Thông tin giật gân chả cá Quy Nhơn (Bình Định) được làm bằng cá nóc khiến chúng tôi quyết định làm một chuyến về nguồn để tìm hiểu. Địa điểm khảo sát là xã Nhơn Lý, một làng chài truyền thống.
|
Vô tư đánh bắt, mua bán, chế biến
Cùng đi biển đêm với chúng tôi ngoài anh N.T.Danh, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý còn có anh N.S.Thành, Phó thôn Lý Lương. Gió lặng, sóng êm, chiếc ghe nhỏ rì rầm rẽ nước trực chỉ Vũng Trũng, nơi đoàn tàu cá đang tập trung thả lưới, ánh đèn trắng sáng một vùng trời. Neo đậu bên rìa vòng cung đánh bắt, tầm 11h đêm chúng tôi bắt đầu cặp mạn một chiếc tàu đang phát tín hiệu thu cá. Bầu không khí lao động khẩn trương diễn ra trên khoang, từng thước lưới được nhịp nhàng kéo lên theo nhịp tay hối hả của những bạn chài. Vòng vây thắt chặt dần. Dưới ánh đèn cao áp chụm đầu sáng lóa, những chú cá phóng mình vun vút khỏi mặt nước trong nỗ lực tuyệt vọng tìm đường thoát thân. Rồi mẻ lưới được cất, cá đổ ào ạt vào khoang như dòng thác bạc. Những con cá tươi rói búng mình đành đạch nằm xếp lớp trắng óng đầy khoang, nhiều nhất là cá nục, rồi đến cá nóc và các loài khác. Có mục sở thị mới biết cá nóc có sức sống thật mãnh liệt, vớt khỏi nước đến năm mười phút vẫn còn hí hóp thở, kêu ộp ộp râm ran như ếch đồng mưa. Thấy tôi cầm một con nóc vàng trên tay ngắm nghía, anh T. chủ tàu lắc đầu cảm thán: "Bọn nóc này phá lưới dữ lắm, giá lại bèo nên cực chẳng đã dính thì bắt. Chứ dân biển tụi tui không ai màng thứ này".
Mờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt trên bãi vừa lúc đoàn tàu vào bờ. Trong ánh bình minh mờ nhạt đã thấy từng đoàn người lũ lượt đón cá ngay rìa mép nước. Mươi phút sau, cảnh mua bán đã diễn ra ồn ào, huyên náo. Cá nhanh chóng được phân loại, cân đong và tíu tít chuyển lên đường.
Theo chân những người gom cá nóc, chúng tôi đi lên mé trên, nơi một nhóm phụ nữ đang thực hiện công đoạn xử lý cá ngay trên bãi cát. Bằng những đường dao bén ngọt và thành thạo, họ chặt đầu, lột da, bỏ đi toàn bộ nội tạng của cá, sau đó cho phần thịt vào một khay nhựa lớn. Toàn bộ số cá này sau khi làm xong sẽ được chuyển sang thành phố để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ. Vỗ vai một người đàn ông trẻ ngồi phân loại cá, anh Danh giới thiệu với chúng tôi anh Tr., người chuyên mua gom và sơ chế cá nóc tại đây từ nhiều năm nay. Biết chúng tôi là nhà báo, sau phút e dè anh Tr. thổ lộ: "Cá nóc ở vùng biển này có 3 loài chính là nóc mít, nóc xanh và nóc vàng. Trước đây nóc mít thường dùng làm nước mắm nhưng giờ không ai làm nữa. Còn làm chả thì nóc vàng là ngon nhất vì thịt nó vừa dai, vừa ngọt, các loại cá khác khó mà sánh nổi. Tôi hỏi: "Thường mỗi ngày anh mua được bao nhiêu ký tại đây? "Anh Tr. trả lời: "Ít cũng được năm bảy tạ, còn nhiều thì cả tấn là chuyện thường". Tôi hỏi tiếp: "Nhưng ai cũng biết cá nóc là loài cá độc, chính quyền cũng đã có quy định cấm đánh bắt và sử dụng làm thực phẩm, anh không sợ người tiêu dùng ngộ độc à?", anh Tr. lắc đầu cả quyết: "Không, mua cá nóc mười mấy năm nay tôi chưa thấy ai ngộ độc bao giờ. Vì không phải loài nào cũng độc. Với lại trước khi chế biến mình đã chặt đầu, bỏ da và nội tạng nên không sợ nữa. Quan trọng là làm cho kỹ thôi. "Ngẫm nghĩ một lát, anh tiếp: "Với lại, như các anh thấy đó. Dù không chủ ý đánh bắt nhưng lúc nào cá nóc cũng dính vô lưới. Hơi sức đâu mà lọc lựa thả lại biển. Mà đã đưa vô bờ thì xử lý cách sao, nếu đổ đi thì với mỗi ngày năm, bảy tạ bỏ đâu cho hết, không thì ô nhiễm làm sao chịu nổi".
Ảnh minh họa.
Lập luận của anh Tr. cũng phần nào có lý. Hơn nữa, xét về khía cạnh kinh tế thì lợi nhuận trong việc sử dụng cá nóc làm chả lại cực kỳ hấp dẫn vì tại đây, giá cá nóc chỉ có 5.000đồng/kg, trong khi các loại khác như nhồng, mối có mức giá đến 30.000đ/kg. Bên cạnh đó, nhiều người khi được hỏi cũng quả quyết rằng cá nóc phơi khô ăn rất ngon vì vừa dai, vừa ngọt và so với nó, cá chỉ vàng chẳng là cái gì(?) Điều đó lý giải vì sao đối với người dân chài Nhơn Lý, việc sử dụng cá nóc làm thực phẩm là chuyện thường ngày ở xã.
Những nỗi đau mang tên cá nóc
Theo chân anh Danh, anh Thành, chúng tôi rảo bước qua những ngõ nhỏ quanh co của thôn Lý Chánh tìm đến nhà bà N.T.H. Một căn nhà chật hẹp khuất sâu cuối ngõ. Đã 17 năm qua từ ngày người chồng là ông V. chết vì ngộ độc cá nóc nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, bà H. vẫn bùi ngùi. Theo lời bà kể, hồi đó, ông V. cùng người bạn đang nuôi giữ hồ tôm bên Huỳnh Giản Bắc, cách nhà mười cây số. Đêm đó bắt được cá dưới hồ, tưởng cá nóc nước lợ không độc nên rủ nhau ăn. Liền sau đó cả hai say vật vã, sùi bọt mép. Người kia nhẹ nên cứu kịp, còn ông V. thì tử vong ngay khi đưa về nhà. Mất đi trụ cột, người phụ nữ gánh trên vai 5 đứa con thơ phải vắt kiệt mình trong cuộc mưu sinh và cá nóc đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực suốt quãng đời còn lại.
Đi vòng sang lối khác, chúng tôi đến nhà chị P.T.C., nhân chứng may mắn còn sống sót trong một gia đình mang đại tang vì cá nóc. Chị C. rơm rớm nước mắt kể: "Chuyện xảy ra cách đây đã hơn ba mươi năm, hồi tôi còn học lớp 1. Sáng đó ba tôi cùng 3 người nữa ra biển thả lưới bắt được một con cá nóc lớn, đem về xẻ ra chia cho bốn gia đình cùng ăn. Nhưng không hiểu sao ba nhà kia không việc gì, còn ba má tôi với đứa em tôi thì bị trúng độc, nôn mửa quằn quại rồi chết. Thức ăn nôn ra, con gà ăn vô cũng chết, con heo ăn vô cũng chết. Tôi may mắn bữa đó đi học, chưa kịp ăn nên sống sót với đứa út còn đang bú mẹ. Tới giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cùng ăn cá nóc mà người bị độc, người không.
Cần có quy định chi tiết và chặt chẽ hơn
Ngoài những trường hợp tử vong vì ăn cá nóc kể trên, theo báo cáo của UBND xã Nhơn Lý, mười mấy năm nay tại địa phương không xảy ra trường hợp ngộ độc nào nữa. Có lẽ vì vậy mà người dân đã không còn ác cảm, ghẻ lạnh với loài cá này hoặc có thể họ đã có kinh nghiệm trong phân loại cùng với việc chế biến sao cho đúng cách. Trên đường đi, chúng tôi gặp một phụ nữ đang phơi cá nóc. Hỏi bí quyết làm sao cho cá ngon và không bị độc, chị H. trả lời tự nhiên: "Có gì đâu. Chỉ cần làm sạch bỏ hết gan ruột rồi ngâm muối kỹ trước khi phơi là được. Mà phải phơi cho thiệt khô, chứ phơi qua là coi chừng bị. Cá này phơi khô là nhậu hết biết. "Tôi đã có dịp kiểm chứng điều này tại nhà anh T.H., nguyên Trưởng ban Văn hóa thể thao xã. Bày một mớ cá nóc khô nướng thơm phức ra đĩa cùng chén tương ớt, anh hỉ hả mời tôi: "Anh ăn thử đi, tuyệt vời lắm. Nếu sợ thì để tui ăn trước, anh ăn sau". Nhìn anh bốc từng con ăn ngon lành, tôi cũng dè dặt cầm một con lên nhai. Quả thực, cá nóc khô có vị đậm đà riêng, thịt giòn nhưng chắc chứ không bở như các loại khô cá khác.
Thực trạng việc đánh bắt, sử dụng cá nóc tại Nhơn Lý vậy là đã rõ. Có lẽ không riêng gì ở đây mà tại nhiều làng chài khác của Quy Nhơn cũng diễn ra tình trạng tương tự. Và khó có thể hình dung có bao nhiêu tạ cá nóc đã được chế biến thành món đặc sản chả cá của thành phố mỗi ngày. Phải nhìn nhận và giải quyết vấn đề này như thế nào cho phù hợp với thực tế? Điều đó cần có những quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết của cơ quan chức năng và phải được phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết. Như lời tâm sự của anh N.V.Long, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý nói với chúng tôi: "Chính quyền địa phương cũng đã phổ biến các quy định cụ thể về việc cấm đánh bắt, sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Và với cái giá rẻ mạt như vậy không ai muốn đánh bắt làm gì. Nhưng trường hợp bất khả kháng cá vào lưới thì hủy thế nào. Chúng ta không khuyến khích nhưng nếu cấm triệt để thì cũng khó. Nên mong rằng các cơ quan chức năng có hướng giải quyết vấn đề một cách phù hợp"
Cá nóc, tên khoa học là Tetraodontiformes có tổng cộng 360 loài và ở biển Việt Nam có khoảng 46 loài. Phân tích độc tính 35 loài tại Việt Nam đã phát hiện 21 loài có độc và 14 loài không độc. Độc tính của cá tập trung nhiều nhất ở trứng, tinh hoàn, gan, da, ruột và phát tác mạnh trong mùa sinh sản vào thời điểm tháng 2-3 và tháng 7-9, có thể nhận biết nhờ màu sắc cá trở nên rực rỡ. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị ngộ độc cá nóc. Từng có nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc cá nóc nên Chính phủ đã ban hành quy định cấm mọi hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ cá nóc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên vào tháng 8/2010, theo đề án thí điểm mở rộng và nâng cao việc khai thác, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cá nóc chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, sau khi xem xét, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã chính thức cho phép 2 tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang thực hiện thí điểm chương trình này. Tại Bình Định, từ tháng 10 /2005 cũng đã được Bộ Thủy sản chấp thuận triển khai thí điểm đề án chế biến cá nóc xuất khẩu sang Hàn Quốc theo đề xuất của tỉnh. Còn việc đánh bắt, chế biến, tiêu thụ cá nóc nội địa đến nay vẫn bị cấm.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%