Sáng nay (19/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Sinh viên đại học có thể được hoãn nghĩa vụ quân sự |
Theo tin tức trên báo chí, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1, đa số ý kiến ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi ra trường phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi chứ không kéo dài tới tuổi 27. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng. Việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành”, ông Khoa góp ý.
Vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ với sinh viên chính quy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay.
Từ đó, cơ quan này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp.
Báo chí trích ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, đối với sinh viên đang học hệ chính quy không nên gọi nhập ngũ, bởi như vậy là xem nhẹ hiệu quả đào tạo, chỉ coi trọng quân sự chứ không coi trọng những lĩnh vực khác.
Ông Thi nhận định, gọi nghĩa vụ quân sự mà không nới thời gian về tuổi là khó vì tốt nghiệp THPT là 18 tuổi, học đại học 4 năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình vượt tuổi. "Chúng ta chỉ tính cơ học, còn thực tế có thể có trường hợp cố kéo dài thời gian học để vượt tuổi gọi nhập ngũ, nên cần tính toán cho kỹ", ông Thi nói.
Ông Thi đề xuất, việc lựa chọn học đại học trước rồi mới đi nghĩa vụ quân sự nên để thanh niên tự quyết. Các em học xong mới gọi nghĩa vụ quân sự là đúng với mục tiêu đáp ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy cần kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 thay vì 25 như hiện nay để các em thực hiện nghĩa vụ với đất nước.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi nghĩa vụ quân sự vì việc học phải liên tục. Nếu đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi về học sẽ quên mất kiến thức.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng hợp các ý kiến đại biểu, theo đó đồng ý tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với đối tượng này lên 27. Còn thanh niên bình thường vẫn duy trì độ tuổi gọi nhập ngũ như trước (tức là từ 18 đến 25 tuổi).
Theo kế hoạch, dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2015.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?