Những câu chuyện ở bệnh viện tâm thần - Kỳ 3: “Vĩ cuồng” vì tiền
Thứ bảy, 21/04/2012 09:09

Những bệnh nhân tâm thần do tác động của đời sống tâm lý, văn hóa, xã hội thì có một nhóm khá điển hình là những người mắc bệnh theo "thời cuộc".

Ví như những bệnh nhân ham mê làm kinh tế nhưng mọi việc không được như ý dẫn đến tâm thần rối loạn và hoang tưởng; hay những người mải mê kiếm tiền đến mức làm lệch đồng hồ sinh học của cơ thể cũng trở nên điên loạn…

Cấm cung vì tự cho mình là "vĩ nhân"

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần, Viện sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, anh đã từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng khi lao vào kiếm tiền quá sức chịu đựng của cơ thể. Cũng có nhiều trường hợp làm ăn thua lỗ trở nên điên loạn, thần thánh hóa bản thân và không muốn tiếp xúc với mọi người vì cho rằng mình tài giỏi, mình là "vĩ nhân" nên tránh tiếp xúc với những người "phàm trần".

Bằng giọng nuối tiếc, anh kể về trường hợp bệnh nhân Mạnh, 36 tuổi ở Quảng Ninh. Mạnh vốn nhà nghèo nhưng học rất giỏi, bố mẹ cố gắng chắt chiu nuôi cậu tốt nghiệp Đại học. Ra trường, Mạnh không ở lại Hà Nội lập nghiệp mà quyết định về quê hương mở lớp dạy học để "trả nợ" cái nghèo. Với uy tín của mình, Mạnh nhanh chóng thu hút được nhiều học sinh đến học.

"Tiếng lành đồn xa", số học sinh được Mạnh dạy qua các kỳ thi Đại học đều đỗ với tỉ lệ rất cao nên cha mẹ học sinh phải đến tận nhà để xin cho con học. Phần cả nể, phần Mạnh muốn kiếm tiền để đền ơn bố mẹ, bù đắp cho chính mình những tháng ngày thiếu thốn nên từ chỗ chỉ dạy 2 ca sáng/chiều anh đã mở ra 6 ca/ngày vào tất cả các buổi sáng/chiều/tối. Thế nhưng Mạnh vẫn không thể nhận hết số học sinh muốn học, nhiều em đến chỉ mong được đứng ở ngoài cửa nghe thầy giảng.

Trong vòng 7 năm ham mê kiếm tiền và say sưa dạy học đến mức quên ăn, quên ngủ. Ban ngày và buổi tối thì Mạnh dạy học, đêm anh lại thức và đốt thuốc lá để soạn giáo án cho từng lớp, từng đối tượng, lực học của học sinh. Sau thời gian làm việc, từ một người nghèo khó Mạnh đã xây được biệt thự, mua ô tô riêng và sắm  đầy đủ các vật dụng trong nhà. 

Nhưng đúng lúc đang ở đỉnh cao của sự giàu có thì Mạnh đột nhiên thay đổi. Mẹ anh kể lại, một hôm khi đến giờ học mà không thấy con sang dạy, bà đã vào phòng để gọi thì thấy Mạnh lẩm bẩm: Mọi người ra hết đi, con là “vĩ nhân”, làm sao lại tiếp xúc với những kẻ “phàm trần” ấy được. Nghĩ rằng con đang nói điều gì trong sách vở, bà mẹ đi ra. Chờ mãi không thấy con lên lớp, bà đành báo với học sinh là thầy giáo ốm, hẹn các cháu buổi khác.

Thế rồi, không chỉ ngày hôm ấy mà suốt một thời gian dài, Mạnh không tiếp xúc cả với mẹ, chỉ ở trong phòng để "nghiên cứu sách vở". Mẹ của anh ngỏ ý bảo anh đi khám xem sức khỏe ra sao thì anh gạt phắt đi: Con làm sao mà phải khám, con là người tài giỏi nhất, làm gì có ai giỏi hơn để bắt bệnh cho con?

Sau một thời gian "cấm cung", Mạnh "xuất đầu lộ diện" trở lại. Có điều, lần này Mạnh không dạy học ở nhà mà ra bãi biển dựng chòi. Kỳ cục hơn, Mạnh cứ ngồi bên trong rèm và dạy học sinh vì cho rằng mình là “thần thánh”. Tuy vậy, số học sinh tìm đến vẫn đông… Đã vậy, lúc đó Mạnh còn dạy học miễn phí cho tất cả học sinh. Cậu ấy dạy học như thể để giải tỏa khát khao được làm việc chứ không còn vì kiếm tiền nữa. Có những ngày mưa học sinh không đến nhưng Mạnh vẫn ra chòi ngồi giảng bài một mình. Ngay cả đến khi gia đình kiên quyết đưa đến bệnh viện, cậu ấy vẫn không cho ai động vào người và thường lẩm nhẩm một mình-bác sĩ Dũng thở dài.

Nhiều người bị tâm thần do liên quan đến đồng tiền.

"Ta là thần thánh nhưng không có tiền chỉ vì không… biết bay"

Quả thật, bước vào "thế giới thứ 3" của những người tâm thần, hoang tưởng mới thấy có những điều mà ở thế giới thực không một người khỏe mạnh về tâm lý nào lại có thể tưởng tượng ra. Trong thế giới của mỗi bệnh nhân tâm thần thì cảm nhận về bản thân, về cuộc sống xung quanh cũng mang màu sắc lạ lùng, ngô nghê.

Bác sĩ Dũng kể lại, thời điểm chứng khoán, bất động sản tụt dốc như vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận vô vàn bệnh nhân và cũng là nạn nhân của những biến động kinh tế. Trường hợp chị Hằng, 56 tuổi ở Hà Nội là một ví dụ. Vốn là giám đốc một Cty bất động sản lớn, có tiếng ở Hà Nội, chị Hằng được giới đầu tư bất động sản rất nể vì sự giàu có, đất đai rải khắp các quận trên địa bàn. Việc làm ăn đang lên như "diều gặp gió" bỗng chốc "xuống dốc không phanh" khi số vốn đầu tư của chị quá lớn mà không rút ra được đúng lúc bất động sản đóng băng. Đến hạn trả lãi ngân hàng, chị lao đao khi số tiền cứ đội mãi lên, đất đai, sổ đỏ cứ thế lần lượt ra đi… Quá sốc, chị phát điên và liên tục la hét, đòi tự tử. Đưa đến bệnh viện, chị lại phấn khích, hát múa suốt ngày và mồm luôn nói: Ta là thần thánh trên trời, là con của trời được phái xuống trần gian. Nhưng thật đáng tiếc là ta không có tài bay lượn nên không thể mang tiền ngân hàng về nhà được… Hát, nói xong chị lại khóc. Cứ như thế, những cơn khóc cười liên tục khiến người thân không khỏi đau xót đến xé lòng.

(Còn nữa)

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

PLXH
Tag: Bệnh viện tâm thần , Bệnh xã hội , Cai nghiện , Phóng sự , Tâm thần