Phạt nặng vẫn khó cấm hút thuốc lá
Thứ năm, 12/12/2013 23:59

Mức phạt những vi phạm trong quảng cáo, tiếp thị, hút thuốc lá nơi công cộng tăng mạnh, từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng.

Một người đàn ông vô tư nhả khói ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

Một người đàn ông vô tư nhả khói ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

Các hành vi vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng, quảng cáo, tiếp thị thuốc lá... sẽ bị xử phạt rất nặng. Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về tính khả thi của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12 này.

Tiếp thị thuốc lá: Phạt 20-30 triệu đồng

Theo nghị định này, hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm, bỏ mẩu tàn thuốc không đúng nơi quy định bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng (trước đây, hành vi này chỉ bị phạt 50.000-100.000 đồng).

Ngoài ra, cơ quan chủ quản nơi không được hút thuốc lá sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá”, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc trong cơ sở của mình.

Đặc biệt, mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng nếu nơi quy định dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá… Người hút thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng.

Cũng theo nghị định này, việc khuyến khích, vận động người khác sử dụng thuốc lá bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng; còn hành vi ép buộc người khác sử dụng thuốc lá sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.

Đáng lưu ý, nếu vi phạm trên xảy ra trong lĩnh vực quảng cáo, mức phạt được nâng lên 40 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức quảng cáo phổ biến khác là sử dụng đội ngũ tiếp thị thuốc lá đến người mua tại các nhà hàng, quán ăn sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho biết thẩm quyền xử phạt các vi phạm này không chỉ riêng đội ngũ thanh tra y tế mà còn gồm cả chủ tịch UBND các cấp, quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, thanh tra tài chính.

Bên cạnh đó, công chức, viên chức trong điều kiện hoạt động của mình cũng có quyền lập biên bản các hành vi vi phạm, sau đó gửi lên cơ quan có thẩm quyền xử phạt để xử lý. “Trường hợp sai phạm xảy ra tại bệnh viện (BV), viên chức được giao nhiệm vụ ở đây sẽ lập biên bản rồi gửi cho UBND phường để ra quyết định xử phạt” - ông Quang nêu ví dụ.

Theo ông Quang, dù nghị định sắp có hiệu lực nhưng vấn đề trước hết không phải là chuyện “nhăm nhăm” xử phạt mà cần tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để mọi người hiểu về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.

Chấp nhận nộp phạt để hút thuốc!

Dù so với quy định cũ, mức tiền phạt các hành vi vi phạm hút thuốc lá cao gấp 4-5 lần nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại nó khó khả thi. Anh Đặng Văn Khôi, chạy xe ôm ở cổng BV K (Hà Nội), cho biết: “Tôi có nghe loáng thoáng quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng nhưng chẳng quan tâm bởi ngay dưới biển cấm hút thuốc lá của BV, nhiều người vẫn vô tư nhả khói mà có bị xử phạt gì đâu! Nếu có, cũng chỉ là vài lời nhắc nhở của những người nhà bệnh nhân hoặc bảo vệ BV”.

Đúng như anh Khôi nói, tại hầu hết BV, nhiều người đàn ông trong lúc đến khám bệnh hoặc chờ người thân vẫn thờ ơ với biển cấm, vô tư phì phèo thuốc lá. Lãnh đạo một số BV cho biết việc thực hiện cấm hút thuốc lá trong BV được thực hiện từ nhiều năm nay, các biển cấm cũng được treo ở ngay lối ra vào. BV còn tổ chức ký cam kết với các khoa, phòng nhưng xử phạt thế nào và số tiền phạt nộp về đâu thì chưa quy định rõ ràng.

“Ngay cả việc ký kết với nhân viên y tế đã khó. Nhiều bác sĩ nghiện thuốc lá nặng, không bỏ được. Thậm chí, họ chịu nộp phạt để xin được hút” - lãnh đạo một BV ở Hà Nội băn khoăn.

Trong khi đó, với thẩm quyền xử phạt được giao cho chủ tịch UBND các cấp, không ít lãnh đạo phường cho là khó thực hiện. Chủ tịch UBND một phường thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho rằng cần phải có thời gian tuyên truyền để người dân nhận thức chứ không thể nói phạt là phạt ngay.

“Kể cả khi quy định có mở rộng thẩm quyền xử phạt cho quản lý thị trường, cơ quan thuế, thanh tra tài chính… thay vì chỉ đội ngũ thanh tra y tế, công an như trước thì cũng phạt không xuể. Có khi bản thân người đi xử phạt hay lãnh đạo cơ quan cũng nghiện thuốc lá thì phạt người dân, đồng nghiệp thế nào?” - vị lãnh đạo phường này đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), thừa nhận bến xe cũng là một trong những điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Thế nhưng, việc xử lý hành vi vi phạm về hút thuốc lá nhiều năm qua vẫn không thực hiện được.

“Biển cấm thì không thiếu nhưng việc xử phạt người hút thuốc thì không thể vì nhiều đơn vị không có thẩm quyền. Để xử phạt một hành vi vi phạm, điều cần thiết là phải bắt quả tang và có bằng chứng. Thế nhưng, người ta chỉ hút 1-2 phút là xong một điếu thuốc, thậm chí chỉ châm lửa hút 1-2 hơi rồi bỏ hoặc khi thấy có thể bị phạt, họ vứt luôn đầu mẩu thuốc lá đó... nên sẽ rất khó khăn trong việc xử lý ” - ông Thành lo ngại.

Từ khi quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng có hiệu lực - ngày 1/1/2010 - đến nay, chỉ hơn 10 người bị xử phạt!

Mỗi năm, 40.000 người chết vì thuốc lá

Tỉ lệ dân số Việt Nam hút thuốc lá rất cao, gần 50% nam giới, kéo theo một loạt tác hại xấu đến sức khỏe của các đối tượng hít khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá chiếm đến trên 30% trong tổng số nguyên nhân gây ra các loại ung thư ở người.

Tại Việt Nam, có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

 

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Cấm hút thuốc lá , Cấm thuốc lá , Ung thư phổi , Công cộng , Ô nhiễm môi trường