Phóng viên xô đẩy cụ già để chụp ảnh trong lễ tang Đại tướng?
Thứ ba, 15/10/2013 15:42

Sau lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cư dân mạng liên tục truyền cho nhau loạt hình ảnh với tựa đề 'đằng sau bức ảnh đẹp'.

Phóng viên ảnh đẩy cụ già?

Phóng viên ảnh đẩy cụ già?

Những bức ảnh được cho là một phóng viên ảnh nổi tiếng xô đẩy một cụ già tóc bạc để có khuôn hình đẹp.

Bức ảnh gây tranh cãi này là một trong số những bức ảnh được đánh giá là đẹp, nổi bật và xúc động nhất trong lễ tang Đại tướng. Hình ảnh một người đàn ông đứng tuổi bật khóc nức nở và cúi lạy trước đoàn xe chở Đại tướng đang ngày một đi xa.

Bức ảnh này được nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Na Sơn chụp tại đường Kim Mã, Hà Nội vào sáng 13.10 khi linh xa chở linh cữu Đại tướng di chuyển qua các con phố Hà Nội, trước khi ra sân bay Nội Bài về quê hương Quảng Bình.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp cảnh một người đàn ông đứng tuổi quỳ lạy, bật khóc khi đoàn xe chở linh cữu đi qua.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một thành viên mạng, để có được bức ảnh đẹp này, Na Sơn đã tự cho mình quyền được xô đẩy một cụ già khỏi khung hình. Ngoài ra, thành viên mạng này cũng đưa ra một loạt hình ảnh để chứng minh cho hành động được đánh giá là có phần “hỗn xược” này của Na Sơn với những người cao tuổi.

Một thành viên mạng đăng tải 2 ảnh "hậu trường" ghi lại cảnh phóng viên Na Sơn xô đẩy cụ già để có được khung hình đẹp.

Thành viên mạng xin giấu tên này viết: "Tôi muốn kể câu chuyện này, về một phóng viên ảnh làng báo, sau lễ tang Đại tướng... Mời mọi người xem ảnh, tấm đầu tiên là kiệt tác của anh này trên AP và tấm thứ 2 là bằng chứng cho việc anh ta đã tự cho mình cái quyền chửi rủa người dân và tự tay xô đẩy một bác già chỉ vì sợ dính vào khung hình của anh ta".

Hai bức ảnh được cho là phóng viên ảnh Na Sơn đã xô đẩy cụ già.

Bức ảnh đẹp của Na Sơn cùng hàng loạt các bức ảnh “hậu trường” được đưa ra đã gây nên một cuộc tranh luận lớn trên diễn đàn mạng. Nhiều người đưa ra những lời chỉ trích gay gắt với hành động này của Na Sơn.

Thành viên Văn Trần chia sẻ: “Tôi hiểu tâm trạng của Na Sơn và hoàn toàn thông cảm với tình huống khi thực hiện hành động đó để có thể tác nghiệp. Tuy nhiên vẫn không thể chấp nhận được cái thái độ và cách kéo đẩy với câu nói ấy của anh dành cho một người đáng tuổi cha chú.

Bác ấy cũng muốn có một tấm ảnh chân thực đó. Bác ấy cũng có quyền chụp chứ... Tại sao không nói để bác ấy hiểu và tránh ra. Đó cũng là cái kiểu cách làm việc và thái độ luôn coi công việc của mình quan trọng hơn việc của người khác mà nhiều nhà báo mắc phải. Tôi thấy không mấy thiện cảm với cách nghĩ, cách hành động như trong tình huống tương tự thế này của một vài đồng nghiệp”.

Đồng quan điểm trên, thành viên Màu Quê Hương cho biết: “Dù là phóng viên cũng không thể có 'quyền' đuổi người khác. Anh có thể 'xin lỗi', nói rõ mục đích của mình để tác nghiệp nhưng anh không thể đuổi. Làm việc cũng phải ở mức quyền hạn của mình”.

Phóng viên ảnh Na Sơn đưa ra một loạt các hình ảnh để chứng minh cho hành động của mình.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bênh vực, tỏ ý thông cảm cho hành động của phóng viên ảnh Na Sơn. Bạn Thu Hà viết: “Trong những khoảnh khắc ấy, thời gian chỉ tính bằng giây thôi để có được khung hình đẹp. Có thể Na Sơn muốn tranh thủ thời khắc ấy để chụp ảnh nên mới làm như vậy. Ai đi chụp ảnh hiện trường cũng sẽ có lúc gặp phải tình huống này. Chuyện cũng bình thường thôi mà”.

Anh Mai Chí Trung, sau khi xem xét cẩn thận bức ảnh gây tranh cãi và một loạt những “bằng chứng” do các thành viên khác đưa ra đã nhận xét: “Em nhìn ảnh của anh Na Sơn thì bức cuối cùng 0420 thể hiện một bác già tóc bạc mặc áo sơ mi trắng cộc tay đang cầm máy ảnh du lịch chụp từ phía bên kia lại. Bác ấy cũng không biết ý tránh khung hình cho các nhiếp ảnh gia khác làm việc thể hiện sự không chuyên. Chỉ là tranh chấp nhỏ về vị trí và góc chụp giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên thôi”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Na Sơn cho biết: “Sau khi đã nhắc bác ấy nhiều lần thì tôi đã ra kéo bác vào bảo ‘bác chỗ ở đây cơ, sao cứ nhảy ra chỗ đây làm bọn tôi không làm được’. Mọi chuyện chỉ có thế thôi…”

Nhiếp ảnh gia này cũng cho biết thêm, trước khi kéo người đàn ông áo trắng bước vào hàng sau vạch vôi trắng theo quy định của cảnh sát giao thông trên đường Kim Mã, anh đã ra nhắc bác khoảng 10 lần. "Tất nhiên tôi phải tôn trọng công việc của mình hơn chuyện khác nếu nó không vượt qua những thứ đạo đức nghề nghiệp quy định", Na Sơn nói.

Na Sơn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện tại, anh đang là cộng tác viên ảnh của Hãng thông tấn AP tại Việt Nam.

Tri Thức

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Phóng viên ảnh đẩy cụ già , Phóng viên xô đẩy cụ già , Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Đại tướng võ Nguyên Giáp qua đời , Quốc tang , Na Sơn