Thu phí ô tô vào nội thành - một đề án giao thông từng là tâm điểm dư luận trong 2 năm qua, đến nay đã gần như ‘chết’ lâm sàng trên các diễn đàn phản biện. Số phận của những “vành đai đỏ” ấy đi đâu, về đâu?
|
40% lượng ô tô vào khu vực trung tâm được cho là con số giảm mạnh nếu áp dụng vành đai thu phí tự động. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là con số…“trên giấy” của đơn vị nghiên cứu vì việc áp dụng giải pháp này vào đầu năm 2012 đã xem như “phá sản”.
Sức “nóng” của đề án thu phí…
Trong những năm qua, để giải quyết vấn nạn ùn tắc, TP. HCM đã chủ trương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thay đổi bộ mặt giao thông theo hướng tích cực. Cuối năm 2010, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm thành phố và giao cho công ty này nghiên cứu tính khả thi của dự án.
Tháng 09/ 2011, Sở giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị UBND.TP. HCM cho phép triển khai thử nghiệm dự án. Theo đó, ITD sẽ xây dựng 36 cổng thu phí tự động xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1 và quận 3, các vùng giáp ranh với quận 5, 10 gồm: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường CMT8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Các cổng này sẽ được lắp đặt các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị mua sắm là hơn 1.000 tỷ đồng. Đề án làm theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), thời gian để chủ đầu tư thu hồi vốn là 10 năm.
Mức phí đề xuất được đưa ra theo hai khung giờ. Giờ thấp điểm là 30.000 đồng (ôtô con, taxi) và 50.000 đồng (xe khách, xe tải). Trong giờ cao điểm, mức phí này tăng lên tương ứng là 40.000 và 70.000 đồng. Thời gian thu phí là 6h-20h hàng ngày (trừ ngày lễ, thứ 7 và CN). Xe buýt và xe công cộng không bị thu phí.
Tuy nhiên, dự án này gặp hàng loạt phản biện có cơ sở của nhiều đại diện các ban ngành chức năng. Ông Bùi Xuân Cường- Phó giám đốc Sở GTVT cho rằng, hiện nay chiếu theo pháp lệnh Phí và lệ phí thì việc triển khai đề án này là chưa thể. Thành phố cần kiến nghị bổ sung pháp lệnh Phí và lệ phí thì mới có thể thực hiện đề án này.
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM nói: “Việc ITD lấy bài học từ các nước đã thực hiện thành công vành đai thu phí tự động như: Singapore, Stockhom, London so sánh là chưa hợp lý vì giữa TP. HCM và những quốc gia này không có mẫu số chung do có quá nhiều khác biệt về đặc điểm quy hoạch đô thị, sự phát triển của phương tiện vận tải hành khách công cộng”.
… và nhanh chóng nguội!
Sau khi Sở giao thông đã gửi văn bản sang Uỷ ban Mặt trận tổ quốc thành phố, Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật theo chỉ đạo của UBND.TP nhằm tổ chức các buổi phản biện lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên sau khi công văn gửi qua, cho đến nay vẫn không có phản hồi trở lại.
Dự kiến triển khai thu phí ô tô vào trung tâm TP. HCM trong năm 2012 được cho là đã “phá sản”.
Trong cuộc họp gần nhất bàn về vấn đề thu phí ô tô nội thành, ông Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TP khẳng định, nếu triển khai đề án thành phố sẽ phải xây dựng thêm các bãi giữ xe ngoài trung tâm bởi nhiều người đi ôtô sẽ không vào nội đô thành phố.
Đại diện Sở tài chính cũng đưa ra 10 vấn đề phản biện dự án thu phí do ITD trình bày. Trong đó, một số vấn đề chủ yếu như: dự án này không tạo ra tài sản cố định mà chỉ tạo ra công cụ thu phí; đề án dùng chính tài sản, lực lượng công vụ của nhà nước để tiến hành thu phí; thu phí khiến giá cả tăng cao dẫn đến lạm phát; nguy cơ xảy ra ùn tắc ở vành đai ngoài…
Dự án thu phí ô tô nội thành cũng bị đại diện Viện phát triển kinh tế bác bỏ vì lý do: “Nếu sau khi thu phí, lượng ô tô giảm mà xe máy tăng 13%, khiến khu vực trung tâm ngập tràn xe máy, thành ra ô tô trả tiền phí để rồi đi chậm hơn”.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng: "Cần phải thăm dò dư luận, lấy ý kiến của người dân để đề án được hoàn chỉnh, mang tính khả thi hơn; phải chứng minh nó phù hợp với thực tiễn của thành phố. Chúng ta phải lấy vấn đề ùn tắc giao thông, tức là lấy hiệu quả kinh tế xã hội đặt lên hàng đầu chứ không phải câu chuyện ai đầu tư", ông Tín khẳng định.
Trả lời PV, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD nói: “Chúng tôi là đơn vị làm khoa học kỹ thuật nên thật ra việc chờ phản biện là điều bắt buộc. Cho đến nay, dự án không nhận được phản hồi của phía thành phố. Tuy nhiên, thành công hay thất bại không phải là tất cả mà những người làm nghiên cứu chỉ cần có một sự đánh giá cao”.
“Có cảm giác là không ai đồng cảm và không ai đánh giá cao những cố gắng của chúng tôi. Hiện nay, tất cả những hoạt động nghiên cứu đề án đã dừng lại, chúng tôi đã thanh toán tiền với đơn vị tư vấn”, ông Quân chia sẻ.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?