Lớp học không có bảng và bà giáo 14 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ tật nguyền…
Chủ nhật, 01/01/2012 22:13

79 tuổi, bà Nam lưng đã còng, tóc đã bạc, đi lại cũng không còn nhanh nhẹn. Duy chỉ ánh mắt vẫn ánh lên niềm lạc quan và minh mẫn, và bà cũng chưa từng phải dùng đến kính mà vẫn đọc tốt, viết tốt.

Tôi đến thăm lớp học đặc biệt của bà giáo Hồ Hương Nam vào một chiều đông cuối năm. Chắc chắn, không riêng gì tôi, mà bất kỳ ai khi gặp và tiếp xúc với bà đều sẽ cảm động và khâm phục. Đón tôi là chục đứa trẻ, đứa cười, đứa líu lo, cũng có đứa cất lời chào ngọng nghịu, theo sự ra hiệu của bà giáo.

79 tuổi, bà Nam lưng đã còng, tóc đã bạc, đi lại cũng không còn nhanh nhẹn. Duy chỉ ánh mắt vẫn ánh lên niềm lạc quan và minh mẫn, và bà cũng chưa từng phải dùng đến kính mà vẫn đọc tốt, viết tốt. Bằng chất giọng Huế ngọt, bà kể: "Tôi nghỉ hưu từ năm 1979 rồi tham gia các hoạt động ở UBND phường. Năm 1997, khi đi tuyên truyền công tác dân số, tôi đến từng nhà trong phường và thấy có ba cháu bị khuyết tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không có điều kiện theo học các trường dành cho trẻ khuyết tật. Là một nhà giáo, tôi thấy rất buồn".

Bà giáo Hồ Hương Nam

Thế là, bà giáo Nam - mọi người trong phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội vẫn gọi bà bằng cái tên như thế, quyết định sẽ mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ khuyết tật. Đầu tiên, bà xin UBND phường cho mượn tạm Trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6 làm lớp học, với số học sinh đầu tiên là ba đứa trẻ bà gặp trước đó. Để cho bọn trẻ được đến lớp, bà phải đến từng nhà vận động bố mẹ chúng. Ban đầu, người ta không tin con mình có thể đi học được, và cũng không tin bà giáo có thể giúp bọn trẻ biết chữ. Bà đã "cá cược" với bố mẹ bọn trẻ rằng "anh chị cứ cho cháu đến tôi dạy trong 1 tháng, nếu không thấy con tiến bộ thì cho về". Những phụ huynh học sinh của bà giáo sau vài buổi đứng ngoài cửa, hay vào lớp ngồi cùng con đã hoàn toàn yên tâm giao con cho bà giáo. Thấm thoát đã 14 năm trôi qua, 16 trẻ khuyết tật không chỉ ở phường Yên Phụ mà còn ở các phường Nhật Tân, Tứ Liên của quận Tây Hồ, thậm chí ở tận phường Ngô Sĩ Liên, phường Bách Khoa thuộc quận Hai Bà Trưng cũng tìm đến bà để "học nhờ".

Vận động được học sinh đã khó, tìm địa điểm cho lớp còn khó hơn. Được vài năm, khi Trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6 bị phá để xây nhà văn hóa, bà Nam dắt díu các cháu đến học nhờ trường mầm non. Nhưng rồi trường mầm non quá chật, không thể dành cho bọn trẻ 1 phòng được nữa. Bà giáo đã bật khóc, rồi bắt xe ôm lên Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Tây Hồ, tìm gặp trưởng phòng. Bà trình bày nguyện vọng của mình, và được ông trưởng phòng đề nghị Trường THCS An Dương dành cho bà Nam một phòng nhỏ trong khuôn viên của trường. Từ năm 2002 đến nay, lớp học đặc biệt của bà Nam được duy trì trong Trường THCS An Dương và được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng học sinh trong trường nên cả "cô trò - bà, cháu" đều phấn khởi.

Vài chục năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, nhưng khi tiếp xúc với những trẻ em đặc biệt này, bà Nam bảo "phương pháp sư phạm thông thường không áp dụng được cháu ạ, bởi mỗi trẻ khuyết tật lại phải dạy theo một kiểu khác nhau". Có những cháu, bà dạy 3 tháng liền vẫn chưa nhớ và viết nổi chữ O. Có đứa vào lúc lên cơn lại cười, khóc thất thường, nhưng bà tuyệt đối không quát mắng, mà luôn nhẹ nhàng, vì bọn trẻ rất nhạy cảm và dễ tủi thân. Ở lớp, bà Nam không chỉ là cô giáo, mà còn là "bảo mẫu" của bọn trẻ. Bà bảo, các cháu đã thiệt thòi, mình phải cố gắng với khả năng lớn nhất để giúp các cháu học được đến đâu, hay đến đấy. Với ba trẻ bị câm điếc, để có thể dạy cho chúng hiểu, bà đã dành nửa tháng theo học lớp tập huấn ở Làng trẻ em Hòa Bình để biết phương pháp dạy riêng cho các "học sinh" này. Suốt buổi học (2 tiếng/ngày), bà dạy lần lượt cho từng cháu. Những cháu hoạt bát hơn, bà ra đề bài để tự làm, rồi bà kiểm tra và chấm. Trong thời gian đó, bà cầm tay, uốn từng nét chữ cho những trẻ dị tật nặng hơn. Sau một thời gian học cùng bà Nam, bọn trẻ đã thay đổi tác phong, biết chào hỏi và ngoan ngoãn hơn hẳn, và rồi chúng biết đọc, biết viết, biết làm văn, làm toán.

13 học sinh của bà giáo Nam, bé nhất lên 8 tuổi, lớn nhất đã 30, là 13 hoàn cảnh thương tâm khác nhau: khuyết tật bẩm sinh, câm điếc, thần kinh, thiểu năng trí tuệ. Bọn trẻ cũng đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có đứa bố, mẹ mất sớm, đứa lại bố nghiện, mẹ đi lấy chồng khác… Em Nguyễn Thị Thúy, 22 tuổi là học sinh lâu năm của bà giáo Nam. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, cô bé liệt nửa người có hoàn cảnh khá khó khăn, mẹ mất sớm, đã tìm thấy niềm vui và niềm tin vào cuộc sống nơi lớp học tình thương này. Thúy cũng là học sinh sau 14 năm theo học đã đạt đến trình độ cao nhất lớp là lớp 4, đọc thông, viết thạo và khá đẹp, làm toán nhẩm khá nhanh. Còn Nguyễn Hồng Dương năm nay đã 30 tuổi, cũng thuộc lứa học sinh đầu tiên của bà Nam. 14 năm qua, hàng ngày mẹ Nam vẫn kiên trì đẩy xe lăn đưa em theo học chữ, dù bây giờ, bà giáo vẫn phải cầm tay để em luyện chữ "cố gắng học" (Dương phải viết ngửa bàn tay). Trước đó, Dương không thể tự làm được gì cho bản thân, ngoài việc xúc cơm, còn mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ phục vụ.

Buổi học của lớp tình thương này thường bắt đầu và kết thúc bằng bài đồng ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", được phát ra từ chiếc đài cát-sét nhỏ ngày nào bà giáo cũng xách đến rồi lại xách về. Đây là chiếc đài do UBND phường Yên Phụ mua tặng cho bà cháu. Bà Nam bảo: "vào một lớp học như thế này, nhìn đã thấy thương cảm, nên tôi muốn không khí phải thật tươi vui, để tạo cảm hứng học tập cho bọn trẻ". Cũng đều đặn vào thứ sáu hàng tuần, bà đều phát quà là bim bim hoặc kẹo cho bọn trẻ để "tổng kết", cháu nào ngoan và học tiến bộ hơn, sẽ được bà thưởng gấp đôi.

Lớp học nhỏ của bà giáo còn khá đặc biệt vì không có bảng. Không phải vì bà không mua được bảng cho học trò của mình, mà vì 13 trẻ này học theo 4 trình độ khác nhau, nên bảng chính là quyển vở của mỗi cháu. Bà cho biết, lương hưu của bà được 1,8 triệu đồng/tháng, và các con cho khoảng 1 triệu đồng nữa, bà chỉ ăn tiêu trong tiền lương thôi, còn dành khoản tiền các con cho để mua sách, vở, bút rồi phát cho bọn trẻ. Chồng mất sớm, một tay bà nuôi 3 con khôn lớn, nay đều đã có công việc, gia đình ổn định, các con của bà cũng muốn mẹ nghỉ ngơi cho an nhàn tuổi già, nhưng biết tính mẹ, đã nói là làm, nên thường động viên mẹ. Bà bảo: "Mỗi người sống trên đời đều cần đến hai chữ T, là Tâm và Tiền. Nhưng Tiền không theo ta suốt được, còn cái Tâm theo ta suốt cuộc đời, kể cả khi người ta mất đi, cái Tâm vẫn còn ở lại". Thấy bà "suốt ngày dạy không công cho lũ trẻ thần kinh", có người bảo "bà đúng là dở hơi, sướng không ưa, lại đi rước khổ vào người. Còn sức, sao bà không dạy thêm mà thu tiền", nhưng bà bảo "tôi làm vì tình người, không phải vì tiền". Bà dạy "không công", và cũng chu cấp luôn cho chúng đồ dùng học tập, bà chỉ nhận lại tình cảm, dù mình không hề giàu có.

Không chỉ lập lớp học tình thương, dạy chữ miễn phí cho trẻ tật nguyền, bà giáo Nam còn tham gia rất nhiều hoạt động của UBND phường Yên Phụ: Cộng tác viên dân số, hòa giải viên, Chi hội trưởng Hội khuyến học, Ủy viên Câu lạc bộ sau cai… và với công việc nào, bà cũng là hội viên gương mẫu. Cuối buổi học, sau đi dặn dò và  hỏi lại từng cháu "ngày mai học sáng hay chiều" cho bọn trẻ nhớ, bà giáo Nam lại xách chiếc đài cát-sét quen thuộc đến khóa cửa điểm rửa xe cho người nghiện sau cai của phường tại nhà số 76 Yên Phụ. Bà bảo, đều đặn hàng ngày, bà dạy 1 buổi sáng hoặc chiều cho bọn trẻ khuyết tật, và mở cửa điểm rửa xe cho những người nghiện sau cai của phường làm việc vào lúc 6g30 sáng và khóa cửa vào lúc 5g30 chiều.

Chia tay tôi, bà giáo nhắn nhủ: "Điều tôi mong nhất là khi đọc được  những thông tin này, sẽ có thêm nhiều lớp học dành cho trẻ khuyết tật được mở, để bọn trẻ đều được đến trường, đều biết chữ. Tôi nghèo mà vẫn làm được, thì chắc chắn nhiều người khác cũng làm được", và khẳng định "còn sống ngày nào, tôi sẽ còn đến lớp, còn dạy cho bọn trẻ".

PL&XH
Tag: Chuyện cổ tích , Lớp học tình thương , Từ thiện , Giáo viên , Giáo dục , Văn hóa