Lật sử tìm hiểu về hoàng tộc Việt Nam, có những câu chuyện thương tâm mà đến nay, hậu thế vẫn không khỏi sốc...
Đã có những vụ án mạng thương tâm trong lịch sử cung đình Việt Nam |
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ra tay tàn độc với Vua Trần Phế Đế
Theo sử sách, dù Thượng hoàng Trần Nghệ Tông được ca ngợi có công lao lớn, nhưng vẫn bị phê phán là nhu nhược, nối giáo cho giặc... Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong Việt sử giai thoại: Nghệ Tông vốn tin tưởng và gửi gắm cơ nghiệp vào vua em Duệ Tông mạnh mẽ, rồi khi vua em chết, vì quá thương tiếc, ông lập cháu lên thay. Thế nhưng, vì lời xui bẩy của Hồ Quý Ly, ông đã bức chết cháu.
Cụ thể, trước thực trạng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quá tin dùng và trao nhiều quyền lực cho người họ ngoại là Hồ Quý Ly, rồi ông này lại luôn tìm cách phát triển thế lực riêng, Vua Phế Đế nhận thức rõ mối nguy nên vô cùng lo lắng... Thế là, để diệt trừ họa ngoại thích, nhà vua đã bàn mưu với Thái úy (Ngạc) để hại Hồ Quý Ly… Nhưng âm mưu bị bại lộ, Hồ Quý Ly đã mật tâu và bóng gió với Thượng hoàng: "Cổ lai chỉ có bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ".
Vậy là vào ngày 6/12/1388, nghĩa là bốn tháng sau khi nghe lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của quan Đồng bình chương sự Hồ Quý Ly và cũng là thông gia của mình, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất thương tâm, được sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau: 'Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về An Sinh sai Điện hậu hộ vệ, rồi sai Chỉ huy hậu nội nhân gọi Vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Đến nơi, Thượng hoàng bảo Vua: Đại vương lại đây! Nói rồi, lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc".
Cùng thời điểm đó, Nghệ Tông tuyên đọc nội chiếu rằng: Trước kia Duệ Tông (là em vua Nghệ Tông) đi tuần phương Nam không trở về, dùng con đích để nối ngôi là theo đạo thời xưa. Song, quan gia (tức Vua Phế Đế) từ khi lên ngôi đến giờ vẫn còn trẻ con lắm; giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm người công thần làm dao động xã tắc, nên giáng xuống là Linh Đức Đại vương. Song nước nhà không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu Định vương vào nối đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết".
Việc truất phế bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhiều tướng chỉ huy của các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân (thiếu tên đơn vị) là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách... định đem quân vào cướp lấy Vua đem ra. Vua viết hai chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng (sai người) dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết".
Vua Lê bất lực... nhìn Chúa Trịnh giết con
Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, liền lập mưu với gia thần là viên quan hoạn Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh (chính tên là Phạm Huy Đĩnh, người xã Cao Mỗ, nay là xã Kim Bôi, huyện Tiên Hưng, Thái Bình), vu cho Thái tử Vỹ thông dâm với cung nữ của Trịnh Doanh, rồi đem tội đó tâu lên hoàng thượng để bắt Thái tử bỏ ngục.
Trước đó, trong giếng Tam Sơn ở mé sau điện bỗng có tiếng nổ như sấm. Thái tử dùng thuật số để bói, biết mình sắp gặp nạn, bèn đến nói với nhà vua. Vua Lê Hiển Tông cũng lấy làm lo, vẫn phải luôn luôn cầu nguyện cho con.
Kịp tới ngày bị bắt, Thái tử biết tai nạn xảy ra đến nơi, liền vào ẩn trong điện ngủ của nhà vua. Thiều quận công dẫn toán lính trước tiên xông thẳng vào Đông cung, định bắt Thái tử, rồi mới tâu vua, nhưng tìm khắp không thấy. Thiều quận công liền vào điện, kể tội Thái tử cho vua nghe, rồi nói rằng: "Tôi nghe nói Thái tử náu ở chỗ ngủ của bệ hạ, xin hãy bắt giao cho tôi".
Vua Lê Hiển Tông ôm mãi lấy Thái tử không nỡ rời ra. Thiều quận công cũng cứ quỳ mãi ở giữa sân điện. Thái tử tự biết mình không thể thoát được, liền lạy trước mặt nhà vua, sau đó ra cho quân lính trói.
Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh đưa Thái tử về phủ Chúa. Sâm sai giam, tra kết thành án, bắt vua ký tên vào, bèn phế Thái tử làm dân thường. Sau đó, Sâm lại ép nhà vua lấy người con thứ tư là Lê Duy Cận làm hoàng thái tử.
Ít lâu sau, Thiều quận công sai tay chân vu cáo cho hai nho sinh thi đỗ ở làng Đan Luân là Nguyễn Huy Sưởng (chính là Vũ Bá Sưởng người làng Đan Luân, nay thuộc Bình Giang, Hải Dương (Hải Hưng) và Lương Giản (người xã Tào Sơn, huyện Ngọc Sơn, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hoá), rằng hai người này âm mưu cướp thái tử ra khỏi ngục để cùng dấy quân làm loạn. Việc này được đưa xuống các quan bàn bạc, và bắt Sưởng để tra xét. Giản khi ấy đã kịp bỏ trốn. Còn Sưởng bị đánh đau quá, không chịu nổi roi vọt, đành phải nhận liều. Thế là Thái tử phải ghép vào tội thắt cổ.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí nêu rõ: Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay. Hôm ấy nhằm ngày 20/12/1771.
Giọt máu hoang của Chúa Trịnh khiến người đẹp chết thảm
Sử sách chép, vì Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc triều chính, nên từ nǎm 1736, đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó ông mới 17 tuổi. Và để nắm rõ chính sự, cũng như thấu hiểu cuộc sống của người dân, ngay trong năm, Chúa Trịnh Giang đi kinh lý Ðồ Sơn. Tại đây, ông đã bị sắc đẹp của nàng Hương hấp dẫn và kết cục là cả tháng trời, Trịnh Doanh và nàng Hương quấn quýt không dời một bước.
Thế nhưng, giữa người đẹp và công việc quốc gia, Trịnh Doanh vẫn phải dứt áo về kinh và hẹn người tình sớm đem thuyền hoa về rước. Song, một điều ai oán là sau khi chia tay Trịnh Doanh, nàng Hương phát hiện mình mang cốt nhục của Chúa, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa. Hàng Tổng biết chuyện, đòi phạt nhưng gia đình không có tiền, nên nàng Hương bị trói và đem ra khu núi Ðộc dìm xuống biển.
Trước khi chết, nàng Hương ngửa mặt lên trời khóc than: "Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương, tôi đâu dám chống; nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên lệ làng... Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần".
Quả nhiên, xác của nàng Hương nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Thế nhưng, bọn hào lý không tha, tiếp tục lấy dây thừng quấn nàng vào cối đá thủng, cắm sào, dìm cho nàng chết... Lúc đó, bất ngờ sóng to gió lớn nổi lên làm đứt dây thừng, rồi đám ác nhân không biết sao lần lượt lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Dân làng cho rằng, chúng đã bị Trời đánh...
Lại nói Trịnh Doanh giữ lời hẹn ước, mang thuyền rồng đến đón người đẹp thì mới biết nàng Hương đã thác oan. Nhà Chúa quá đau buồn, cho lập đàn giải oan và truyền lệnh cho Hàng Tổng lập đền thờ, tức đền Bà Đế ở Hải Phòng ngày nay.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%