Không có đôi chân lành lặn, cuộc sống khó khăn lại đè nặng lên đôi vai, thế nhưng, chị Lê Thị Mỹ Bình vẫn cảm nhận cuộc sống tràn ngập màu hồng bởi tình yêu.
Nữ họa sĩ khuyết tật với chuyện tình ảo xuyên biên giới |
Gặp họa sĩ khuyết tật Lê Thị Mỹ Bình, sinh năm 1981 tại TP. Yên Bái trong buổi ra mắt nhóm Khát vọng ngày mới tại Hà Nội. Ấn tượng trong tôi, chị Bình là một người con gái mạnh mẽ, giao tiếp tự tin, cởi mở, khác hẳn với cơ thể yếu đuối, không may mắn của chị. Từ đó, câu chuyện về cuộc đời nữ họa sĩ đầy nghị lực này có lúc khiến mọi người bật khóc vì thương cảm nhưng cũng có khi mỉm cười chúc phúc vì chị đang yêu và được yêu, dù đó chỉ là một tình yêu ảo.
Vẽ tranh nuôi 2 mẹ con
Từ nhỏ, chị Bình đã bị bệnh viêm tủy cắt ngang dẫn đến liệt 2 chân, không đứng và đi lại được. Vì còn nhỏ chị được mẹ thuê báo truyện đọc cho đỡ buồn. Thế nhưng, lớn lên chị Bình mới cảm nhận rõ thiệt thòi của mình trong khi bạn bè cùng trang lứa được đi học, đi chơi.
Nữ họa sĩ khuyết tật Lê Thị Mỹ Bình trước các tác phẩm của mình tại triển lãm.
Nỗi mặc cảm kéo dài cho đến năm 1995, khi chị học lại lớp 6. Buổi đầu tiên đến trường, chị Bình trốn trong vỏ bọc của mình khi đội chiếc mũ chụp đầu để không ai biết. Tuy nhiên, khác hẳn suy nghĩ, bạn bè trong lớp hòa đồng và giúp đỡ chị rất nhiều như đẩy xe cho chị vào lớp, dành riêng một bàn học. Từ đó, chị đã tự tin trước đám đông và được bạn bè giúp đỡ đến trường.
Năm 2000, chị Bình học xong lớp 9 nhưng vì một số lý do riêng đã không thi lên cấp 3 mà ở nhà nghĩ cách kiếm tiền nuôi chị và mẹ. Do có năng khiếu vẽ từ bé nên ai thuê gì chị cũng làm như vẽ tranh giảng dạy cho giáo viên, báo tường. Ngày đó, tranh cho giáo viên chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng, báo tường 80.000 đồng, sau đó lên dần đến 150.000-180.000 đồng. Vui nhất là đợt 20/11, chị nhận vẽ tới 20 báo tường. "Thực sự lúc đó, mình chỉ nghĩ đến kiếm tiền chứ không nghĩ đến tranh vì đam mê, sở thích", chị Mỹ Bình tâm sự.
Hiện tại, hàng ngày, hàng tháng, các tác phẩm tranh của chị Bình vẫn đều đặn được ra đời. Chị đã không còn nhớ mình vẽ bao nhiêu tác phẩm nhưng vẫn không quên bức tranh trị giá 5 triệu vào năm 2013. Một số tiền nhỏ với nhiều người nhưng vô cùng quý với chị để trang trải cuộc sống của 2 mẹ con.
Cho dù bản thân cố gắng mạnh mẽ vượt lên số phận nhưng cũng có lúc chị chạnh lòng bởi vì mình không lành lặn, không được đối xử như những người bình thường. Những lúc ấy, chị Bình vô cùng tổn thương, chán nản. Chị kể lại, năm 2013, tác phẩm của chị được chọn đi Bắc Kạn triển lãm nhưng do chị ngồi xe lăn nên mọi người ái ngại bảo chị phải viết bản cam kết tự chịu trách nhiệm. Chị quyết định ở nhà với tâm trạng buồn và rối bời.
Hay mới đây nhất, trong hành trình vất vả xuống Hà Nội tham dự triển lãm của mình, tại bến xe Mỹ Đình, mẹ con chị Bình không tài nào bắt được xe taxi chỉ vì tài xế ái ngại khi thấy chị ngồi xe lăn. May là một lúc sau có mấy bác xe ôm tốt bụng tìm giúp được một xe taxi, mẹ con chị mới có thể đến triển lãm.
Tuy nhiên, tất cả sự cố đó không làm chị bận tâm vì chị tự nhận cuộc sống ưu ái với mình. Chị gặp được rất nhiều người tốt trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Những sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi hay lớn lao như mấy hộp sơn, ít giấy vẽ, những khung tranh, mớ rau... hay những chia sẻ, giúp đỡ, động viên... bằng tấm lòng chân thành và ấm áp giúp chị tin yêu hơn trong cuộc sống vẫn còn bộn bề những lo toan vất vả này.
Động lực từ tình yêu... ảo
Tưởng như cuộc sống của chị Bình chỉ xoay quanh việc vẽ tranh kiếm tiền nhưng rồi một ngày chị chợt nhận ra rằng mình vẽ tranh còn vì tình yêu. Một mối tình chỉ được giao tiếp, gặp gỡ trên mạng nhưng cũng đầy cung bậc tình yêu từ yêu thương, quý trọng, nụ cười, nước mắt cho đến cả hờn ghen, bực bội, tức tối... Và chỉ là một mối tình "ảo" nhưng là động lực để chị có quyền được yêu và hy vọng trong gần 2 năm qua.
Tình yêu đã giúp tranh của chị giàu cảm xúc hơn.
Chị Bình gọi bạn trai của mình với cái tên thân mật "Người ấy". Chị quan niệm, mình có thể không cần quần áo đẹp, không điện thoại xịn nhưng phải có máy tính nối mạng. Từ chiếc máy tính này chị có thể tìm hiểu về hội họa và làm quen với những họa sĩ khác giống mình. Và cũng từ mạng internet, chị đã gặp "Người ấy" của mình. Lúc đó thấy avatar của anh với hình người ngồi xe lăn, chị nghĩ đơn giản kết bạn với người cùng cảnh ngộ. Qua nói chuyện, chị và "Người ấy" càng hiểu nhau và chạm đến cảm xúc gọi là tình yêu.
"Anh ở một đất nước xa xôi mình chưa gặp ngoài đời bao giờ nhưng là niềm cảm hứng mãnh liệt giúp mình vẽ tranh đẹp và nhiều cảm xúc hơn", ánh mắt chị rạng ngời khi chia sẻ mối tình của mình.
Cũng từ tình yêu, gần 100 bức tranh về "Người ấy" được chị vẽ một cách nâng niu. "Chuyện tình ảo chẳng bao giờ có kết quả. Cho đến giờ, mình và "Người ấy" vẫn luôn nói một từ dành cho nhau đó là... đợi", chị Bình thổ lộ.
Có thể cuộc tình này sẽ không có kết thúc tốt đẹp nhưng với nữ họa sĩ kiêm admin của trang Người khuyết tật yêu, Lê Thị Mỹ Bình vẫn trân trọng nó mỗi ngày như từng câu thơ của nhà thơ Phong Việt mà chị thuộc lòng:
Như là cách mà chúng ta đợi chờ
sẽ gặp một ai đó xa lạ
trong thế giới này
để bắt đầu một giấc mơ…
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%