Sắm máy bay cho cảnh sát truy bắt tội phạm
Thứ ba, 13/08/2013 09:42

Bộ trưởng, thứ trưởng Thường trực Bộ Công an mới có quyền ra lệnh nổ súng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp

Ngày 12/8, thảo luận về dự án Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang (CSVT), nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tỏ ra tán thành với việc trang bị máy bay, tàu chiến cho lực lượng CSVT để kịp thời chuyển quân, chuyển vũ khí cũng như tấn công tội phạm. Tuy nhiên, đối với quy định nổ súng, nhiều ý kiến đề nghị quy định lại một cách chặt chẽ hơn bởi liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Sẽ trang bị máy bay

Theo tờ trình của Chính phủ, CSVT là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân. CSVT hoạt động, tác chiến vũ trang theo phương thức cơ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và trấn áp mọi âm mưu phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, gây rối, biểu tình bất hợp pháp. Trong quá trình hoạt động, CSVT được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy và các vũ khí hạng nặng khác như B40, xe bọc thép..., được phép xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế.

“Thực tế thời gian qua cho thấy trong một số vụ việc phức tạp, Chính phủ đã phải huy động tàu bay để thực hiện nhiệm vụ. Hiện Chính phủ đã đồng ý phê duyệt để trang bị sáu máy bay cho lực lượng trên” - Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho hay.

Tán thành với quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng tội phạm hiện nay ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phức tạp hơn nên việc sử dụng trực thăng để truy lùng tội phạm là cần thiết.

Tuy nhiên, cả ông Hiện và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đều tỏ ra băn khoăn đối với quy định CSVT được “xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam”. “Quy định như thế là không phù hợp với Hiến pháp về quyền cơ bản của công dân. Do đó, tôi đề nghị nên lùi dự thảo pháp lệnh trên chờ thông qua Luật Công an nhân dân và Hiến pháp” - ông Lý nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng trong trường hợp phát hiện một tên khủng bố ở trong đó thì chắc chắn phải có lực lượng xâm nhập vào đó. Vì thế nên nghiên cứu quy định lại sao cho phù hợp hơn, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Siết chặt các trường hợp được nổ súng

Theo dự thảo, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Tư lệnh CSVT, giám đốc công an cấp tỉnh có quyền quyết định sử dụng vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị đặc chủng trong các trường hợp xảy ra bạo loạn, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp… Riêng các trường hợp thực hiện nhiệm vụ độc lập được nổ súng theo quy định tại Pháp lệnh 16 của Ủy ban TVQH về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về các quy định trên, Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) cho rằng dự thảo chưa phân biệt rõ việc sử dụng đối với từng loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, thẩm quyền quyết định sử dụng cũng chưa phù hợp. “Một số ý kiến trong ủy ban đề nghị đối với việc nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các trường hợp khác chỉ giao bộ trưởng hoặc thứ trưởng Thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng, còn Tư lệnh Cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này” - Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa nói.

Ủy ban QPAN cũng đề nghị cần quy định theo hướng đối với các loại vũ khí thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh 16 thì thực hiện theo quy định đó. Đối với vũ khí ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này thì cần quy định cụ thể trong dự thảo để TVQH cân nhắc, quyết định.

Tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra, cả hai phó chủ tịch QH là ông Huỳnh Ngọc Sơn và ông Uông Chu Lưu đều cho rằng quy định về nổ súng rất quan trọng bởi chỉ cần ra lệnh nổ súng không phù hợp là có thể gây chết người. Do đó cần phải quy định rõ trong dự thảo về việc nổ súng lúc nào, nổ súng đối với ai, sử dụng loại súng nào…

Nên duy trì tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”

Theo nghị quyết của QH thì tên gọi của dự án pháp lệnh nói trên là “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”. Tuy nhiên, theo Chính phủ, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng cảnh sát cơ động bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác. Do vậy, để bảo đảm tính khái quát, tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy cần đổi tên gọi thành “Pháp lệnh CSVT” cho phù hợp.

Qua thảo luận, Ủy ban TVQH đề nghị giữ nguyên tên gọi là “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” cho phù hợp với nghị quyết của QH. Hơn nữa, nếu sử dụng tên gọi CSVT thì sẽ dẫn đến cách hiểu các lực lượng cảnh sát khác trong Công an nhân dân là phi vũ trang và không có lợi trong vấn đề đối nội, đối ngoại.

Phapluattp.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Trang bị máy bay cho cảnh sát , Cảnh sát vũ trang , Đấu tranh với tội phạm , Quốc hội , Bộ Công an , Nổ súng