Tại một đoạn phố không tên ở TPHCM, các ông đồ già trẻ đội nắng bán chữ, chủ yếu là thư pháp Việt. Họ cũng nháo nhác chạy công an, đội trật tự như ai.
|
Phố ông đồ quy tụ ven đường.
Đội nắng, ôm chữ
Đoạn phố ông đồ nằm trên đường Trương Định, quận 3, đang mùa xuân, nhưng phương Nam trời vẫn nắng gắt lắm. Xe cộ như nêm, khói xe mù mịt. Gọi là phố ông đồ, nhưng thực ra những đôi liễn, những khung chữ được treo lên hàng rào một trường học. Đằng sau hàng rào có một cửa hàng cây cảnh tồi tàn bên những bãi rác to tướng, sau nữa là một trường học cũ kỹ.
Nắng chang chang. Người ta đi mua chữ, đeo kính đen, bịt khẩu trang, đứng xem chữ chưa ngã ngũ, vài xe máy tắc đường lao vọt lên vỉa hè làm khách hàng ái ngại bỏ đi. Cái vỉa hè vốn đã hẹp, lại trồng thêm một luống hoa lớn, nên người ghé vào mua chữ cũng khó tìm chỗ đặt chân.
Một ông đồ giới thiệu với tôi: “Đây là phố ông đồ duy nhất của Sài Gòn, họp quanh năm. Chúng tôi là những người chuyên nghiệp sống bằng nghề cho chữ”.
Thì ra, dịp Tết, người ta tổ chức hội hè, dựng nên mấy phố ông đồ ở triển lãm, vườn hoa, để quay phim chụp ảnh, làm cho sinh động, nhưng hết dăm ngày tết thì dẹp hết các phố ông đồ đó. Chính cái phố chữ không tên này đã giang tay chờ đón những kẻ mê chữ quay về quần tụ.
Một người nói: “Trước đây, đoạn phố này có ngôi nhà cổ rất đẹp, xung quanh nhiều cây cối rậm rạp, mát mẻ. Các nhà thư pháp tiền bối tụ tập ở đây để viết chữ, khoe tài, kiếm sống. Phố ông đồ ra đời từ đó. Bây giờ, nhà cổ đã bị phá, cây cối bị chặt bỏ, cảnh xưa chẳng còn. Quanh năm phố nắng chang chang”.
Các ông đồ xách ghế nhựa chạy tới chạy lui. Vừa soạn bút giấy ra viết vẽ thì thấy trời nắng quá, phải ôm chữ “nhẫn”, cắp chữ “tâm”, nhớn nhác chạy tìm gốc cây. Khách hàng cũng ngao ngán, nhìn nhau: “Nắng nôi thế này, tâm trạng đâu mà các ông viết với vẽ!”.
"Anh" đồ
Miệt mài với câu đối ngày xuân. Ảnh: T.N.A .
Một anh đồ (chừng năm mươi tuổi) người Quảng Ngãi, làm thiết kế lâm nghiệp, sau lên Đắk Lắk trồng cà phê. Bao nhiêu tiền bạc thua lỗ mất cả.
Anh đem vợ con về thành phố mưu sinh bằng nghề cắt tóc. Một hôm, mùa xuân đi chơi, thấy người ta trưng bày thư pháp, đứng lại nhìn, nghĩ: “Hồi xưa đi học mình viết chữ đẹp nhất trường, vẽ cho các hội nghị, liên hoan. Sao bây giờ không thử nghề này?”. Anh theo chân các tiền bối, sắm sách vở, mua giấy bút luyện chữ. Vào khúc đường cùng, chữ của anh phát tiết, đẹp đẽ, hoa mỹ lạ thường.
Từ đó, sống trong phố ông đồ, anh nói người ta thích chữ của nhau như một cái duyên. Khách lạ nhiều mà khách quen anh cũng không xem nhẹ. Anh đang viết cho một vị khách quen đôi câu đối Tết năm nay: “Xuân sang cội phúc sinh cành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa”.
Anh đồ tên Sinh, quê Đồng Tháp, vốn chơi nhạc tài tử, cải lương. Anh mê chữ nên bỏ nghề nhạc, trôi dạt trong phố ông đồ đã nhiều năm. Cái ghế mây anh ngồi cũ nát, được kết lại bằng những dây dù, cho thấy chủ nhân rất cần kiệm.
Anh Sinh ngồi ở góc ngã tư đường, không có bóng cây, đội mũ mà chịu nắng, chờ khách. Sau lưng anh, những con chữ lấp lánh như phát lửa. Người ở phố nói với tôi: “Người viết thư pháp ít nhiều có học thiền, để tĩnh tâm mà viết chữ cho đẹp. Nếu không thiền, người ta chẳng thể nào ngồi dưới nắng cả ngày như thế”.
Dũng, một anh đồ trẻ cầm cự mặt đường không nổi, phải bỏ vào bên trong hàng rào sắt, dựng mái lều, đặt cái ghế đá, ngồi viết: “Tết đến, các cao thủ tập trung về phố này rất nhiều. Nhưng ra giêng thì các cụ bỏ đi hết cả. Phố nắng quá”. Đếm đi đếm lại, đến Tết năm nay phố chữ chỉ còn vỏn vẹn bốn, năm ông đồ.
Ngày càng đậm chất Việt
Nâng niu con chữ.
Dũng là họa sĩ chuyên nghiệp, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp một trường đại học mỹ thuật. Bố của anh là nghệ nhân gốm. Dũng nói: “Em phải làm đủ mọi việc để kiếm sống, như vẽ tranh, làm gốm. Không thể trông vào việc cho chữ. Nhưng nếu nói là mùa xuân, không gì vui bằng cho người ta một vài chữ”.
Dũng tham gia nhiều lễ hội thư pháp từ Hà Nội vào Huế, lên Đà Lạt. Dũng nói: “Hà Nội người ta chơi thư pháp chữ Hán nhiều. Sài Gòn nhiều người Hoa, nhưng khách hàng của bọn em chủ yếu lại thích xin chữ Việt. Thư pháp Việt Nam chiếm 90% sản phẩm của phố ông đồ”.
Một nhà thư pháp nói: “Từ đầu thế kỷ 20, các cụ đã chủ trương phải có thư pháp Việt. Những thi sĩ như Đông Hồ (1906-1969) đã chú trọng thư pháp của ta lắm. Nhưng mãi vài chục năm trở lại đây, chữ Việt mới được treo nhiều trong nhà”.
Ban đầu, người ta chơi thư pháp Việt bằng cách viết những đoạn thơ được nhiều người yêu thích. Thơ Nguyễn Khuyến, thơ Nguyễn Bính. Rồi lời bài hát của Trịnh Công Sơn, hay những lời kinh Phật, thơ của các nhà sư cũng trở thành nội dung phổ biến.
Bên những bức thư pháp viết bằng tiếng Trung với chữ Tâm, Phúc, Lộc…, người ta cũng thích chơi chữ Nôm, như: mẹ, cha, con, cháu, ông bà, đất nước… như câu đối Nôm: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gian khổ cả cuộc đời không gánh nặng bằng cha.
Đến phố ông đồ lại gặp những hình ảnh quen thuộc của đồng quê, núi non Việt Nam. Những loài cỏ hoa của Việt Nam như hoa đào, hoa mai, tre trúc cũng tràn ngập trong các bức họa thi pháp chữ quốc ngữ.
Dũng vừa vẽ phong cảnh những mái nhà tranh dưới gốc gạo nở hoa để viết chữ vừa nói: “Đề tài trong tranh thủy mạc Việt Nam vô tận. Nó làm cho người chơi thư pháp cảm thấy tự do hơn, không bị lệ thuộc vào cảnh Trung Quốc nữa”.
Giấc mơ của thư pháp gia vỉa hè
Anh Sinh, người đã gắn bó với cuộc sống đô thị, nói: “Khách của chúng tôi khá nhiều. Từ các gia đình, đến công ty, siêu thị, quán xá… Giờ họ đã quen với chuyện treo các bức thư pháp Việt Nam. Người ta cũng thường tặng nhau bức thư pháp tiếng Việt trong dịp cưới hỏi, tân gia, mừng thọ. Chúng tôi chỉ còn vất vả vì chưa có được một nơi sinh hoạt ổn định”.
Phố ông đồ chưa có giấy phép, càng chưa có quy hoạch, dù nó đã rất quen thuộc với người thành phố phương Nam nhiều năm qua. Ngày vui, ngày buồn, người ta cũng đều tìm tới để xin chữ. Khách nước ngoài biết tiếng, tìm tới xem.
Kiều bào về nước, ghé mua chữ về làm quà cả chục bức. Nhưng, các nhà thư pháp than: “Chẳng ai công nhận chúng tôi. Chúng tôi sống bên lề xã hội”. Một ông đồ thở dài: “Khi cần, các phường đến nhờ vả chúng tôi về viết chữ. Nhưng, thỉnh thoảng lại có một đoàn, không biết thuộc cơ quan nào, ào ào tới dẹp phố ông đồ. Bao nhiêu tranh chữ đều bị tịch thu hết!”.
Những ngày Tết, phố ông đồ nhộn nhịp và đẹp khó tả với mấy chục nhà thư pháp và hàng ngàn câu đối, câu liễn, nhưng các đội trật tự cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Dũng nói: “Tết nhất lại nháo nhác như ong vỡ tổ. Các cụ già râu tóc bạc phơ không kịp trở tay, bao nhiêu chữ nghĩa như trong cơn dâu bể, tan tác bèo bọt hết”.
Ước mơ của người chơi chữ Việt Nam là ngày nào đó các nhà thư pháp sẽ có được một con phố ông đồ đúng nghĩa, được pháp luật công nhận.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%