Sáng nay, gần 950.000 thí sinh thi môn Văn
Chủ nhật, 02/06/2013 07:47

Hôm nay (2/6) gần 950.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. So với năm trước, số thí sinh dự thi giảm 17.505.

Những học sinh cuối cùng của trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM được nhận giấy báo thi sau khi đã ôn thi xong chiều 30/5

Những học sinh cuối cùng của trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM được nhận giấy báo thi sau khi đã ôn thi xong chiều 30/5

Cả nước có 2.296 hội đồng coi thi với trên 40.000 phòng thi. Kỳ thi năm nay phải huy động 142.361 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chưa kể lực lượng phục vụ trong ngoài các hội đồng coi thi và 23.691 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi.

Để thuận lợi cho thí sinh, tránh việc thí sinh bị căng thẳng khi phải thi các môn tự luận trong cùng một ngày, năm nay Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh lại thứ tự môn thi khác các năm trước. Theo đó, ngày thi đầu tiên thí sinh sẽ thi các môn ngữ văn (tự luận) và hóa học (trắc nghiệm).

Hà Nội: có phương án đối phó với thời tiết

Ngày 1/6, hơn 76.000 thí sinh đã tập trung tại các hội đồng coi thi để nghe phổ biến quy chế thi.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện 154 hội đồng coi thi đều được bố trí máy phát điện để đề phòng sự cố mất điện khi tiết trời quá nóng. Một số điểm thi đã được yêu cầu bổ sung vật liệu chống nóng, quạt điện, nước uống cho thí sinh.

Ông Thống cho biết ban chỉ đạo thi cũng yêu cầu các hội đồng coi thi có phương án phòng ngừa tình trạng úng ngập bất ngờ khi có mưa lớn vào những ngày thi để hạn chế tình trạng thí sinh đến trường thi bị muộn do úng ngập, tắc đường.

TP.HCM: phòng tránh ném đề thi ra ngoài

Trong buổi tập huấn giám thị coi thi sáng 1/6, các hội đồng nhắc nhở cán bộ coi thi về quy chế thi tốt nghiệp 2013. Đặc biệt lưu ý đến các khu vực tường rào giáp ranh giữa hội đồng thi và nhà dân bên ngoài, kiểm tra tất cả cửa sổ phòng thi, phòng vệ sinh... phòng tránh tình trạng đề thi có thể bay hoặc bị ném ra bên ngoài.

Đến tối 1-6, hơn 30 thí sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã có mặt tại ký túc xá Trường THPT Cần Thạnh (Cần Giờ) theo bố trí của trường để thuận tiện việc dự thi tốt nghiệp THPT năm nay cho các bạn. Trong ba ngày thi, số thí sinh này sẽ ở tại ký túc xá và được thầy cô ở trường “chia nhỏ ra để chăm lo”. “Giáo viên chủ nhiệm sẽ chăm sóc cho học trò của lớp mình từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, ôn bài... vì sẽ hiểu tính cách, học lực, khẩu vị của các em” - thầy Nguyễn Diên Tín, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, nói.

Theo thầy Nguyễn Diên Tín, năm nay UBND huyện Cần Giờ sẽ hỗ trợ chín chuyến xe buýt để đưa 226 thí sinh của Trường THPT Cần Thạnh đi dự thi tại hội đồng thi Trường THPT An Nghĩa.

Lo ăn, nghỉ cho hàng chục ngàn sĩ tử

Trong những ngày thi tốt nghiệp tới, có hàng chục ngàn thí sinh được các mạnh thường quân, thầy cô giáo nấu ăn miễn phí buổi trưa để các bạn yên tâm thi cử.

Tại tỉnh Đồng Tháp, rất nhiều trường đã chuẩn bị thực đơn, bàn ghế đón thí sinh. Bếp ăn khuyến học của Hội Cựu giáo chức thị xã Sa Đéc trên đường Nguyễn Sinh Sắc chỉ rộng khoảng 100m2 nhưng được bố trí khá khoa học, có phòng thay quần áo, tủ sách, bàn ghế... Cô Đặng Thị Bé, nguyên hiệu phó Trường tiểu học Trưng Vương, cho biết: “Kỳ thi này bếp ăn sẽ phục vụ cho 150 thí sinh đã đăng ký trước, nhưng cũng sẽ nấu thêm vài chục phần để sẵn sàng đón các bạn nào muốn ăn trưa ở đây”. Tại Trường THPT Cao Lãnh 2 cũng đã sẵn sàng nấu 150 suất ăn/ngày, Trường THPT Thanh Bình 1 ở vùng sâu, vùng xa nên các mạnh thường quân đã chuẩn bị tới 750 suất ăn/ngày cho thí sinh.

Huyện biên giới Hồng Ngự có hai hội đồng thi tại Trường THPT Hồng Ngự 3 và Trường THCS Thường Thới Tiền. Thầy Lê Văn Chiêm, hiệu phó Trường THPT Hồng Ngự 2, nói nhà trường đã tổ chức thuê nhà trọ cho các em nghỉ lại trong suốt thời gian kỳ thi diễn ra.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Lý Đại Hồng - phó giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết 31 trường THPT trong tỉnh đã quyên góp được 200 triệu đồng tổ chức bữa ăn trưa tại trường cho khoảng 1.000 học sinh nghèo trong những ngày ôn thi và ba ngày thi tốt nghiệp. Riêng tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình) còn vận động được gần 20 triệu đồng để nấu cơm trưa cho hơn 100 học sinh ăn trong một tháng rưỡi ôn tập. Tất cả các trường THPT ở huyện Tam Bình đều có tổ chức nấu cơm trưa cho sĩ tử trường mình trong những ngày thi.

Tại Long An, theo ông Trần Hoàng Nhân - giám đốc Sở GD-ĐT, tỉnh đã vận động trên 10.000 suất ăn miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong kỳ thi tốt nghiệp. Hội Khuyến học và Hội Liên hiệp phụ nữ nhận nhiệm vụ nấu và tổ chức các bữa ăn cho thí sinh.

Riêng tại huyện biên giới Vĩnh Hưng không chỉ tổ chức ăn trưa cho 130 thí sinh, trường còn lo chỗ nghỉ trọ cho khoảng 100 bạn trong ba ngày thi vì các bạn này nhà rất xa trường.

Ông Phan Đoàn Thái - trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Bình Thuận - cho biết những học sinh đi thi xa nhà, thầy cô giáo đi coi thi tại những vùng khó khăn đều được nhà trường, hội phụ huynh chăm lo bữa cơm chu đáo để đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi.

Tại nhà ăn của ký túc xá Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết) - nơi có hơn 200 học sinh đến từ huyện đảo Phú Quý lưu trú ôn thi, các thí sinh được phát phiếu cơm trưa và chiều. Đại diện nhà ăn cho biết mỗi suất cơm nhà ăn bán hỗ trợ rẻ hơn bên ngoài từ 3.000-5.000 đồng và bữa ăn vẫn đảm bảo ngon, vệ sinh, đầy đủ chất với thực đơn thay đổi mỗi bữa. Còn tại hội đồng thi ở Trường THPT Quang Trung (huyện Đức Linh), hội phụ huynh đã tổ chức nấu ăn cho trên 70 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi tại đây.

Ngày 1-6, ông Đổng Ngọc Lập - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh - cho biết để cho các em học sinh ở xa thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, ba hội đồng thi là Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu đã tổ chức bữa ăn trưa và bố trí chỗ ở lại cho gần 300 học sinh. Theo đó, Huyện đoàn Dương Minh Châu tiếp sức mùa thi đã bố trí khoảng 100 chỗ ngủ cho các thí sinh ở những xã xa về dự thi tốt nghiệp, Huyện đoàn Gò Dầu hỗ trợ tiếp sức mùa thi với 120 suất ăn trưa và chỗ nghỉ trưa cho học sinh. Riêng ở huyện Bến Cầu, hai đơn vị nhà chùa đã hỗ trợ 150 suất ăn cho học sinh đến hội đồng thi. Các em có nhu cầu đăng ký chỗ nghỉ và suất ăn tại các huyện đoàn và hội đồng thi. Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng bố trí những bình nước uống tinh khiết miễn phí cho thí sinh tại các hội đồng thi.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh về dự thi, ngành giáo dục và các địa phương cũng đã có nhiều hỗ trợ trực tiếp cho các em thuộc hai đối tượng là học sinh nghèo và học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, thí sinh dự thi ở các hội đồng thi đặt tại các trường nội trú được bố trí chỗ ở và được chăm sóc, ăn uống miễn phí. Ngoài ra, mỗi học sinh thuộc nhóm đối tượng này cũng được các huyện trích ngân sách hỗ trợ với số tiền thấp nhất là 100.000 đồng/em, cao nhất là 500.000 đồng/em (tùy theo huyện) trong ba ngày thi.

Ông Nguyễn Sỹ Thư - giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum - cho biết đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, các huyện và các trường cũng đã tổ chức hỗ trợ chi phí, bố trí chỗ ăn ở miễn phí tại các hội đồng thi cho học sinh thuộc diện nghèo và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thầy Trần Anh Văn - phó hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, phó chủ tịch hội đồng coi thi tại trường này, thuộc huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) - cho biết nhà trường đã bố trí đủ nơi ở miễn phí tại Làng học sinh Mường Lát (ngay cạnh trường).

Tại huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, bà Hà Thu Dung - hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn - cho biết: “Nhà trường đã liên hệ với Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Sơn cho mượn ký túc xá của trường này (ngay cạnh Trường THPT Quan Sơn), có đủ điện, nước sinh hoạt, để thí sinh và người thân tại các xã vùng sâu, vùng xa đến ở miễn phí trong những ngày thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã vận động được nhiều nhà dân xung quanh trường sẵn sàng cho thí sinh và người nhà đến ở những ngày thi.

Bà nội đi thi

Tại khu nội trú Trường THPT chuyên Quốc Học Huế có nhiều thí sinh đặc biệt dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ví dụ như chị Hồ Thị Mới (sinh năm 1994), trú tại thôn Lê Ninh, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, bồng theo đứa con trai để đi thi. Chồng chị Mới là bộ đội nên mẹ chồng đã đi cùng để bồng cháu cho con dâu vào thi.

Bên cạnh đó là thí sinh Trần Thị Lụt (43 tuổi), hiện là chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), vẫn quyết tâm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Chị cho biết đã dự thi hai năm trước nhưng không đủ điểm nên gắng tiếp năm thứ ba. Chị cùng chồng cõng theo cháu nội về TP Huế sớm hơn hai ngày để tìm chỗ tá túc.

PH.THÀNH

 

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Thi tốt nghiệp 2013 , Thí sinh , Thi môn Hóa , Đề thi