Đêm chuyển giao năm mới, chuyến phà Thủ Thiêm cuối cùng từ Q.1 về Q.2 (TP.HCM) chỉ còn lưa thưa vài ba người khách. Bến phà gần 100 năm đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
|
Chúng tôi cũng bước xuống những chuyến phà cuối cùng để nghe tâm sự của hành khách và những người lái phà.
Những chuyến phà làm nên ký ức Sài Gòn - Thủ Thiêm - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Đời phà
Gần 5g30 sáng 31-12, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng, 53 tuổi, đã có mặt tại bến phà Thủ Thiêm để chuẩn bị đổi ca cho đồng nghiệp. Công việc thường nhật gần 30 năm nay của ông là như thế... Nhưng hôm nay ông đến sớm hơn vì đây là lần đổi ca cuối cùng để rồi chia tay bến phà thân thương đã gắn bó cùng ông gần cả cuộc đời.
Cũng là công việc thường lệ, nhưng cái bắt tay đổi ca hôm nay giữa hai trưởng phà có gì đó lưu luyến hơn. Nhận ca, ông Hùng cẩn thận canh thời gian để hụ còi cho hành khách lên xuống phà, tiếng còi vang xa như muốn báo tin đây là những chuyến phà cuối cùng. Từ trong buồng lái, ông lặng lẽ quan sát khách lên xuống phà.
Đôi mắt người thuyền trưởng dường như đăm chiêu hơn, ánh mắt nhìn chất chứa đầy tâm trạng. “Biết là có cầu Thủ Thiêm, có đường hầm sông Sài Gòn hiện đại thì tốt hơn cho bà con đi lại nhưng lòng tôi cũng thấy buồn vì đêm nay sẽ chia tay những chuyến phà đầy kỷ niệm này” - ông tâm sự với chúng tôi, những người khách cuối cùng của ông.
Đã 30 năm phục vụ trên bến phà, bà Út Liên xem bến phà như ân nhân của cuộc đời mình. Nhờ có bến phà mà bà đã nuôi sống gia đình và lo được cho con cái ăn học nên người. “Giờ chia tay với bến phà, nhận công việc mới nhưng sao vẫn thấy buồn và có gì đó hụt hẫng quá” - bà Liên vừa bán vé vừa nói với khách như nói với chính mình.
Hai thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng (trái) và Hoàng Hùng ngậm ngùi trong ngày cuối - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Đi vào kỷ niệm
Ngày cuối cùng ở phà Thủ Thiêm, mỗi chuyến phà chỉ vài chục hành khách với xe đạp, xe máy. Sự trống vắng cũng khiến những người lái phà dường như thấy buồn hơn, ưu tư hơn. Theo ông Trần Minh Thành - giám đốc bến phà Thủ Thiêm - Cát Lái, kể từ ngày thông xe đường hầm sông Sài Gòn, lượng hành khách đi phà giảm 10%, chỉ còn 3.700 khách/ngày.
“Hành khách hôm nay qua phà cũng như chúng tôi, họ muốn đi những chuyến phà cuối, muốn nghe tiếng còi hụ, muốn cùng những chuyến phà kết thúc 100 năm lịch sử của nó. Cũng như tôi và nhân viên phà, bến phà và những chuyến phà cuối sẽ đi vào kỷ niệm của hành khách từng đến và đi trên bến phà này” - ông Thành chia sẻ.
Ở bến phà hôm nay chúng tôi nhìn thấy nhiều ông cụ, bà cụ cũng xuống phà qua sông nhưng lại không muốn rời phà khi nó cập bến. Gặp cụ Nguyễn Văn Hội (76 tuổi) trên phà, cụ cho biết: “Dù đã rời khỏi phường Thủ Thiêm về ở huyện Bình Chánh từ lâu nhưng hôm nay nghe tin bến phà sẽ không còn hoạt động khi sang năm mới nên tôi đón xe buýt đến đây để đi chuyến phà cuối cùng như một món quà của đời mình”.
Còn hai cụ bà tên Nê và Lan gần 70 tuổi là đôi bạn thân nhà ở tận chung cư An Phú - Bình Khánh (Q.2) hôm nay cũng lên bến và đi những chuyến phà cuối cùng. Hai bà tâm sự: “Chúng tôi muốn lưu lại kỷ niệm thân thương từ tuổi hoa niên đến bây giờ ở bến phà này”. Nói rồi hai bà cầm máy ảnh chụp hình bến phà, chụp hình cho nhau và nhờ người chụp hình cho mình ở bến phà này.
Anh Huỳnh Phước An, 37 tuổi, nhà ở phường An Khánh (Q.2), dẫn hai cô con gái 4 tuổi và 10 tuổi đến chụp hình bến phà Thủ Thiêm nói: “Để sau này các cháu nhớ hồi xưa ở Sài Gòn có bến phà Thủ Thiêm”. Một tốp sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM chia sẻ: “Tụi em không hay qua lại ở bến phà này nhưng biết đây là bến phà cổ xưa và có giá trị lịch sử quan trọng gắn với sự phát triển thành phố nên muốn lưu giữ lại những hình ảnh thật sự vô giá này”.
Nhiều người dân TP.HCM chụp ảnh lưu niệm khoảnh khắc của những chuyến phà cuối -Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Gặp nhau đây... rồi chia tay
Chiều cùng ngày, Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà TP đã tổ chức cuộc họp mặt tri ân và tặng hoa cho 70 cán bộ nhân viên đã và đang làm việc ở bến phà.
Ông Cao Kim Trọng - nguyên là phó giám đốc bến phà Thủ Thiêm, nay chuyển về làm phó giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - xúc động nói: “Chỉ còn ít giờ nữa bến phà Thủ Thiêm sẽ trở thành hoài niệm, tôi chắc rằng anh chị em cũng như tôi từng gắn bó với bến phà này sẽ giữ mãi hình ảnh thân thương của những chuyến phà hôm nay”.
Trong buổi chia tay bến phà Thủ Thiêm, ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nói gần 100 năm qua, bến phà đã kết nối đôi bờ sông Sài Gòn. Nhờ có bến phà này, người nông dân thuở xưa trên vùng đất sình lầy với những cây dừa nước, ô rô phía Thủ Thiêm đã gần hơn với trung tâm TP.
Như cảnh người đi xa quê hương luôn có nỗi nhớ nhung quê nhà, thời khắc chuyến phà Thủ Thiêm cuối cùng sẽ lưu lại kỷ niệm trong tâm tư của người dân TP. Bến phà chấm dứt hoạt động vì TP đã có cầu Thủ Thiêm, có đường hầm sông Sài Gòn và để hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại cho tương lai TP phát triển.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%