Chỉ còn vài ngày nữa, hàng trăm nghìn sĩ tử sẽ bước vào đợt thi đại học, cao đẳng.
Bác Trần Văn Thu hàng ngày chạy xe ôm quanh bến xe Yên Nghĩa để có tiền gửi cho con là em Trần Thị Lệ trọ học trong kí túc xá trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Đâu đó trong những thí sinh đang miệt mài chuẩn bị "vượt vũ môn", có những mảnh đời, những sĩ tử không cha mẹ, hoặc phải xa gia đình lên Hà Nội luyện thi trong sự thiếu thốn.
Con xe ôm và ước mơ đại học
Một chiều cuối tháng 6, bên quán nước cạnh bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), chúng tôi gặp bác Trần Văn Thu sau cuốc xe ôm vất vả. Nhấp ngụm trà, bác bỏ mấy tờ tiền ra xếp lại cẩn thận rồi chia sẻ: "Đây là tiền cho con gái tôi ôn thi đấy!". Hóa ra, bác Thu có con gái là Trần Thị Lệ đang chuẩn bị dự thi khoa tiếng Nhật, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nghe bác tâm sự mà chúng tôi nao lòng. Mỗi tháng bác kiếm được khoảng 5 triệu chạy xe. Nhà trọ hết 600 nghìn, bến bãi hết 600 nghìn, sinh hoạt khác cũng gần 2 triệu rồi. Còn lại 3 triệu, một nửa gửi về cho vợ, một nửa gửi cho con đang ôn luyện thi. Nhà bác Thu ở Lý Nhân, Hà Nam; hai con cả đã lấy vợ, gả chồng, còn đứa út kỳ vọng nhất thì đang chuẩn bị thi.
“Nhiều đêm, tôi phải chạy thêm để có tiền gửi cho cháu. Cháu bảo phải đóng hơn triệu tiền học phí học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh nên phải cố vì con thôi” – bác Thu kể.
Khi đem câu chuyện cha mình phải chạy xe đêm kể cho Lệ, em đã khóc. Ở quê, sau khi thi tốt nghiệp, trường THPT Trần Hưng Đạo nơi Lệ học không tổ chức ôn thi đại học, em phải lên đây luyện thi. Học được mấy buổi, Lệ phát hiện ra là cách dạy ở đây không hiệu quả, mục đích chỉ vì tiền, không vì sĩ tử. Thầy dạy ào ào, trò nghe đến đâu hay đến đó; chưa hiểu thì… mua thêm tài liệu của thầy. Em chán nản: “Em thương bố, bố phải chạy xe ôm để có tiền cho em học thì em phải học nốt cho đỡ phí”.
Lệ cảm nhận sức học của mình có thể chưa đỗ năm nay và em có ý định sang Nhật vừa học, vừa làm. Nhưng chi phí sang đó khoảng 300 triệu đồng. Với Lệ, việc không đỗ đại học có lẽ không có gì là đáng xấu hổ, nhưng phải để bố mẹ gánh khoản nợ để em được sang Nhật thì em không đành lòng. Có lẽ, những ngày ít ỏi còn lại, em cố gắng ôn bài thật kỹ và làm bài thật tốt.
Đỗ đại học để báo ơn mẹ
Mùa thi 2012, em Lương Thị Thu Hà (Hà Nam) không đỗ đại học. Trước đợt thi 3 tháng, mẹ em đã qua đời trong cơn bạo bệnh. Sự mất mát quá lớn đối với một cô gái đang tuổi trưởng thành khiến tâm lý em dao động và kết quả thi không như mong muốn.
Sau ngày mất của mẹ, 4 bố con chuyển hẳn lên Hà Nội thuê trọ sinh sống. Bố em làm bảo vệ ở tòa nhà VNPT mỗi tháng còm cõi được gần 3 triệu, chị gái em là Lương Thị Kiều Ngân đang là sinh viên năm 3 Học viện Tài chính, em trai cũng đang học lớp 8 ở Cổ Nhuế. Mọi chi tiêu gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương của bố. Trong ngôi nhà trọ chừng 18m2, suốt 1 năm nay, Hà miệt mài đèn sách để thực hiện ước mơ đại học của mình. Để tiết kiệm tiền, em không đi học thêm mà tự ôn; đồng thời Hà cũng đi làm thêm để có tiền mua sách, vở.
“Năm trước, mẹ mất nên em không còn tâm trí đâu tập trung học. Thi không đỗ, em cũng buồn lắm và em sẽ quyết tâm thi đỗ năm nay để báo ơn mẹ” – Hà chia sẻ. Đợt thi tới, Thu Hà đăng ký thi ngành Kế toán, Học viện Tài chính.
Nhìn người cha hàng ngày đi làm, tích từng đồng nuôi 3 chị em ăn học; thương chị gái sắp ra trường mà công việc chưa thấy đâu, và em trai còn quá nhỏ để lo toan việc gia đình; Hà mím môi và ánh lên hy vọng cuộc đời sẽ sang trang sau đợt thi đại học sắp tới.
Thành đạt để công đức nhà chùa
Em Kiều Thị Lan Anh sống trong ngôi nhà đặc biệt mang tên chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) từ năm học lớp 8. Em cũng không nhớ rõ nhà mình ở đâu, chỉ biết rằng nó là một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ vì quá nghèo không thể nuôi em nên đã phó mặc em cho người dì còn trẻ tuổi và đi biệt tích. Sau một thời gian thì dì lấy chồng, rồi sinh con. Gia đình nhà dì cũng chẳng khấm khá gì. Mấy sào ruộng nho nhỏ không đủ nuôi sống cả một gia đình, lại thêm đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học.
Cũng vì cái nghèo, người dì đã một lần nữa rời xa đứa cháu tội nghiệp. Qua tìm hiểu thông tin trên tivi, báo chí, dì của Lan Anh đã biết đến ngôi chùa Bồ Đề - nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Vậy là đứa trẻ 13 tuổi được đưa đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không cha mẹ, không người thân, bạn bè.
Cuộc sống ở chùa Bồ Đề mặc dù thiếu thốn nhiều về tình cảm song đối với Lan Anh, dù sao cũng “tốt hơn ở quê”. Ở đây, em được ăn uống đầy đủ, được đến trường như các bạn. Hiện tại, em vừa tốt nghiệp trường THPT Vạn Xuân, quận Long Biên, Hà Nội.
Nhà chùa có một khu nhà riêng dành cho những trẻ em bị bỏ rơi, hoặc cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Lan Anh sống trong một căn phòng nhỏ cùng với năm người nữa lớn tuổi hơn em và hầu hết đều đã đi làm.
Đã có một thời gian Lan Anh chán nản cuộc sống. Em buồn và mặc cảm. Em so sánh mình với các bạn cùng trang lứa. Tại sao các bạn có bố mẹ quan tâm, chăm sóc, còn em thì không một người thân thích, phải ở một nơi hoàn toàn xa lạ? Tại sao bố mẹ không đến tìm em và đón em về? Hồi đó, cứ mỗi lần nghĩ đến những điều này, em chỉ biết khóc.
Từ năm lớp 8 (năm em vào sống trong chùa) đến năm lớp 12, duy nhất có năm lớp 11 em đạt học sinh khá, còn lại năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường. Môn học em thích nhất và cũng là môn em giỏi nhất, đạt được nhiều thành tích nhất đó là tiếng Anh.
Khi được hỏi về ước mơ, Lan Anh chỉ mỉm cười và nói về ước mơ nhỏ bé của mình là được làm một giáo viên. Đó là ước mơ đẹp được em nhen nhóm từ những ngày còn nhỏ.
Đợt thi đại học lần này, Lan Anh đã đăng ký thi khối D vào khoa Sư phạm Tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài ra em còn đăng ký thi thêm khối A1 vào ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau những giờ học ở trường em đều về nhà xem lại kiến thức luôn chứ không chủ quan để dành bài vào hôm sau mới học. “Em chia đều thời gian ôn tập cho tất cả các môn. Em cũng đầu tư cho môn Tiếng Anh, nhất là dành ra một chút thời gian mỗi ngày để học thêm từ vựng, bởi đây là môn có khả năng sẽ cho em điểm số cao nhất trong các môn thi đại học”, Lan Anh chia sẻ.
Khi được hỏi về bố mẹ, Lan Anh có hơi buồn nhưng sau đó lại là nụ cười của một cô bé giàu nghị lực: “Em vẫn cảm ơn bố mẹ, mặc dù họ đã bỏ em, không quan tâm đến em. Nhưng em nghĩ chắc cũng chỉ vì hoàn cảnh nên bố mẹ mới làm như vậy. Cuộc sống mà, có ai lại muốn bỏ con mình đâu. Vì thế em rất thông cảm cho bố mẹ của mình”. Em vẫn tin một ngày “rồi bố mẹ sẽ tìm về với em”.
Lan Anh mong muốn ước mơ đỗ đại học của mình sẽ trở thành hiện thực, để sau này có được công ăn việc làm ổn định, tự lo cho tương lai của mình. “Nếu thành đạt được, em sẽ công đức số tiền mà mình làm được cho nhà chùa, để sư bà Thích Đàm Lan có thể nuôi dưỡng mọi người ở đây được tốt hơn”, Lan Anh hy vọng.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?