PVN lập lờ "sai phạm đem lại... lợi ích"
Thứ ba, 10/04/2012 07:56

Cuộc họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh quý I của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã biến thành cuộc "giải trình" về sai phạm trong quản lý mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận...

Rất buồn vì bị coi là "Vinashin thứ hai"...

Ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN là người đã trả lời phần lớn các câu hỏi của báo chí liên quan đến sai phạm tại PVN. Thay vì trả lời ngay các câu hỏi, ông Thực đã nêu lên hàng loạt các "ưu điểm" của PVN.

Khai thác dầu tại giàn khoan Đại Hùng 02 của Tập đoàn Dầu khí VN.

Theo ông Thực, PVN hiện đang ở giai đoạn phát triển mạnh nhất, kinh doanh hiệu quả nhất và thực hiện nhiều dự án đầu tư thành công nhất ở nước ngoài. Năm 2011 dù rất khó khăn nhưng PVN đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nộp ngân sách 160.000 tỷ đồng, vượt hàng chục tỷ đồng.

3 tháng đầu năm 2012, PVN tiếp tục nộp ngân sách trên 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, khai thác được tới 1,1 triệu tấn dầu từ nước ngoài, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PVN cũng được đánh giá đảm bảo tốt an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia... Tất cả đã được Chính phủ đánh giá cao và tạo nên thương hiệu PVN.

"Tuy nhiên, từ những thông tin về các sai phạm của PVN trên báo, mạng, kể cả blog, uy tín của chúng tôi đã xuống thấp và rất xấu" - ông Thực nói. "Do hiểu không đúng, người dân băn khoăn lo lắng", và ông Thực cho biết: "Có người còn gọi điện cho lãnh đạo tập đoàn hỏi sai phạm có đúng không”. Rồi những bình luận không hay đã tràn lan trên mạng, coi PVN là "Vinashin thứ hai"...

"Chúng tôi rất buồn vì những việc như vậy. Rồi tới đây ai, tập đoàn nào sẽ hợp tác về dầu khí cả trong và ngoài nước với PVN nữa. Thương hiệu PVN rất xấu do dư luận không hiểu hết, hiểu không đúng. Chúng tôi không mong báo chí "tô hồng" cho PVN nhưng báo chí cần đánh giá khách quan, đúng và đó là mong muốn của chúng tôi" - ông Thực nhấn mạnh.

Sai phạm đem lại... lợi ích?

Dù vậy, ông Thực cũng nói rằng: "Chúng tôi đồng ý với những kiến nghị của Thanh tra về các khuyết điểm". Báo cáo về các kết quả xử lý, ông Thực cho biết, việc thu hồi 1.992 tỷ đồng từ cổ phần hóa một số đơn vị thành viên PVN chưa nộp về quỹ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước có lý do là tới 99,43% (1.911 tỷ đồng) do Tổng Công ty Khí (PV Gas-thuộc PVN) nợ chưa trả thời điểm thanh tra (nguyên nhân là do ngành điện nợ PV Gas nên PV Gas lại nợ PVN). Nay điện lực đã trả tiền nên PV Gas đã trả được cho PVN 1.911 tỷ đồng, xin nợ tiền lãi nhưng PVN đã yêu cầu đơn vị này phải trả lãi ngay thời gian tới; như vậy "việc này coi như đã giải quyết xong" - ông Thực nói.

Về việc PVN sử dụng 15.601 tỷ đồng vốn không thuộc dự án dầu khí, ông Thực giải thích: Thời điểm thanh tra, Chính phủ chưa ban hành tiêu chí chương trình trọng điểm khí để sử dụng nguồn vốn này, nên PVN chưa biết sử dụng thế nào. Ngày 14/10/2011 Chính phủ ban hành tiêu chí thì PVN hiểu được chương trình nào mới được sử dụng vốn này và đã xử lý đúng mục đích số tiền nêu trên, đến thời điểm này đã không còn tồn tại vướng mắc về vấn đề này nữa.

Về 11 tỷ đồng từ quỹ nghiên cứu khoa học đào tạo PVN sử dụng xây trường học Đất Mũi, theo ý kiến thanh tra là chưa sử dụng đúng nguồn vốn nên PVN đã chuyển số tiền này sang nguồn vốn thuộc an sinh xã hội, cũng là đã giải quyết xong - ông Thực cho hay.

Riêng việc ứng vốn cho một số địa phương như Quảng Bình, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Hậu Giang xây dựng các công trình ngoài hàng rào dự án, PVN đã công nhận là có sai phạm. Tuy nhiên, ông Thực lại cho rằng: "Sai phạm này đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và địa phương".

Lẽ ra các công trình ngoài hàng rào thì địa phương phải lo vốn triển khai, song PVN lại ứng vốn cho các địa phương trên đầu tư. Lý lẽ của PVN là vì người dân phải hy sinh di dời nơi ở cho PVN đầu tư dự án thì PVN nên tạo điều kiện giúp đỡ cho địa phương, người dân di dời tốt nhất.

Né trách nhiệm của ông Đinh La Thăng

Câu hỏi được báo chí "xoáy" nhiều nhất là PVN đã kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến các sai phạm như thế nào; và trách nhiệm của ông Đinh La Thăng (hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải) khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN như thế nào, ông Thực chỉ nói: "Về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, chúng tôi luôn cầu thị, trung thực, khách quan. Sau khi có ý kiến của Chính phủ về kết luận của thanh tra, lãnh đạo PVN đã ban hành hàng loạt các văn bản liên quan, phân công, rà soát các cá nhân, đơn vị liên quan đến các kiến nghị của thanh tra để làm rõ.

Chúng tôi đã cơ bản xử lý xong những vấn đề kết luận của thanh tra như đã nêu trên (9 mục). Việc kiểm điểm còn tiếp tục triển khai và chúng tôi hứa sẽ báo cáo lên Chính phủ đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại kết luận thanh tra".

Sai phạm trong đầu tư ngoài ngành, lãnh đạo PVN cho rằng, PVN đã thấy lợi nhuận thấp của đầu tư ngoài ngành từ năm 2009 khi thị trường khó khăn, chứ không phải thất thoát vốn nên đã điều chỉnh từ năm 2009 và gần đây nhất, tập đoàn này đã xây dựng đề án tái cấu trúc, xác định 5 lĩnh vực chính, còn đầu tư khác sẽ thoái vốn từ nay đến 2015...

Và mặc dù báo chí tiếp tục hỏi "gắt gao" về việc ông Đinh La Thăng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trong các sai phạm này, ông Thực vẫn nói: "Đến 9/4 mới là 20 ngày làm việc kể từ khi có ý kiến của Chính phủ về kết luận thanh tra về PVN nên chúng tôi cần có thêm thời gian để kiểm điểm cá nhân sai phạm".

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh rằng: "Tôi không có ý bênh vực cho PVN nhưng báo chí cần khách quan, công bằng với những khuyết điểm của PVN. Đồng chí Đinh La Thăng từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, nếu ông ấy có khuyết điểm cũng sẽ không ai bỏ qua".

Ông Kỷ cũng đề nghị lãnh đạo tập đoàn này: "Cần rút kinh nghiệm nghiêm túc về các khuyết điểm và cần thông tin đúng, minh bạch cho báo chí trong các hoạt động nói chung của ngành".

Dân Việt
Tag: Sai phạm tại tập đoàn Dầu khí , PetroVietnam , Tập đoàn Dầu khí , PVN , Thất thoát tài sản