Những vướng mắc khiến chủ xe ngại sang tên
Thứ tư, 14/11/2012 09:59

Thiếu giấy tờ hoặc đã thất lạc, xe đã đăng ký tên khác vùng, phí trước bạ cao... là vướng mắc khiến nhiều người không thể hợp thức hóa cho phương tiện của mình.

Phí trước bạ của ôtô cao chót vót tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Tiến Dũng

Phí trước bạ của ôtô cao chót vót tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Tiến Dũng

Vấn đề được nhiều độc giả e ngại là lệ phí trước bạ cho ôtô, xe máy hiện nay khá cao, nhất là tại các thành phố lớn.

Theo một số độc giả, sang tên đổi chủ ở các nước châu Âu chỉ mất phí 2% giá trị ôtô, còn lệ phí trước bạ ở Việt Nam cao gấp 10 lần. Khi thu nhập của người dân chỉ vài triệu đồng mỗi tháng thì lệ phí đó nên được giảm đi 10 lần so với hiện nay.

Độc giả Nguyen Hien đề nghị phân biệt rõ hai loại thuế thu cho ngân sách và phí quản lý hành chính. Phí chuyển quyền sở hữu phương tiện thực tế là phí quản lý hành chính vì xe đã và đang được lưu hành rồi.

Nội dung phí trước bạ đã được quy định trong Nghị định 45, giá tính lệ phí do tỉnh thành ban hành. Tại Hà Nội, mức phí hiện được áp cho ôtô cũ là 12%, còn tại TP HCM là 10%.

Nghị định cũng nêu, đối với xe máy, lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Với trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định (thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở) thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%).

Trao đổi với PV, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, mức phí trước bạ hiện nay còn khá cao trong khi mục đích thu phí là để quản lý chứ không phải phạt, thu ngân sách. "Nếu 100 người đến đăng ký đổi tên, mỗi xe thu 1 đồng thì nhà nước sẽ thu được 100 đồng còn hơn đưa ra giá cao mà chỉ thu được của vài người", ông Thảo nói.

Một lo ngại khác của người dân là giấy đăng ký xe bị mất, thất lạc, xe qua nhiều chủ mà không có giấy tờ chuyển nhượng... nên không thể hợp thức hóa.

Độc giả Cao Hoài Linh viết: "Năm 2007, tôi mua xe nhưng thời điểm đó không biết về việc cần sang tên đổi chủ nên cứ sử dụng cho tới giờ. 15 năm trôi qua, nếu bây giờ sang tên thì biết tìm chủ sở hữu trước ở đâu?".

Theo Thông tư 36 của Bộ Công an về đăng ký xe, hồ sơ sang tên cho phương tiện cần có các loại giấy tờ như: giấy khai đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, chứng từ chuyển nhượng xe, chứng từ lệ phí trước bạ.

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, cho biết thêm, với xe chuyển nhượng qua nhiều người, nay chủ cũ đã mất hoặc không liên lạc được, người đang sử dụng vẫn có thể đăng ký sang tên nếu có chứng từ mua bán xe hợp lệ, đầy đủ. Nếu bị thất lạc giấy tờ, không chứng minh được tài sản đó là của mình thì người mua sẽ không làm thủ tục đăng ký được.

Tuy nhiên, Thông tư 36 có mở hướng: "Khi sang tên, di chuyển, trong hồ sơ xe đăng ký từ 31/12/2005 trở về trước, nếu thiếu hóa đơn chuyển nhượng hoặc chuyển nhượng không liên tục thì hồ sơ được coi là hợp lệ".

Vướng mắc nữa là nhiều người chưa có hộ khẩu ở đô thị lớn song muốn sang tên phương tiện.

Những người này phải đăng ký xe theo địa chỉ thường trú. Độc giả Kiên bày tỏ: "Tôi mua xe lại đã không biết chủ đầu tiên là ai. Xe tôi đang ở Hà Nội mà quê ở tận Quảng Nam thì phải đi xe về làm thủ tục. Vậy có cơ chế nào cho người tỉnh xa làm tại Hà Nội không?".

Về vấn đề này, Thông tư 36 của Bộ Công an quy định khá phức tạp việc sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, yêu cầu người mua xe làm thủ tục sang tên tại chính địa phương mình đăng ký thường trú.

Theo đó, hồ sơ gồm cả người mua và người bán xuất trình giấy tờ nhân thân; giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; hai giấy khai sang tên di chuyển; chứng từ chuyển nhượng xe. Với trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển nhượng xe...

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, thời gian tới, có thể Bộ Công an sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về việc sử dụng xe đi mượn của người khác cần có những giấy tờ, tài liệu gì để thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa có thông tư hướng dẫn, khi mượn xe, người mượn cần mang theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ với người cho mượn xe như quan hệ vợ chồng, cha con, hoặc giấy mượn xe của chủ xe hoặc các thông tin liên quan đến người cho mượn xe để cảnh sát giao thông có căn cứ xác minh nếu cần.

Trường hợp người cho mượn xe ở xa hoặc đi công tác mà không thể có mặt để chứng minh việc cho mượn xe là đúng, là có thật thì người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị coi như không chuyển quyền sở hữu phương tiện và có thể bị phạt về hành vi này.

VNE
Tag: Sang tên đổi chủ , Phương tiện giao thông , Xe chính chủ , Xe vi phạm giao thông , Xã hội , Điểm nóng , Hà Nội