Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam đã khẳng định rằng thể thao Việt Nam (TTVN) đang đi đúng hướng với mục tiêu lấy Asian Games và Olympic làm cái đích hướng tới.
|
Năm ngoái, bất chấp việc TTVN không có được thành tích như mong muốn tại Asian Games 2010, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic VN, vẫn khẳng định rằng TTVN đang đi đúng hướng với mục tiêu lấy Asian Games và Olympic làm cái đích hướng tới. Sau một năm nhìn lại, với thành tích nổi bật của TTVN tại SEA Games 26, đặc biệt là ở nhóm môn Olympic, và việc đã có 5 VĐV VN giành vé tới Olympic London 2012, có thể thấy phát biểu năm 2011 của ông Hoàng Vĩnh Giang có ý nghĩa như một lời tiên đoán cực kỳ chính xác.
- Thưa ông, còn nhớ là hồi đầu năm 2011, ông vẫn đánh giá TTVN đang đi đúng hướng, dù rất nhiều người có dự báo tiêu cực về năm 2011 sau Asian Games 2010. Trên cơ sở nào mà ông đưa ra quan điểm ấy và sau một năm nhìn lại, ông có nghĩ là mình đã đúng?
Những cái đánh giá từ trước như bạn vừa nói cũng chỉ là một phần, cũng không phải là tôi giỏi giang gì, chỉ do là tôi công tác nhiều, kinh nghiệm nhiều và là người trực tiếp tiếp xúc với các nước, các trình độ TDTT, thành tích của nhiều LĐ mà tôi có dịp va chạm nên tôi có thể khẳng định được một cách tương đối sát.
Ví dụ như ở SEA Games vừa qua, tôi là người đại diện cho VN tại LĐ thể thao Đông Nam Á, có trách nhiệm bàn bạc với các nước trong đó có nước chủ nhà để chính thức lựa chọn những môn trong chương trình thi đấu của SEA Games. Trong dịp này VN cũng tranh thủ đưa vovinam vào chương trình. Do từ lâu tôi đã có mối quan hệ tương đối tốt với nước chủ nhà nên hai môn vovinam và bi sắt đã được lựa chọn bổ sung vào chương trình thi đấu SEA Games từ danh sách 9 môn mà các nước yêu cầu bổ sung.
Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, con đường mà thể thao VN đang đi là hoàn toàn chuẩn xác và đúng hướng. Ảnh: VSI
Sau đó, tôi đã cùng trưởng ban chuyên môn của đại hội tham khảo, dự báo thành tích của các nước ở các môn mới toanh thậm chí Việt Nam không tham gia nên đã biết được dự kiến của nước chủ nhà. Vì vậy, tôi đã có thể dự báo thành tích của các đoàn thể thao ở SEA Games vừa qua tương đối chính xác, mà độ sai lệch chỉ vài huy chương mà thôi.
Chẳng hạn tôi dự báo Indonesia là sẽ đạt 180 huy chương thì họ đạt 182 huy chương, dự báo Thái Lan đạt 107 huy chương thì họ đạt 109 huy chương, dự kiến Việt Nam đạt từ 80 tới 100, lấy số trung bình kém là 85 huy chương thì Việt Nam đã vượt mức huy chương thì Việt Nam đạt 96 huy chương, có được như thế là do sự nổi trội của môn đấu kiếm, TDDC, Vật,… Rất đáng khen! Malaysia tôi dự báo khoảng 60 huy chương thôi thì họ đạt 59 huy chương, còn Singapore dự kiến đạt là 42-47 huy chương thì họ đạt 43 huy chương.
- Đặt trong tương quan so sánh thì ông có cái nhìn như thế nào giữa thành công của TTVN ở SEA Games 26 với thất bại tại Asian Games 16?
Xin khẳng định lại là thất bại chỉ là khái niệm có ý nghĩa tương đối mà thôi. Vàng thì có vàng mười, có vàng mỹ ký. Chẳng hạn như chúng ta không đánh giá HCV karate Asian Games năm 2010 của Lê Bích Phương là vàng mỹ ký, bởi nó rất quý, bởi nó là HCV, nhưng HCV ấy ở thời điểm đó không hơn HCB của Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng là bao nhiêu. Mặc dù một HCV có thể bằng một tỷ HCB, nhưng với TTVN trong sự vươn lên ở đấu trường Asian Games, đấu trường Olympic thì HCB ở những môn thể thao Olympic là rất kinh khủng.
Ở những kỳ Asian Games trước đây chúng ta chỉ có khoảng 3 môn Olympic là có huy chương, nhưng ở Asian Games 2010 thì chúng ta có đến 5 môn Olympic có hơn một chục huy chương bạc và đồng, trong đó có bắn sung mất một cách đáng tiếc 2 HCV và 1 HCV đã cầm vào tay còn bị tước mất của Hoài Thu (Taekwondo).
Còn một số trường hợp khác thì vào tới chung kết rồi mà thắng thua thì chỉ là cái phất tay của trọng tài thôi nên đó cũng là điều đáng tiếc. Nhưng ở SEA Games 26 vừa qua thì TTVN lấy được rất nhiều HCV ở các môn Olympic, chẳng hạn như điền kinh, và đặc biệt là TDDC. TDDC từ lâu đã mạnh ở nội dung của nữ, nhưng các nội dung của nam thì giờ bắt đầu đạt độ chín. Những VĐV này đã có hàng chục năm được huấn luyện rất cơ bản tại Quảng Tây (Trung Quốc), giờ khi về VN vẫn được các chuyên gia Trung Quốc dìu dắt.
Một số nội dung khác như taekwondo thì dù thi đấu không thành công lắm ở SEA Games 26 nhưng vẫn có 2 VĐV vượt qua vòng loại Olympic London 2012, đấy là điều mà TTVN không mong chờ gì hơn. Riêng vật, bắn súng, boxing, đấu kiếm, rowing, canoeing, judo thì tôi đều đánh giá là thành công, mà đây đều là các môn thể thao Olympic.
- Nhân đây ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho Olympic London 2012 của TTVN?
Nói về chuyện chuẩn bị tham dự Olympic London 2012 thì chúng ta cũng phải nói tới một số gương mặt, một số tên tuổi. Chẳng hạn như việc chúng ta tham dự các vòng loại, đến giờ phút này chúng ta có 5 VĐV vượt qua vòng loại là Tiến Minh, Huỳnh Châu, Diệu Linh, Hà Thanh, Ngọc Tú (Hoàng Quý Phước tuy đã vượt xa chuẩn B nhưng hiện giờ vẫn chưa chính thức có vé tới London). Đây là một điều đáng mừng, bởi thời gian từ nay cho tới khi các vòng tuyển chọn chính thức khép lại thì vẫn còn một nửa năm nữa.
Tôi cho là rất nhiều các thê đội đã chuẩn bị chương trình cho VĐV đi nước ngoài để tham dự các cuộc thi tuyển chọn, Việt Nam có nhiều VĐV có khả năng và cơ hội cho các VĐV này rất nhiều, Vật và Điền Kinh,… mỗi môn có 2-3 cơ hội tuyển chọn, đối với bơi lội thì Quý Phước, Ánh Viên, Kim Tuyến, Thái Nguyên cũng có hy vọng. Hy vọng nhất là Quý Phước có thể giành vé, nhưng các VĐV kia cũng rất có triển vọng cho Asian Games hoặc Olympic sau này. TDDC thì ngoài Hà Thanh còn có Ngân Thương và Phước Hưng sẽ đi London để tham gia vòng tuyển chọn cuối cùng. Hy vọng rất tràn trề, nếu như các em thi đấu tốt như thời gian vừa qua thì các VĐV này hoàn toàn có thể giành vé tới London.
Một số môn thể thao mà chúng ta cũng có thể nghĩ tới khả năng vượt qua vòng tuyển chọn Olympic là rowing, bắn súng, đấu kiếm, cử tạ, vật, quyền anh... Canoeing cũng có thể có suất đặc cách.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân làm nên sự khởi sắc này?
Căn cứ vào quá trình đầu tư của ngành TDTT theo chiến lược TDTT đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt từ ngày 3/12/2010. Chiến lược này rất sát, rất cụ thể, nhưng cũng có một số chỉ tiêu mà nhiều người kêu là cao quá. Chẳng hạn như chỉ tiêu ở Olympic London 2012 là phấn đấu có khoảng 30 VĐV vượt qua vòng loại. Tuy nhiên, phân tích về câu chữ mà nói thì phấn đấu không có nghĩa là bắt buộc bằng mọi giá, mà phải đặt mục tiêu như thế để ngành TDTT cố gắng để có 30 VĐV vượt qua vòng loại. Nhìn lại danh sách thì chúng ta thấy có đến hơn 40 VĐV dự tranh vòng loại, còn có đạt chỉ tiêu hay không thì lại là chuyện của thời vận, may rủi. Nếu chúng ta có thêm khoảng 10 VĐV vượt qua vòng loại nữa thì chúng ta sẽ vượt qua con số VĐV vượt qua vòng loại ở Olympic Bắc Kinh.
- Ông có tin ở kỳ Olympic 2012 này TTVN sẽ làm tốt hơn năm 2008?
Chúng ta sẽ cố gắng ít nhất là đạt một HCB nào đấy. Tôi tin tưởng vào những VĐV vượt qua vòng loại và những môn thể thao Olympic chúng ta có sự tiến bộ vượt bậc, có nhiều VĐV dự vòng loại. Những người tranh vé dự Olympic ở thời điểm này nhiều hơn đáng kể so với cách đây 4 năm ở Bắc Kinh. Lần này chúng ta có 13 môn có VDV dự tranh vòng loại Olympic, đấy là một sự đột phá.
Có một số người cho rằng đi Olympic không nên đi nhiều mà chỉ nên đi một vài VDV có hy vọng thành tích thôi. Tôi nghĩ đấy có thể là hẹp hòi chăng. Chúng ta nên tạo điều kiện cho các môn Olympic là đấu trường của các môn thể thao Olympic nên cần tạo điều kiện cho các môn thể thao này. Nếu chỉ tập trung vào vài môn đã giành HCB Olympic là taekwondo và cử tạ mà loại bỏ các môn khác thì làm sao có Hà Thanh, làm sao có Ngọc Tú, Tiến Minh và rất có thể là Quý Phước hoặc Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Kim Tuấn, Quốc Toàn, Lệ Dung…
Olympic có 2 tiêu chí để phân đấu: thứ nhất là hội nhập, thứ 2 là giành thành tích cao mà nếu không đến đấy thì lấy cái gì để hội nhập?! Thứ hai là đã hội nhập rồi thì phải giành thành tích theo khẩu hiệu Olympic là “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Phải “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” thì mới có huy chương, mà chúng ta đã 2 lần làm được điều đó, nên lần này cố gắng đạt huy chương. Có một số môn có thể hy vọng làm được điều gì đó, thậm chí là đổi màu huy chương như taekwondo chẳng hạn. Chúng ta có quyền hy vọng. Thậm chí nếu chúng ta không có huy chương thì cũng không phải chuyện cháy nhà chết người vì trình độ thể thao VN mới đang từng bước đi lên.
- Theo ông, ngoài cử tạ và taekwondo thì TTVN còn có thể hy vọng vào một số môn thể thao nào nữa ở Olympic năm nay ?
Có nhiều môn, như bắn súng, TDDC. Hà Thanh có thể giành HCĐ thế giới thì cũng có thể giành HC Olympic. Bây giờ đã chứng minh là TTVN đã có trình độ phát triển cao hơn trước, vì trước đây chưa bao giờ chúng ta có nhiều VĐV đại diện ở những 13 môn dự tranh vòng loại Olympic.
Đường đi nước bước là đúng, tập trung trọng điểm cho các môn thể thao Asian Games và Olympic theo chiến lược về TDTT đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, gồm 10 môn thể thao trọng điểm nhóm 1, 22 môn thuộc trọng điểm nhóm 2, 13 môn này chính là những môn nằm trong hệ thống Olympic đều có sự đầu tư trọng điểm và đang đạt được kết quả khả quan.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành