông Kansai cho biết sẽ cử một chuyên gia dịch tễ đến làm việc với BV Nhi T.Ư để bàn cách chống lây chéo trong BV.
Trả lời câu hỏi về việc cách đây vài ngày Bộ Y tế công bố có gần 3.000 ca mắc sởi, nay đã lên tới 7.000 ca, TS.Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đây chỉ là vấn đề thống kê, cập nhật số liệu chứ không có chuyện “tô hồng” thực tế vì nếu không áp dụng các biện pháp phòng chống thì mỗi ngày số ca mắc có thể rất cao, lên tới cả triệu ca.
Về phác đồ điều trị bệnh sởi, ông Kính cho biết, hội đồng chuyên môn Bộ đã họp và thống nhất bổ sung thêm ngoài những phác đồ chung đã áp dụng do Bộ Y tế ban hành vào năm 2009, cụ thể hơn cách sử dụng Gamma globuline miễn dịch để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể.
Ông Kính cũng cho biết, hiện BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân sởi, 90% trong số đó là người lớn, chưa có trường hợp nào tử vong.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập tắt dịch sởi
Ngày 16/4 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu: Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế bị quá tải tuyến trung ương, khẩn trương dập tắt dịch sởi.
Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc, để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch sởi. Bảo đảm đủ vắc-xin sởi để tiêm bổ sung phòng bệnh sởi.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; tiêm đủ vắc xin sởi cho đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí phòng, chống dịch sởi cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh và thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin thường xuyên, cập nhật về tình hình dịch sởi, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi, đặc biệt là chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và chủ động phát hiện sớm những dấu hiệu mắc bệnh sởi để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh biến chứng nặng vì phát hiện muộn. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác dập tắt dịch sởi của ngành y tế.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?