Để có một chỗ ngồi thuận lợi, người xem phải móc ví khoảng 100 euro.
|
Roland Garros khởi tranh là một dịp đặc biệt trong năm. Không chỉ bởi đây là một trong bốn giải Grand Slam danh giá nhất, mà còn bởi nó mang những giá trị lịch sử hết sức riêng biệt và cũng là dịp lý tưởng để những nhà kinh doanh trổ tài.
Giống như 3 Grand Slam còn lại, Roland Garros không nằm ngoài cuộc đua tăng tiền thưởng. Năm nay, ban tổ chức sẽ tăng 7% tổng tiền thưởng. Trong đó, nhà vô địch đơn nam và đơn nữ sẽ bỏ túi 1,64 triệu USD, tăng 700 nghìn so với năm 2011. Tương tự Wimbledon, Pháp mở rộng sẽ dồn nhiều tiền thưởng hơn cho các tay vợt thi đấu ở vòng ngoài. Cụ thể, vòng 1 đến vòng 3 nhận tương ứng 23.000, 36.000, 60.000 USD. Đây là sự thay đổi mang hướng công bằng hơn, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tay vợt hàng đầu với phần còn lại.
Những thương hiệu lớn nhất đều có mặt ở Roland Garros
Có cơ sở để những nhà quản lý Roland Garros mạnh tay tăng tiền thưởng đều đặn mỗi năm. Đó chính là vì doanh thu của giải ngày càng tăng lên. Năm ngoái, giải đấu đạt doanh thu xấp xỉ 200 triệu USD và năm nay con số đó được dự đoán là trên 200 triệu USD (tức ngang với tổng doanh thu US Open 2011). Có khá nhiều nguồn thu đến từ tiền bán vé, các hoạt động thương mại dịch vụ, bản quyền truyền hình và từ rất nhiều những đối tác kinh tế lớn muốn góp mặt trong ngày hội thể thao của người Pháp.
Đa dạng nguồn thu
Bạn sẽ mất bao nhiêu tiền để ngồi ở một chỗ đẹp theo dõi những Nadal, Djokovic hay Federer thi đấu tại Roland Garros? Câu trả lời là 110 euro. Với những khán giả không có điều kiện, bỏ ra 17 euro là có một ghế xem trận đấu, nhưng dĩ nhiên là bạn sẽ phải ngắm nhìn các tay vợt từ khoảng cách rất xa. Theo thống kê, doanh thu bán vé ở Roland Garros mỗi năm rơi vào 20 triệu euro. Đây là số tiền thừa đủ chi trả cho các giải thưởng cũng như dịch vụ phát sinh trong thời gian diễn ra giải đấu. Năm 1979, người Pháp xây “Làng Roland Garros” để cho các doanh nghiệp thuê làm chỗ trưng bày sản phẩm và tiếp khách. “Ngôi làng” gồm 19 chiếc lều trắng và để thuê mỗi chiếc lều trong vòng nửa tháng bạn vui lòng bỏ ra từ 150 đến 300 nghìn euro.
Phải chịu chi mới có chỗ ngồi đẹp
Những hoạt động thương mại bên ngoài khu tổ hợp Roland Garros mang về khoản tiền không nhỏ bởi lượng khách đổ về khu vực này trong những ngày diễn ra giải đấu lên đến hàng trăm nghìn lượt. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của Roland Garros kiếm được nhờ các đối tác kinh tế lớn. Chẳng hạn, ngân hàng quốc gia Paris muốn để tấm biển BNP Paribas ở cuối sân phải trả cho Liên đoàn quần vợt Pháp FFT 20 triệu euro mỗi năm. Sự hợp tác này đã kéo dài suốt từ 1973. Tương tự, hãng thể thao khổng lồ Adidas cũng hợp tác với FFT từ đầu những năm 70 và hàng năm họ chính là những người cung cấp toàn bộ trang phục cho nhân viên giải đấu. Adidas cũng đã rót tiền xây khu nhà hàng sang trọng dành cho các tay vợt.
Hãng xe hơi Peugeot danh tiếng của Pháp cũng là một trong những đối tác chính của FFT. Năm ngoái, Peugeot đã sử dụng 200 chiếc xe của mình để phục vụ việc di chuyển của các tay vợt. Biểu tượng thời trang nổi tiếng Lacoste cũng luôn đồng hành với Roland Garros trong suốt 40 năm qua. Họ đã tài trợ toàn bộ trang phục cho trọng tài và ban tổ chức để đổi lại một vị trí đắc địa trong trung tâm “Làng Roland Garros” cũng như những tấm biển hình chú cá sấu trên mỗi sân đấu.
Ai cũng muốn một lần được tới Paris xem Roland Garros
Bản quyền truyền hình thì sao? Đương nhiên đây là nguồn thu chính. France Televesion đã bỏ ra 15,5 triệu euro để mua bản quyền Roland Garros trong 4 mùa từ 2010 – 2013. Hãng truyền hình Pháp phải trả thêm 13 triệu euro nữa vì đã nhượng lại bản quyền phụ cho Eurosport và Orange TV. Dẫu vậy, với 2,63 tỷ lượt người xem ở 175 quốc gia, France Television vẫn thu về một số tiền khổng lồ mà trong đó chỉ riêng quảng cáo đã lên đến gần 8 triệu euro sau thuế.
Nếu ngay bây giờ bạn truy cập website rolandgarros.com, trang chủ của giải đấu, thì bên góc tay phải màn hình sẽ thấy xuất hiện biểu tượng IBM, đối tác kỹ thuật truyền thông của Roland Garros suốt hơn hai thập kỷ qua. Có những ngày, lượng truy cập trang web này lên đến cả chục triệu lượt, biến Pháp mở rộng trở thành một trong những giải thể thao được cộng đồng mạng quan tâm nhất. Đương nhiên, các đối tác sẽ phải trả cho FFT một khoản không nhỏ.
Xét về khuôn viên, Roland Garros hiện có khu vực thi đấu chật chội nhất trong số 4 giải Grand Slam. Tổ hợp sân Roland Garros chỉ rộng 8,5 héc-ta, chưa bằng nửa diện tích 18,5 héc-ta của All-England Club (khu tổ hợp thi đấu của Wimbledon) hay Melbourne Park (khu thi đấu của Úc mở rộng). Flushing Meadows, sân đấu của giải Mỹ mở rộng, cũng rộng gấp rưỡi Roland Garros. Thế nhưng, người Pháp đã cho thấy khả năng kinh doanh tài tình trong nhiều năm qua khi luôn có doanh thu ngang ngửa US Open. Sức hút của Grand Slam đất nện Roland Garros được đặt giữa lòng kinh đô Paris quả thật rất lớn.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?