“Bây giờ muốn giúp cho K. khỏi bệnh hoặc nếu K. không qua được, sẽ ra đi vào giờ tốt, gia đình phải đào mộ ông N. lên, để thầy đến yểm bùa, tống thần trùng đi".
Rất nhiều gia đình tán gia bại sản khi thầy phán hai chữ “ma trùng” (Ảnh minh họa) |
Mục sở thị quy trình trị “ma trùng” của thầy pháp
Ông Bùi Văn K., 52 tuổi ở xóm B, thuộc xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) bị bệnh sỏi thận. Sau mấy lần mổ tại bệnh viện tỉnh, ông phải cắt bỏ đi một quả thận. Quả thận còn lại cũng đang trong tình trạng có sỏi. Trở về nhà, ông K. nằm một chỗ, ngày càng gầy yếu.
Anh em trong gia đình bàn bạc, lo lắng, tìm thuốc chạy chữa cho ông K. Anh em ông quan niệm, thuốc Tây không được thì chạy thuốc ta. Khoa học không xong thì nhờ vào tâm linh, tín ngưỡng. Bàn đi, tính lại, cuối cùng mọi người trong gia đình quyết định tìm thầy N. ở xóm Khướng, xã Bình Hẻm cùng huyện để nhờ thầy xem bói. Thầy N. phán nguyên nhân bệnh của ông K. là do anh trai của ông K. tên là Bùi Văn N. 61 tuổi, chết năm ngoái, phạm vào giờ trùng. Người nhà ông K. trình bày rằng: “Khi bác ấy mất cũng đã nhờ thầy B. xem và cúng giải trừ, mới nhập quan cơ mà?”. Thầy N. nói rằng, thầy B. đẳng cấp chưa cao, nên không tống được “thần trùng”. Bây giờ muốn yên ổn, giúp cho K. khỏi bệnh, khỏe khoắn, hoặc nếu K. không qua được, sẽ ra đi vào giờ tốt, gia đình phải lo làm lễ cắt dây, đào mộ ông N. lên, để thầy đến yểm bùa, tống táng thần trùng đi.
Trong lúc thầy xem, người nhà ông K. còn kể cho thầy biết, trong họ còn có bà bác 97 tuổi mất cùng năm với anh trai ông K., sau mấy tháng. Thầy N. liền khẳng định, bà bác mất cũng phạm vào giờ trùng. Nếu thế trong họ cần bàn bạc, đào cả mộ bà kia lên để thầy làm lễ luôn thể, khỏi tốn kém cho gia đình.
Các gia đình trong họ mạc nhà ông K. gần bảy mươi người, gom góp tiền, gạo, mỗi người một tay lo việc cúng bái cho ông K. với hi vọng ông sẽ mau qua khỏi.
Được thầy chỉ dẫn, mọi người tiến hành mổ con lợn khoảng hơn 50kg, thịt 7 con gà, 1 con vịt to và 1 con chó. Gia đình phải đan 325 vỉ tre làm mâm cúng, nhờ 4 cháu chưa vợ, chưa chồng - gọi là “trai vản, mại vản” đóng 700 oản xôi. Các cháu này sẽ tham gia phục dịch cho đến khi lễ cúng kết thúc. Gia đình còn phải mua 1 con vịt con, 1 con gà giò, 1 con chó nhỏ, 1 con lợn để thầy chấn bốn phương đông, tây, nam, bắc tại khu lập đàn cúng. Vàng mã, đèn hương, rượu, bánh kẹo, thuốc lá, thuốc lào, hoa quả, trầu cau và tiền mặt… tất cả đồ lễ được chuyển đến khu rừng, cách ngôi mộ (sẽ phải đào lên trong buổi tối) khoảng 30 mét.
Mọi người dựng một lều bạt khá rộng. Theo lời thầy chỉ dẫn, người ta làm bàn cúng chia ba cấp, thượng, trung, hạ. Hai bên lại còn có hai dãy liếp, cũng chia ba làm cấp, thượng, trung, hạ. Bốn cửa đông, tây, nam, bắc cũng bày mâm, lại còn đặt rọ nhốt lợn con ở hướng nam, rọ gà con hướng bắc, nhốt vịt hướng đông, chó con đặt chấn hướng tây. Anh em phục dịch, nấu nướng bày mâm từ sáng sớm cho đến hơn 1h chiều mới xong. Chỉ nghỉ ăn trưa một lúc rồi họ lại lao vào công việc ngay.
Gần 2h chiều, thầy bắt đầu tiến hành làm lễ. Thầy mặc áo chùng màu đỏ, đội chiếc mũ khá giống mũ Đường tăng trong phim Tây du ký. Giọng thầy ngân nga, điệu “trẩy mợi”, thầy khấn vái mời Phật, thành hoàng, thổ công, các vị thần mà thầy tôn thờ, cúng đến chứng kiến buổi lễ trừ thần trùng. Thỉnh thoảng thầy lại gieo quẻ, ba đồng xu kêu lanh canh trong đĩa sứ.
Thầy còn trẻ, khá điển trai, khuôn mặt khôi ngô, thầy nói thầy mới 32 tuổi, chưa vợ, theo nghiệp tổ tiên làm thầy pháp. Sau khi chay tịnh ba tháng, thầy bắt đầu đi chữa trùng cho người ta. Thầy nhập vai được cả ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, Hoàng Ba. Vai chính của thầy là vai “Vua Hai, núi Khụ Trắng”. Thi thoảng thầy lại kể chữa khỏi bệnh cho người này người kia. Đặc biệt chữa trùng cho hai người chết vì tai nạn xe máy, người nhà đưa cho thầy những 200 triệu!!! Thỉnh thoảng thầy mở điện thoại, mặc dù không có chuông, cũng chẳng thấy bấm phím?! Chỉ thấy thầy áp máy vào tai rồi nói to cho tất cả mọi người cùng nghe thấy: “Xem nhà kia nó chuẩn bị xong chưa, nếu không để sáng mai thầy còn đi lên Mường Khụ làm lễ cho nhà X., nhắc với nhà nọ để lui lại chờ thầy về đã”. Rồi thầy quay sang phàn nàn với mấy bà, mấy cô: “Thầy vất vả lắm các con ạ, đi cúng lễ liên tục, có được nghỉ ngơi gì đâu, đấy ban nãy người ta lại gọi”.
Trong lúc các bà, các cô ngồi chầu bên đàn lễ, thì cánh thanh niên, con trai hì hục chuẩn bị máy nổ, máy phát điện, xẻng, xà beng, dây tời, đòn khiêng, đinh móc chữ u. Lại mang thêm dầu cao, dầu hỏa, khẩu trang để che mũi, miệng.
Ông trưởng họ hô hào anh em, con cháu chuẩn bị đèn điện, dụng cụ. Chia làm hai nhóm, một nhóm hơn 10 người tiến hành đào mộ anh ông K. Mộ này ở ngay cạnh lán cúng. Nhóm thứ hai, đi vào khu rừng có mộ bà bác cách đó khoảng 200 mét. Đám con cháu lầm lũi, im lặng, hồi hộp, khẽ khàng hất từng xẻng đất từ mộ người thân mà chính họ cách đây chưa đầy 1 năm cũng tại nơi này đã ngậm ngùi, thương tiếc đắp lên từng nắm đất. Khi nắp quan tài lộ ra, người ta đưa xuống cho người đứng dưới mộ hai cái đinh chữ u. Tiếng búa đóng vào nắp quan tài vang lên bụp, bụp nhát gừng. Dây chão luồn xuống đinh chữ u, hai cái đòn khiêng xỏ vào dây. Đèn đuốc sáng trưng, mùi dầu gió, mùi nước hoa nồng nặc, ai đó đốt thêm cái lốp xe, khét lẹt. Mấy người bảo rằng phải có những thứ đó mới đuổi được cái mùi tử khí khó chịu.
Theo hiệu lệnh vẫy tay, nắp quan tài từ từ được đưa lên khỏi huyệt mộ. Bên trong quan tài, xác người chét xẹp lép, thẳng đuỗn, xám xịt trong lớp vải niệm. Ông thầy đến bên lỗ huyệt, tay huơ huơ thẻ hương, miệng lẩm bẩm vài tiếng gì đó chẳng ai nghe rõ. Ông ta thả xuống huyệt mộ thứ yểm bùa, mọi người chỉ biết vậy, không tiện hỏi vật đó là gì. Sau đó thầy ra hiệu: Được rồi! Mọi người lại từ từ thả cái nắp quan tài về chỗ cũ, đất lại được vùi trở lại, lấp đầy.
Sau một đêm những ngôi mộ bị một số người khai quật, diệt con Ma trùng thì người nhà lại ra bảo vệ, xây cất lại mộ phần cho người khuất là chuyện thường xảy ra
“Cái xác nằm dưới mộ “đã được chữa trùng”. Thần trùng đã bị thầy đuổi đi rồi! Thôi mồ yên mả đẹp anh nhé!” - Có tiếng ai đó nghẹn ngào, khe khẽ vang lên trong đêm.
Sau đó thầy đi tới chỗ nhóm đào ngôi mộ bà bác để yểm. Hai ngôi mộ đã được thầy ra tay “làm phúc”. Thầy lại cất lời khấn véo von trong đêm. Buổi chữa trùng kết thúc.
“Trị ma trùng” chỉ là trò mê tín dị đoan
Người nhà giúp thầy thu dọn thủ, đùi, mông lợn cho vào một cái bao tải to. Toàn bộ cơm canh, thịt rượu trên các mâm cúng, chất vào hai cái bao tải nữa. Số tiền mặt được ông trưởng họ ân cần trao tận tay thầy, kèm theo lời cảm ơn. Ba thanh niên đi trên ba xe máy chở ba bao tải lễ vật mà thầy được hưởng. Họ sẽ tháp tùng thầy, vượt 60 cây số, đưa thầy trở về quê hương bản quán, tại xóm Khướng, xã Bình Hẻm (Lạc Sơn).
Một thanh niên ở mướng Vó kể, năm trước cậu đã từng được người ta nhờ tham gia đào mả để một thầy tên Đ. chữa trùng. Khi mở nắp quan tài, mùi bốc lên khét lẹt, không tài nào chịu nổi. Quần áo mặc, khi công việc xong chỉ còn cách vứt đi, vì mùi đó bám vào rất khó ngửi. Nếu gia đình nào không có lực lượng để đào bới, thầy sẽ có ngay công nhân đem theo làm việc chu đáo. Khi đó thầy lấy thêm 300 ngàn thành 3 triệu, còn bình thường thấy chỉ lấy 2 triệu 7 trăm ngàn trên một mộ.
Năm trước, nhà ông L. ở xã Định Cư trong một đêm quật năm ngôi mộ, ông thầy người cùng xã thu hơn chục triệu. Có gia đình một đêm lật lên ba mộ, có cái chôn đã hơn hai chục năm thầy vẫn bảo phải đào lên để thầy tra thuốc. Thầy phán, gia đình nào có trùng không chữa, không đủ phép, ma trùng vẫn chưa chịu buông tha. Hồn người chết vẫn quay trở về quấy phá, đòi hỏi người thân, gây đau ốm rồi có người bị ma trùng đến bắt đi. Nghe thầy phán: “Trùng”, thì thôi rồi! Hoàn cảnh gia đình có khó khăn mấy cũng phải lo vay mượn làm cho xong.
Người chết bị đào xới mồ mả, xáo trộn, người sống đâm ra lo lắng nên sinh bệnh, ốm đau. Ông thầy làm xong ôm tiền chạy biến. Người ta sợ trùng, thầy nói sao nghe vậy, bảo sao làm vậy, ai dám cãi thầy. Có trường hợp mộ người chết bị đào xới lên không phải chỉ một lần mà xong. Có nhiều gia đình tán gia bại sản khi thầy phán hai chữ “ma trùng”.
Câu chuyện “ma trùng” nên phải đào mộ người chết cứu người sống đang ám ảnh trong đời sống một bộ phận dân cư ở huyện Lạc Sơn, nơi cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 100 km. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết triệt để hiện tượng mê tín dị đoan này, để cho người dân được sống, lao động, học tập trong môi trường an lành và hạnh phúc.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%