Ơn giời, thế là hết khỏa thân bảo vệ môi trường!
Thứ ba, 17/05/2016 08:24

Bắt đầu từ ngày 15/5, tất cả người đẹp đạt danh hiệu tại những cuộc thi người mẫu, sắc đẹp... sẽ không được chụp ảnh khỏa thân hoặc sử dụng trang phục phản cảm.

Theo thông tư 01/2016 do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch ban hành, bắt đầu từ ngày 15/5, tất cả những người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được phép chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.

Điều này đồng nghĩa với việc tất cả những người đẹp, người mẫu ở Việt Nam sẽ tuyệt đối không được chụp ảnh khoả thân.

Rất nhiều người phản ứng gay gắt với thông tư mới này. Họ cho rằng việc “cấm” như thế có phần bất bình đẳng và xâm phạm đến tự do cá nhân của những người làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, trước khi bàn cãi việc có công bằng hay không và giải pháp cho vấn đề đó, chúng ta hãy nói đến chủ đề chính: “Ảnh khỏa thân” - Chụp ảnh khỏa thân và khoe ảnh khỏa thân để làm gì, có giải quyết được vấn đề gì hay không?


Một trong những bộ ảnh "khỏa thân bảo vệ môi trường" của người mẫu Việt.

Có thể thấy, thời gian gần đây, trào lưu “nude vì môi trường”, “nude thiền”... trở thành một công cụ đắc lực, lý do hoàn hảo cho những người muốn "khoe xôi bán thịt”.

Và đương nhiên, khi luật pháp không đủ sức răn đe cùng thị hiếu dư luận dễ dãi sẽ tạo điều kiện cho những “sạp thịt” chứa đầy “chất cấm” tràn lan trên mạng xã hội. Bảo vệ môi trường thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy phản cảm kệch cỡm và "độc hại".

Trái lại, nhiều người bao biện rằng chụp ảnh nude đơn giản chỉ là một xu hướng, một cách thức để phô bày và lưu giữ vẻ đẹp thanh xuân. Việc “cấm” như thế chẳng khác nào hạn chế quyền tự do của những người đẹp tự hào về hình thức của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, thông tư không hề “cấm chụp ảnh” mà chỉ không cho phép những người mẫu công khai bức ảnh đó lên mạng xã hội. Vậy, việc họ tự hào, yêu quý hay muốn lưu giữ nét đẹp thanh xuân hoàn toàn vẫn được phép. Chỉ có điều, muốn lưu giữ thì phải “cất kĩ” chứ đừng “phơi” ra.

Điều đó là hoàn toàn đúng đắn bởi những người nổi tiếng, người mẫu có giải trong các cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp hầu hết đều có sự ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ.

Vả lại, ranh giới giữa khỏa thân nghệ thuật và sự khiêu dâm, dung tục còn rất mù mờ. Nên nếu cứ để mặc cho tình trạng “thả rông” ngồn ngộn trên khắp các mạng xã hội dưới cái mác “cao cả” thì nhận thức của giới trẻ đương nhiên sẽ bị lệch lạc.

Chính vì từng thả lỏng cho văn hóa “xôi thịt” mà chúng ta đã không ít lần phải nóng mắt, đỏ mặt với những "hiện tượng" trên mạng xã hội. Giới trẻ thi nhau “cởi mở”, lố lăng theo đúng nghĩa đen, bất chấp mọi búa rìu của dư luận để sống đúng tinh thần "thà một phút huy hoàng rồi chợt tối".

Bàn về vấn đề công bằng, tôi không phủ nhận rằng thông tư mới có sự bất công với những “người đẹp” được công nhận bởi các cuộc thi. Vì đứng trước pháp luật thì tất cả công dân đều có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ như nhau, không thể phân biệt người được giải thì bị gò bó còn người không được giải vẫn "nhởn nhơ" khoe da khoe thịt được.

Thế nên để tránh sự thắc mắc, ghen tị giữa những “người đẹp”, thiết nghĩ thông tư nên sửa lại rằng: Cấm tất cả mọi người công khai truyền bá ảnh khỏa thân lên mạng xã hội. Chắc chắn khi đó sẽ chẳng có ai kêu than rằng “bất bình đẳng” và những người độc giả như chúng tôi cũng chẳng bị “hiếp dâm thị giác” bởi những biện pháp bảo vệ môi trường đầy “xôi thịt” nữa!

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: khoa than , khoa than bao ve moi truong , moi truong , bao ve moi truong , nguoi mau khoa than