Nỗi đau của gia đình có con gái chết vì ăn thịt cóc
Thứ hai, 20/05/2013 09:43

Được cha đi bắt cóc về làm thịt cho ăn, sau bữa cơm sáng chưa đầy 10 phút bé Võ Thị Ngọc Quý (5 tuổi) đột nhiên có dấu hiệu trúng độc nặng.

Hai chị em Quý và Quyên

Hai chị em Quý và Quyên

Em nôn mửa nghiêm trọng chân tay bủn rủn thân thể lạnh ngắt, và chết tại bệnh viện khi được cấp cứu. Ngoài Quý ra hai người khác cũng ở trong tình trạng nguy kịch là chị của Quý, Võ Thị Ngọc Quyên (12 tuổi) và bà Lê Thị Ràng (75 tuổi) bà nội của hai em, những người còn lại của gia đình không ăn thịt cóc.

Cả xóm xưa nay vẫn ăn thịt cóc mà, có sao đâu!

Căn nhà nhỏ nằm ở ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chìm trong một màu tang tóc, và nỗi buồn sau cái chết của đứa con mới 5 tuổi và hai người thân vẫn ở nằm cấp cứu ở bệnh viện. Tiếp chúng tôi là anh Võ Hoàng Lực (44 tuổi), người cha khốn khổ. Khuôn mặt anh buồn thảm vô độ, bần thần sau cái chết bất ngờ của con. Anh kể lại, gia đình vốn nghèo, không có điều kiện mua thịt cho con cái ăn, hai đứa con anh lại không chịu ăn cá. Sáng hôm 5/5, thấy hồi tối có cơn mưa lớn nên mới 3h sáng anh đã dậy đi bắt cóc tăng cường bữa ăn cho con. Sau một hồi soi bắt, anh bắt được 3 con cóc và mang về nhà. Để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, mẹ của anh là bà Lê Thị Ràng mới làm thịt cóc cho các cháu mình ăn. Anh Lực nói trong nước mắt: “Hai đứa con không chịu ăn cá nên 3 con cóc làm xong, kho mặn lên cho tụi nó ăn cơm, không ai đụng đũa vào. Nhà nghèo, không có điều kiện mua thịt cho con ăn, thấy con thèm thịt, tôi chỉ biết bắt cóc cho con ăn. Trước giờ vẫn vậy, vì thịt cóc tốt cho con nít mà, có ai ngờ đâu đó là bữa cơm cuối cùng của cháu”.

Trong bữa cơm sáng định mệnh đó, bé Quý được bà nội gắp cho cả 3 lá gan cóc, em ăn ngon lành với lưng nửa chén cơm. Anh Lực bật khóc nhớ lại: “Lúc đó tôi thấy tay nó run run, cầm chiếc đùi cóc lên rồi đặt xuống chén cơm. Thấy con bất thường tôi tưởng cháu mệt kêu đi rửa tay rồi nghỉ ăn. Bữa cơm của gia đình còn chưa ăn xong thì tôi nghe tiếng nôn ói của con phía sau nhà. Tôi chạy ra thì thấy bao nhiêu cơm con vừa ăn đã bị ói ra hết, tức tốc tôi bế thốc con lên, móc họng cho con ói ra tiếp. Ói ra hết cả nước đen, tôi đặt xuống rồi kêu con đứng cho cha coi, thấy con liêu xiêu, đặt tay lên ngực kêu khó thở tôi tức tốc đưa con đến bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp để cấp cứu ngay. Lúc đó mới hơn 9h sáng, tức khoảng 10 phút sau bữa ăn thì con tôi có dấu hiệu trúng độc”. Đến bệnh viện, mặc dù được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu nhưng em Quý đã không qua khỏi. Lúc này anh Lực được các bác sĩ ở đây hỏi ở nhà còn ai ăn thịt cóc nữa không phải đưa lên bệnh viện ngay thì ở nhà đứa con gái 12 tuổi và bà nội của em cũng có dấu hiệu ngộ độc. Anh Lực cho biết, bà nội của hai cháu không ăn thịt mà chỉ chan nước thịt cóc kho, riêng em Quyên thì có ăn đùi cóc. Hai bà cháu được người nhà đưa lên cấp cứu tại bệnh viện, riêng Quyên sau khi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp tục theo dõi và điều trị. Còn bà Ràng, mẹ của anh Lực thì chỉ bị ngộ độc nhẹ, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, đến nay sức khỏe của bà đã tiến triển tốt.

Bà Trần Thị Xuyến (63 tuổi) mẹ vợ của anh Lực cho biết, người dân ở đây ai cũng đã từng ăn thịt cóc, nhưng chưa có ai tử vong vì bị ngộ độc thịt cóc cả. Theo bà Xuyến, có thể bà nội của hai cháu vì tuổi cao nên khi làm thịt không cẩn thận để trứng cóc còn sót lại trong thịt, gan nên khi cháu Quý ăn mới bị ngộ độc. Anh Lực cho biết thêm, bình thường cả anh, vợ vẫn làm thịt cóc cho các cháu ăn nhưng không ngờ lần này lại khiến con gái mình ngộ độc dẫn đến tử vong. “Dân ở đây mỗi lần trời mưa xuống là lại rủ nhau đi bắt cóc về ăn, nhậu trước nay ai cũng ăn mà không bị gì, có lẽ trong quá trình làm thịt cóc, mẹ của tôi đã không cẩn thận để trứng dính trong thịt nên mới xảy ra cơ sự này”, anh Lực buồn rầu cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, thịt cóc đúng là có nhiều dưỡng chất rất tốt cho cơ thể trẻ nhỏ nhưng trong gan, trứng và da cóc lại chứa độc tố rất nguy hiểm gây chết người. Chính vì vậy, khi làm thịt cóc các bậc cha mẹ phải hết sức cẩn trọng để không làm bể gan, trứng làm dính vào thịt thì khi ăn sẽ rất nguy hiểm.

Anh Lực đau buồn vì cái chết của con

Nỗi đau vẫn còn đó

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình của anh Lực rất khó khăn. Anh và vợ là chị Trần Thị Trinh có với nhau được 3 người con gái. Con gái lớn của anh năm nay được 15 tuổi học hết lớp 10. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em đã nghỉ học cách đây 1 tháng, anh Lực ngậm ngùi cho biết: “Thấy con ham học, lại học giỏi tôi cũng ham cho con ăn học lắm, nhưng chi phí học hành cao quá trời, vợ chồng tôi có nai lưng ra làm hơn nữa cũng không thể lo cho con ăn học nổi. Bây giờ nó ở nhà phụ người ta đi hái ớt kiếm gạo qua ngày”. Nhìn căn nhà gỗ, vách được che bằng tôn còn khá mới anh Lực thở dài kể: “Mới năm ngoái thôi, vợ chồng tôi còn ở căn nhà xiêu vẹo, rách nát lắm không được như bây giờ. Nhìn con cái nheo nhóc, ở trong căn nhà mà không biết sập lúc nào nữa nên tôi bấm bụng hỏi mượn anh em bà con để dựng lại nhà như bây giờ. Đến giờ tiền thì chưa trả được đồng nào mà lại gặp cái hạn này nữa. Lúc đưa đứa thứ hai đi bệnh viện tôi phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền lo cho con”.

Thu nhập của hai vợ chồng anh Lực khá chật vật, tất cả chỉ trông chờ vào 1 công đất trồng ớt và mấy gốc xoài. Hai vợ chồng anh phải đi làm thuê làm mướn suốt mới đủ nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và một người mẹ già. Nỗi đau ập đến khi đứa Quý là đứa con út trong nhà vốn được cha mẹ thương yêu hết mực, hai chị gái luôn nhường nhịn. Chỉ trong một buổi sáng 3 người trong gia đình phải nhập viện, 1 chết, hai nguy kịch khiến người đàn ông như ngã quỵ.

Đang trò chuyện thì chuông điện thoại anh reo lên, vợ anh gọi điện báo tin đứa con gái thứ hai đã khỏe lại. Sáng nay bác sĩ đã cho ăn cháo, nhịp tim của em cũng đã ổn định. Nhận được tin vui, anh tươi tắn hơn được một chút rồi cho biết: “Mẹ của tôi hiện cũng đã khỏe lại. Tội nghiệp cho bà, từng tuổi này rồi mà còn phải gặp cảnh như vầy”. Bất chợt bà ngoại của mấy cháu nhắc đến Quý, đứa con út bạc mệnh, anh Lực như lặng đi, cúi đầu nói: “Chỉ vỏn vẹn hơn 3 tiếng đồng hồ từ lúc con tôi ăn cơm cho đến lúc chôn cất. Tôi và vợ như điếng người trước mất mát bất ngờ này, Vợ tôi như chết đi sống lại trước cái chết của con. Rồi hai vợ chồng cũng phải khuyên bảo nhau cố gắng để lo cho đứa còn lại”.

Câu chuyện đau lòng trên đây là một bài học đáng nhớ cho gia đình anh Lực và cả người dân xã Tân Thuận Tây vốn “ghiền” ăn thịt cóc. Những sơ suất tưởng chừng vô hại lại có những nguy hiểm khôn cùng. Thiết nghĩ, đối với những người dân quê vốn ít học, thiếu hiểu biết  chính quyền địa phương nên có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo để những câu chuyện đau lòng trên sẽ không còn xảy ra ở bất kì đâu nữa.

Theo các nhà khoa học và các chuyên gia y tế, cóc có nhiều độc tố tiết ra ở tuyến sau mang tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da. Trong gan và trứng cóc cũng có nhiều độc tố với tên gọi bufotoxine. Chất độc này khi thâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ thẩm thấu rất nhanh gây tác động lên hệ tim mạch, gây trụy mạch và dẫn đến tử vong.

Theo TS Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, ăn thịt cóc cần loại bỏ cóc tía (cóc có màu mắt đỏ) và phải làm thịt cóc theo đúng quy trình: Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch và chỉ lấy thịt, xương để chế biến món ăn.

 

Bình Lang

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Ngộ độc , Ăn thịt cóc , Đồng Tháp , Tử vong , Trẻ em , Nạn nhân , Đời sống