Những vụ cưỡng chế đất đai rúng động dư luận năm 2012
Thứ sáu, 28/12/2012 16:35

Tiên Lãng, Văn Giang, Đông Triều là những điểm nóng về đất đai năm 2012.

Ba vụ cưỡng chế đất đai gây rúng động dư luận

Ba vụ cưỡng chế đất đai gây rúng động dư luận

Năm 2012 xuất hiện những vụ cưỡng chế đất đai khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi có sự phản ứng thái quá từ người dân khiến các cơ quan chức năng đau đầu xử lý.

1. Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng khiến 6 người bị thương

Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963) sinh sống tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho ông Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm. Trong quá trình sử dụng ông đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.

Tháng 3/1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn biển ngoài diện tích được giao. Đến tháng 4/1997, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm (tính từ năm 1993). Như vậy, tổng cộng gia đình ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2003, đến thời điểm hết thời hạn giao đất, UBND huyện đã làm thủ tục để thu hồi toàn bộ 40,3 ha đất nói trên. Riêng với diện tích 19,3 ha, ngày 7/4/2009 UBND huyện ban hành Quyết định 461/QĐ-UBND thu hồi 19,3 ha đất giao đã hết hạn sử dụng đối với ông Vươn. Ông Vươn đã khiếu nại Quyết định số 461 của UBND huyện Tiên Lãng lên TAND huyện Tiên Lãng nhưng bị bác bỏ.

Sau đó, Ông Vươn tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tới TAND TP.Hải Phòng. Do trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, ông Vươn có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên ngày 22/4/2010, Toà án nhân dân TP.Hải Phòng quyết định đình chỉ xét xử vụ án. Như vậy, bản án hành chính sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật.

Lực lượng cưỡng chế vụ Đoàn Văn Vươn

Sáng ngày 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế gia đình ông Vươn với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế. Tuy nhiên, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã chống trả quyết liệt khi dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 quân nhân bị thương.

Sau vụ cưỡng chế bất thành ngày 5/1, Cơ quan công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan gồm các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957); Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974); Phạm Thị Báu (sinh năm 1982); Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn); Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).

Tuy nhiên việc thu hồi đất sau đó đã bị hủy bỏ, chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang bị đình chỉ công tác. Ngày 10/2/2012, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao. Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị cách chức.

2. Vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, 19 người bị bắt

Dự án khu đô thị Văn Giang, Hưng Yên (Ecopark) được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi, giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2012, UBND tỉnh Hưng Yên vẫn chưa hoàn thành giao đất cho chủ đầu tư. Nguyên nhân được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho rằng vì “người dân khiếu kiện liên tục, tập trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác". Việc này kéo dài, xảy ra chủ yếu tại 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao của huyện Văn Giang.

Ngày 24/4, UBND tỉnh Hưng Yên đã tiến hành cuộc cưỡng chế để bàn giao 72ha đợt 2 cho chủ đầu tư (trong đó có 5,8 ha của 166 hộ chưa nhận tiền đền bù) với sự tham gia của 1.000 người thuộc các lực lượng khác nhau do Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Tuy vậy, đã có khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7h sáng, còn khoảng 200 người mang theo cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, 19 người được cho là có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ đã bị bắt giữ trong ngày cưỡng chế.

3. Vụ cưỡng chế ở Đông Triều, dân tấn công CSCĐ

Ngày 4/9/2009 UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi 41,59ha của 852 hộ dân tại huyện Đông Triều giao cho Công ty TNHH Thành Tâm 668 thực hiện đầu tư Dự án khu đô thị Kim Sơn. Từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2012 đã có 778 hộ dân tiền bồi thường và tự nguyện di dời. 74 hộ dân còn lại không chịu nhận tiền hỗ trợ vì cho rằng số tiền đền bù chưa thỏa đáng.

Những kẻ quá khích tấn công CSCĐ

Ngày 21/12, UBND huyện Đông Triều đã tổ chức lực lượng tháo dỡ các khẩu hiệu sai quy định và lều bạt trái phép tại dự án khu đô thị Kim Sơn (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên, hàng nghìn người kéo đến khu vực này phản ứng gây ra ách tắc trên Quốc lộ 18A.

Trong số này, nhiều người mang theo quan tài, nằm lăn ra đường ngăn trở giao thông và chống đối lại lực lượng cưỡng chế. Khoảng 12h, Công an huyện Đông Triều và CSGT được điều đến nhằm giải quyết vụ việc. Cao trào của sự việc vào khoảng 17h khi nhiều người dân dùng gỗ, đá tấn công lực lượng CSCĐ. Phải đến 19h tối đám đông mới được giải tán. Hiện đã có tổng cộng 12 đối tượng liên quan đến vụ chống đối bị bắt giữ để phục vụ điều tra.

Từ những vụ việc trên rõ ràng có thể thấy rằng nhiều người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật. Khoan nói đến việc đúng hay sai nhưng với những hành vi chống đối lại người thi hành công vụ, nhiều người đã tự đưa mình vào con đường lao lý.

Hữu Tình (TH)
Tag: Cưỡng chế , Cưỡng chế đất đai , Tiên Lãng , Đông Triều , Văn Giang , An ninh hình