Phụ huynh xấu hổ vì quảng cáo truyền hình khiếm nhã
Thứ sáu, 17/02/2012 09:13

Đang thưởng thức chương trình hấp dẫn, không ít khán giả của màn ảnh nhỏ bỗng phẫn nộ vì những màn quảng cáo phản cảm "cưỡng bức" giữa chừng. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh chỉ còn biết tắt vội ti vi bởi quá nhiều hình ảnh "nhạy cảm"...

Que thử thai thời... "công khai"

Một sản phẩm thời gian gần đây đang trở thành tâm điểm khiến dư luận bức xúc là que thử thai Chip - Chips được quảng cáo rộng rãi trên nhiều chương trình phát sóng của VTV. Xét trên phương diện quảng cáo, các nhà sản xuất cũng đáng “vỗ ngực” với "hiệu ứng" thành công ngoài mong đợi về mặt truyền thông của sản phẩm này.

Nhưng đáng buồn, sức lan tỏa của truyền thông lại quên mất một lượng khán thính giả nhỏ tuổi chiếm tỷ lệ lớn hiện diện trước màn ảnh nhỏ. Vậy nên, từ trong nhà ra đến ngõ, hai từ "Chip - Chips" được giới trẻ sử dụng như một thứ “văn hóa cộng đồng”, khiến người lớn phải đỏ mặt và lo ngại.


Ảnh minh họa

Có con nhỏ thường xuyên theo dõi quảng cáo trên truyền hình, chị T.T.H, sống ở Hoàng Mai, Hà Nội tỏ ra lo lắng về những clip quảng cáo hiện nay, đặc biệt là clip về sản phẩm que thử thai Chip - Chips. Sau khi xem chương trình này, con gái 8 tuổi của chị luôn đặt ra câu hỏi: "Có thai thì sao lại vui mừng? phải làm gì để có thai?...". Trong khi chị chưa biết trả lời con ra sao, thì hết chương trình này đến chương trình khác trên VTV, những lời giới thiệu đại loại như: "Bạn bị chậm mấy ngày, vui mừng hay lo sợ, muốn biết mình đã có thai. Đã có que thử thai Chip - Chips... Que phát hiện thai sớm, nhanh chóng, chính xác" ngày càng xuất hiện ồ ạt.

Bức xúc không kém, chị Thu Bình, (Đống Đa, Hà Nội) còn kể lại một cảnh tượng giật mình của "hiệu ứng Chip - Chips" mà chị tận mắt chứng kiến, khi nhóm nam thanh niên cấp II đang vây quanh một bạn gái đồng thanh đọc hai từ "Chip - Chips" khiến cô bé chỉ còn biết ôm mặt khóc nức nở. Thậm chí, chính cậu con trai 5 tuổi nhà chị lúc nào cũng hét toáng lên gọi bố mẹ ra xem "Chip - Chips có con gà con ngộ nghĩnh mà lại... an toàn". Chưa dừng lại, sau khi xem nhiều chương trình quảng cáo khác, cậu bé tròn mắt hỏi bố mẹ: "Một người khỏe sao hai người lại vui ạ, phải cả nhà vui chứ?", "Em tắm thì anh yêu, con tắm thì ai yêu vì con chỉ có chị gái?",...

Tình cờ trong một bữa cơm tối, chị Phương Nga  (Ba Đình, Hà Nội) thấy cậu con trai 4 tuổi, lấy băng dính dán vào răng, bóc ra rồi lấy lưỡi liếm đi liếm lại hàm răng. Thấy lạ, chị gặng hỏi mới hay cháu bắt chước quảng cáo kẹo cao su làm trắng răng.

"Cháu nói trong quảng cáo, cô diễn viên làm vậy để kiểm tra xem răng miệng đã sạch chưa nên cháu học theo. Mình cũng không hiểu sao, những clip lại dùng hình ảnh bất lịch sự đến vậy cho quảng cáo của mình", chị Nga băn khoăn. Sau một hồi giải thích cặn kẽ, cậu con trai  mới chịu từ bỏ cách “kiểm chứng” rất mất vệ sinh đó.

Bỏ tiền mua cả quảng cáo... "bẩn"

Không chỉ dừng lại ở những mặt hàng đơn thuần, thời gian gần đây, trên sóng truyền hình xuất hiện hàng loạt hình ảnh quảng cáo các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ, phục hồi sinh lực nam, chống mãn dục, phục hồi tuổi xuân như: Tố nữ Nhất Nhất, Khang dược, sâm Alipas phục hồi sinh lực phái mạnh, rồi hàng loạt loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, sữa tắm... Không chỉ là lời quảng cáo đơn thuần, những hình ảnh quảng cáo một cách quá trực diện, cảnh phòng the, giường chiếu, chỉ có thiếu một chút là có thể tạm gọi là cảnh "nóng" khiến người lớn còn ngượng đỏ cả mặt, nhất là khi con cái cũng đang có mặt cùng... "chiêm ngưỡng".

Nhiều độc giả còn phẫn nộ khi cho rằng, thực tế đến 90% người dân sống ở đô thị hiện nay phải bỏ tiền mua truyền hình cáp hoặc sóng vệ tinh, nhưng cái họ nhận được là những kênh truyền hình đầy rẫy những quảng cáo.

Anh T.V.L, (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: "Một điều hết sức phi lý, trong khi các đài truyền hình đã được nhà nước bao cấp, phần khác thì người dân phải mua truyền hình cáp, kỹ thuật số thì không có hà cớ gì bắt người dân phải xem những kênh có quảng cáo đan xen dày đặc, không khác gì các kênh bẩn mà trước đây chúng ta vẫn phải chịu khi chưa mất tiền mua sóng của nước ngoài khi xem những trận bóng nổi tiếng".

Nhiều cư dân cộng đồng mạng gần đây cũng không giấu nổi sự bức xúc với hình thức quảng cáo gây phản cảm trên truyền hình hiện nay. Nick name có tên hung _congngheso, thẳng thắn trên một Forum (diễn đàn - PV): "Các nhà đài dường như đang tự ban cho mình cái quyền được: Ban phát. Tức là áp đặt người xem mà không quan tâm đến việc người xem cần gì, có thấy phù hợp hay không. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng người dân. Thậm chí nó còn thể hiện cái gu của những người làm truyền hình của ta đã lạc hậu, khi mà cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Rất cần một cái nhìn thực tế cho sự cải cách này".

Anh Đặng Hải Ngọc, một copywriter (người viết ý tưởng quảng cáo - PV) cho rằng: Cái khó nhất của một kịch bản quảng cáo là phải làm sao để nó phù hợp với thuần phong mỹ tục, không gây phản cảm. Không cần phải mất thời gian, khán giả chỉ cần xem qua một lần là biết ngay đâu là quảng cáo bài bản, chất lượng. Còn những loại quảng cáo làm theo kiểu chộp giật thì lên sóng là bị phản ứng ngay. Tuy nhiên, cũng có đơn vị, người ta biết nó phản cảm, phản văn hóa, nhưng họ vẫn làm vì động cơ mục đích tạo dựng hình ảnh nhanh mà không cần tính đến chiến lược truyền thông.

Không nên quá vì lợi nhuận

"Nếu muốn chỉnh đốn lại, rất cần phải có hội đồng thẩm định nội dung quảng cáo trước khi cho phép quảng cáo phát sóng, mà hội đồng thẩm định đó cũng cần phải có những nhà khoa học, những chuyên gia liên quan đến nội dung và những nhà cho thuê quảng cáo, anh không vì lợi nhuận mà nhận phổ biến những quảng cáo có thể gây hại", anh Đặng Hải Ngọc, người viết ý tưởng quảng cáo nói.

Báo Nguoiduatin.vn
Tag: Quảng cáo , Quảng cáo truyền hình , Phụ huynh