Những mảnh đời tận khổ sau cơn lũ quét lịch sử ở Lào Cai
Thứ tư, 05/09/2012 20:01

Cơn lũ đã làm 20 ngôi nhà của hai thôn Nậm Dù và Nậm Chàm bị hư hỏng hoàn toàn, 10 ngôi nhà bị cuốn trôi, 6km đường giao thông liên thôn tê liệt.

Công tác cứu hộ đang được nhanh chóng triển khai

Công tác cứu hộ đang được nhanh chóng triển khai

Trận lũ kinh hoàng

Kể từ thời điểm xảy ra trận lũ kinh hoàng, chính quyền và người dân tỉnh Lào Cai vẫn đang gấp rút khắc phục hậu quả. Hàng ngàn tấn đất đá ngồn ngộn đang được đội cứu hộ đào bới nhằm tìm kiếm những nạn nhân vẫn còn sót lại sau trận lũ lịch sử. Do mưa to liên tiếp trong nhiều ngày, kết hợp với nước trên thượng nguồn đã tạo nên hàng nghìn m3 nước cuồn cuộn chảy về xuôi.

Cơn lũ đã làm 20 ngôi nhà của hai thôn Nậm Dù và Nậm Chàm bị hư hỏng hoàn toàn, 10 ngôi nhà bị cuốn trôi, 6km đường giao thông liên thôn, xã từ trung tâm xã Nậm Lúc vào các thôn bị tê liệt. Mạng truyền dẫn thông tin cũng bị hư hỏng hoàn toàn do phải gánh chịu hàng vạn tấn đất đá vùi lấp.

Những người may mắn thoát chết  kể lại câu chuyện trong nỗi ám ảnh kinh hoàng. Chị Lý Thị Nhộn (SN 1969) vẫn còn thất thần, đang cố tìm kiếm xem trong ngôi nhà mình còn những thứ gì có thể dùng được, run run kể: "Lúc đó khoảng 2h sáng 31/8, tôi và gia đình đang yên giấc thì bất ngờ nghe thấy tiếng ồ ồ từ phía xa.

Do buổi tối có mưa nên ai cũng nghĩ rằng tiếng nước chảy như những ngày thường nên không đề phòng. Hơn nữa, đã vài chục năm nay không xảy ra lũ quét, thường ngày lượng nước không quá, chỉ đến khi cơn lũ đến gần mọi người mới cuống cuồng bỏ chạy".

Trận lũ quét kèm trận mưa lớn đã làm cho tuyến giao thông đến xã Nậm Lúc bị đất đá lấp kín, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Được biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh Lào Cai cũng như UBND huyện Bắc Hà đã cử các lực lượng bộ đội, công an cùng hàng trăm dân quân cơ động đồng thời huy động các phương tiện máy móc vừa thông đường vào Nậm Lúc vừa tìm kiếm các nạn nhân.

Nhờ những nỗ lực tìm kiếm không biết mệt mỏi, đến chiều ngày 2/9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy xác 6 nạn nhân. Trong đó, có xác 2 người được tìm thấy đang trôi dạt trên sông Chảy thuộc xã Tam Dương, huyện Bảo Yên, cách nơi xảy ra lũ quét hơn 40 km.

Những mảnh đời tận khổ

Thôn Nậm Chàm cách trung tâm xã Nậm Lúc hơn 10 km. Do mưa lũ, con đường núi bị sạt lở, chia cắt nhiều đoạn, lũ trên suối chảy xiết, nước đục ngầu bùn đất, các nhân viên cứu trợ phải mất rất nhiều thời gian mới vào đến Nậm Chàm.

Ngay từ sáng ngày 31/8, sau khi biết tin thôn Nậm Chàm bị lũ dữ tràn qua, dòng người từ nhiều nơi đổ về để chia sẻ với người dân vùng rốn lũ. Thôn Nậm Chàm có 31 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống bằng nghề nông, với hơn 150 nhân khẩu, kinh tế rất eo hẹp. Khi lũ quét tràn về, đa số người dân và học sinh may mắn chạy thoát còn gia đình anh Nông Văn Đạnh, Lý Thị Sinh và nhiều người khác không may bị lũ cuốn mất tích… hoặc đang bị vùi lấp trong đống đất đá đổ nát.

Trong số những gia đình bị thiệt hại nặng nề từ trận lũ quét lịch sử sáng 31/8, gia đình anh Lý Văn Chánh (SN 1970) là người hứng chịu hậu quả thảm khốc nhất. Toàn bộ căn nhà của gia đình anh cùng 5 người con cháu đều bị cuốn phăng đi theo cơn nước dữ tợn. Nhà anh Chánh chỉ cách bờ suối khoảng 10m, thường ngày dòng nước này phục vụ cho cuộc sống của cả gia đình, nhưng chỉ trong tích tắc dòng nước đã cuốn cả 5 người con cháu và toàn bộ căn nhà của anh.

Được biết hai vợ chồng anh Chánh may mắn thoát chết vì đi đến một nhà người bạn ở huyện bên ăn rằm tháng Bảy. Nghe tin dữ, anh Chánh vội vàng về nhưng tất cả chỉ còn đất đá lổn nhổn, chạy hỏi mãi, anh mới biết 2 đứa con, 3 đứa cháu của mình đã chết và mới tìm được 3 thi thể.

Nhìn thi thể cậu con trai vừa lên 7 tuổi mới được đội cứu hộ tìm thấy, anh Chánh chỉ biết khóc. Anh nghẹn ngào kể: "Sáng nay, tôi nhận tin dữ qua điện thoại của người làng, liền tức tốc đi bộ leo núi 3 tiếng để về nhà, khi lên đến đỉnh núi Long Khánh, nhìn về nhà thì chỉ thấy tảng đá lớn như trái núi nằm chính giữa nền nhà, trái tim tôi như thắt lại. Thế nhưng khi về đến nhà, tôi càng đau xót hơn khi biết các con và cháu tôi tất thảy 5 người đều chết cả, nhà cửa không còn nổi một tài sản gì".

Nói rồi anh Chánh gục xuống xác cậu con trai khóc nấc. Ở cách đó không xa, chị Dịu (vợ anh) vẫn bất tỉnh suốt từ lúc biết tin dữ đến nay vẫn chưa tỉnh dậy. Cùng cảnh ngộ với nhà anh Chánh, là gia đình ông Giàng Văn Thóng và gia đình anh Trương Văn Ha.

Được biết khi đội cứu hộ đi tìm người mất tích bên suối, đống đất đá được bới lên có người bị cả tảng đá to vùi lấp rất tang thương, trong số người bị vùi lấp có 3 cháu là học sinh tiểu học. Nhìn trong đống gỗ ngôi nhà đổ nát vẫn còn những quyển vở xinh xắn mà gia đình chuẩn bị cho các cháu đến trường dự khai giảng năm học mới nằm trong đống đổ nát, chúng tôi không ai cầm nổi nước mắt.

Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong trận lũ quét ở Nậm Chàm, UBND huyện Bắc Hà  cùng các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã cấp phát tiền hỗ trợ cho hộ có người bị chết và sập nhà vì lũ quét. Công tác khắc phục thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất đá ở Nậm Lúc.Chàm, đang tiếp tục được triển khai khẩn trương để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Ma Quang Trung (Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, Phó trưởng Ban thường trực Phòng chống bão lũ tỉnh Lào Cai) thì chỉ trong một thời gian ngắn, những trận mưa lớn xuất hiện ở Lào Cai, tuy nhiên không đồng đều, một số nơi xuất hiện mưa to cục bộ như thị trấn Phố Lu - Bảo Thắng, mưa 32mm, huyện Bát Xát 48,6mm; xã Cốc Ly - Bắc Hà 51,6mm. Đặc biệt, tại xã Nậm Lúc - Bắc Hà, rạng sáng 31/8 có mưa rất lớn kèm theo sấm sét rung chuyển cả nhà cửa.

Người Đưa Tin
Tag: Lũ quét , Lũ lịch sử , Giao thông tê liệt , Lào Cai , Đời sống sau lũ