Nỗi lòng người con xa xứ ngày Tết đến xuân về
Thứ bảy, 02/02/2013 16:12

Vì công cuộc mưu sinh, học tập... nhiều người Việt Nam phải đón Tết ở xứ người với nỗi nhớ quê nhà da diết.

Du học sinh tại Nga cùng nhau chuẩn bị cái Tết truyền thống ấm cúng

Du học sinh tại Nga cùng nhau chuẩn bị cái Tết truyền thống ấm cúng

Với người xa quê ngày Tết, mùa xuân dường như đã không còn trọn vẹn, sống nơi đất khách những ngày Tết truyền thống của dân tộc, họ như lạc lõng, cô đơn trước chốn phồn hoa. Đó là cảm giác thiếu thốn hương vị ấm áp, thèm âm thanh rộn rã đầu xuân và tiếc nhớ thời khắc giao thừa thiêng liêng khi gia đình đoàn viên trong ngày Tết.

Người việt xa xứ đón Tết là quây quần cùng bạn bè bên mâm cơm ấm cúng... đây là cách đón Tết phổ biến, thường thấy nhất. Văn hóa đón Tết truyền thống vẫn được người Việt xa xứ lưu giữ dù ở bất cứ nơi đâu. Nguyễn Hải Phong là du học sinh người Việt tại Nga, Phong chia sẻ: "Tại nơi em học, các anh chị khóa trên người Việt tổ chức Tết rồi mời thầy cô cùng bạn bè quốc tế tới chung vui. Dù lúc này nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị ngày Tết ở quê nhưng em rất bồi hồi, vui và cảm động...".

Anh Nguyễn Xuân Dương, 53 tuổi, sống ở thành phố Omsk, Liên Bang Nga, nhớ như in cái Tết đầu tiên xa nhà, "Đó là những ngày lạnh giá, tuyết phủ trắng trên từng cành cây, con đường. Không có hoa đào, hoa mai vàng, không có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành…", nhưng giờ ở xứ người, anh chỉ có thể "thưởng thức" hương vị Tết đó trong ký ức anh nói.

Còn chị Mai Liên đã đón 10 cái tết nơi xứ người chia sẻ: "Vì đặc trưng của công việc là bán hàng nên dù là ngày Tết truyền thống của Việt Nam, mình vẫn phải đi làm. Chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi vào siêu thị tìm mua những thực phẩm đặc trưng của người Việt. Dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn thiếu một thứ gia vị gì đó...".

Du học sinh đón tết tại Nga

Năm nào cũng vậy, mỗi đợt tết đến xuân về, chị Nguyễn Loan Phượng và nhóm du học sinh việt nam đang du học sinh tại Nga lại là những ngày mải miết trên giảng đường, thư viện, kỳ thi. Vì không có nhiều thời gian nên để ăn Tết nơi xứ người, họ cùng tụ tập và nấu các món ăn truyền thống. Các bạn du học sinh thì đi tìm một số cành cây khô trong thành phố, mua một số loại hoa giả màu hồng của đào, vàng của mai để làm giả cành hoa đặc trưng của ngày tết, thế là ở xứ bạch dương xa xôi này vẫn có đào có mai. Tuy thiếu thốn nhiều thứ gia vị của ngày tết, nhưng sự quây quần, tất bật của những người Việt xa quê nơi đây đã khiến cho cái Tết trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn.

Đâu ai biết rằng, người Việt xa xứ cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ phải nỗ lực hết mình để làm việc, học tập. Những ngày được nghỉ, Thu Trang (Du học sinh tại Nhật), lại tất bật với công cuộc làm thêm để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống. Ngày giáp tết, Trang chia sẻ: "Em đã có một khoảng thời gian nghỉ đông dài để tranh thủ đi làm thêm, công việc và thu nhập chỉ đủ để em trang trải cuộc sống, những ngày giáp tết này, em đã tự thưởng cho mình là trích ra một khoản tiền để mua cặp bánh chưng, còn một số món ăn khác thì em tự tay làm. Các bạn du học sinh khác ở đây cũng tổ chức đêm giao thừa, nhân cơ hội đó để giới thiệu phong tục truyền thống cho các bạn quốc tế... rất thú vị".

Phải chăng thứ gia vị còn thiếu trong mỗi cái tết xứ người ấy là cảnh sum vầy, đoàn viên của gia đình, bạn bè. Là những đêm thức để đón giao thừa cùng phong tục chúc tết người thân, đó chính là hương vị 'quê hương'.

Cộng đồng người Việt sum họp ngày Tết đến

Vì hoàn cảnh mà tha hương, ăn Tết xa nhà, đó là nỗi mất mát lớn đối với mỗi người con xa quê. Thời buổi công nghệ thông tin hiện đại đã góp phần kéo gần khoảng cách giữa các châu lục, với những người con xa xứ ấy, khoảng cách sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu trong tim luôn đong đầy hình bóng của quê nhà.

Công việc làm ăn kinh doanh của người Việt khắp năm châu dường như khó khăn hơn khi nhiều người chưa đủ điều kiện để có được đầy đủ giấy tờ hợp pháp, sợ nhất là gặp cảnh sát, vì thế, phần lớn họ khó mà chuẩn bị được một cái Tết tươm tất. Niềm an ủi lớn của họ chính là cố gắng tích cóp gửi về giúp đỡ gia đình tại quê nhà để có cái tết trọn vẹn.

Hải Đăng

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Tết Quý Tỵ , Cộng đồng người Việt , Du học sinh , Tết của người Việt , Tết xa xứ , Xã hội