Quốc hội kêu gọi 'thắt lưng buộc bụng'
Thứ bảy, 24/05/2014 10:10

Ngày 23/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về kế hoạch kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần có hỗ trợ mạnh cho ngư nghiệp

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần có hỗ trợ mạnh cho ngư nghiệp

Tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội kêu gọi ổn định kinh tế vĩ mô gắn với quốc phòng, dồn sức mua tàu cá hỗ trợ ngư dân bám biển.

Dừng đầu tư những công trình không cấp thiết

Mở màn phiên thảo luận tại tổ của đoàn TP HCM, đại biểu (ĐB)Trần Hoàng Ngân cho rằng cần đặtnền kinh tế trong trạng thái động. “Phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với quốc phòng. QH cần có nghị quyết về nông nghiệp, liên quan đến nông dân, ngư dân để cải thiện đời sống của người dân, xuất ngân sách để hỗ trợ đội tàu cho ngư dân” - ĐB Ngân đề nghị. Theo ông Ngân, từ năm 2011-2013, Bộ Giao thông Vận tải tiết kiệm được 34.000 tỉ đồng, số tiền này có thể đầu tư cho đội tàu đánh bắt. Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng cần sử dụng lợi tức, tiền từ cổ phần hóa tài trợ cho ngư dân và cần có mô hình đầu tư tàu thuyền cùng ngư dân bám biển.

ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, cho rằng cần có hỗ trợ mạnh cho ngư nghiệp như tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê. “Do đang không có việc làm, đề nghị Vinashin đóng tàu sắt cho thuê vì ngư dân bám biển đang cần có tàu sắt thu mua và chuyển hải sản về đất liền tiêu thụ. Để làm được việc này, cần có sự tham gia của ngân sách nhà nước” - ông Lịch hiến kế.

ĐB Đỗ Văn Đương kêu gọi: “Vấn đề biển Đông diễn biến còn phức tạp và tình huống xấu nhất buộc chúng ta phải tự vệ và giành thắng lợi thì vấn đề đặt ra là ngân sách dành cho quốc phòng. Đã đến lúc chúng ta phải thắt lưng buộc bụng”. Cụ thể, ĐB Đương kiến nghị thắt chặt phân bổ ngân sách, tạm dừng các công trình không cấp thiết như nạo vét sông Hậu tiêu tốn tới 5.000 tỉ đồng. ĐB Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị QH yêu cầu Chính phủ dừng đầu tư một số công trình chưa triển khai, lấy tiền hỗ trợ cho ngư dân bám biển.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng trong giai đoạn này, cùng với chính sách hỗ trợ xăng dầu, chúng ta cần đóng tàu cho ngư dân thuê để bám biển vì họ là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất.

Không thể chấp nhận cứ mãi chi sai ngân sách

Về chi tiêu ngân sách, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc chi sai chế độ vẫn tái diễn. Theo ĐB này, việc chi sai chỉ có thể hiểu là do chế độ quá lỗi thời nên phải “lách” và cố tình chi sai vì lợi ích riêng. “Chi sai như vậy, có xử lý được không hay dù biết chi sai nhưng vẫn cứ quyết toán vì cho rằng luật không đúng. Cứ duy trì mãi thói quen phê bình rồi rút kinh nghiệm là không thể chấp nhận” - ĐB Quyết Tâm gay gắt.

Để quản lý tốt ngân sách, ĐB Quyết Tâm đề nghị: “Tuyên truyền cho cán bộ, công chức hiểu rõ tiền ngân sách từ đâu mà có để chi tiêu có ý thức bởi khắp nơi đang phổ biến câu nói rất vô cảm: Tiền nhà nước là phải tiêu cho hết, không xài là lãng phí”. ĐB Quyết Tâm cho biết lãng phí ngân sách không chỉ do đi nước ngoài nhiều, hội thảo không kể hết, in tài liệu vô tội vạ mà còn do mua sắm nhưng chưa sử dụng.

Đồng tình, ĐB Trần Du Lịch gay gắt nói: “Gặp ĐBQH các nước, họ nói muốn mời mình ăn cơm nhưng không thể vì không có kế hoạch nên không có nguồn. Trong khi mình mời cơm thoải mái. Lãng phí còn do cán bộ, công chức Việt Nam đi nước ngoài nhiều quá. Tôi đề nghị cắt giảm, tình hình khó khăn thế này, QH phải quyết liệt”.

Tán đồng, ĐB Đặng Thành Tâm cho rằng: “QH cần ra lời hiệu triệu yêu nước bằng “thực hành tiết kiệm” trong tình hình hiện nay”. Hưởng ứng, ĐB Nguyễn Văn Minh nói thẳng: “Tôi rất dị ứng các festival. Nói festival là xã hội hóa nhưng cũng là nguồn lực xã hội, nên dồn lực giúp dân bám biển”.

Phải thoát khỏi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

Cùng thảo luận tại tổ về vấn đề kinh tế - xã hội, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng bất ổn ở biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, cần có đánh giá kỹ về vấn đề này để có giải pháp cụ thể và bước đi phù hợp. “Nếu không có kịch bản trước thì dễ rơi vào bị động. Ngành dệt may đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, ngành cao su cũng thế. Đây là những vấn đề lớn mà chúng ta cần phải sớm tính toán, tìm cách ứng phó. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng an ninh mới vững được” - ĐB Thụ nhận định.

Theo ĐB Mai Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của QH, ủy ban đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh về vấn đề này để hằng tháng có báo cáo cụ thể cho Chính phủ và các ngành.

ĐB Trần Du Lịch góp ý phải nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Ông Lịch phân tích hiện nhiều ngành hàng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu cứ để vậy thì khó hướng tới TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương).

Ngăn chặn lao động bất hợp pháp

Chiều cùng ngày, QH đã cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý cho các quyền của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) kiến nghị dự luật cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Ở góc độ khác, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) lo ngại dự thảo luật vẫn còn “khe hở”, đó là giải pháp hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng visa du lịch hoặc giấy thông hành biên giới vào sâu nội địa, cư trú, lao động bất hợp pháp...

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: hop quoc hoi , dai bieu quoc hoi , that lung buoc bung , tiet kiem , tin , bao