Nếu từng nhịp cầu là sự nối tiếp hiện tại và tương lai, thì những ngôi chùa trên đất Hà thành là nơi lưu giữ những di sản văn hóa dân tộc.
|
Kỳ 2: Chuyện những ngôi chùa trên đất Hà Thành
Trong guồng quay gấp gáp của cuộc sống thị thành, có những thứ bạn đi và gặp hàng ngày ngỡ như đã trở nên quá đỗi quen thuộc nhưng đôi khi chính bạn lại để lỡ mất những điều tưởng chừng như đơn giản đó.
Ai đã từng có dịp ghé chân tới Hà Nội hẳn đều có những cảm nhận khác nhau về mảnh đất ngàn năm văn hiến. Trong vòng xoay không ngừng nghỉ của nhịp sống hiện đại, người ta còn thấy trong đó phảng phất sự cổ kính, những nét giá trị văn hóa của Thăng Long xưa.
Ở kỳ trước, bạn đọc đã được biết đến những cây cầu trên đất Hà thành. Thế nhưng, một ấn tượng đến với du khách khi ghé thăm nơi đây, đó là kiến trúc cũng như giá trị lịch sử của những ngôi chùa nơi đây.
Ngày hôm nay chuyên mục của chúng tôi mời độc giả cùng cảm nhận và khám phá nét xưa của Hà Nội qua những ngôi chùa.
Ngôi chùa “lâu đời” nhất Hà Nội
Tồn tại với thời gian suốt 1500 năm, chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa có tuổi thọ lâu đời nhất ở Hà Nội. Trước kia chùa có tên gọi là chùa Khai Quốc (mở nước), được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế, đến thời vua Lê Thái Tông thế kỉ 15, chùa được đặt tên là An Quốc. Đến ngày nay, người dân thủ đô vẫn biết đến ngôi chùa với tên gọi là chùa Trấn Quốc.
Khung cảnh mênh mang sóng nước tại chùa Trấn Quốc (Ảnh sưu tầm)
Chùa Trấn Quốc nằm ở phía đông Hồ Tây (quận Tây Hồ) với lối kiến trúc cổ kính, uy nghi hòa quện cùng cảnh quan sông nước mênh mang, toát lên vẻ tĩnh mặc, cổ kính hiếm có giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương, và thượng điện, nối thành hình chữ công.
Tiền đường hướng về phía tây, hai bên nhà thiêu hương là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.
Nét độc đáo và riêng biệt của chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp có 11 tầng, cao 15 mét. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen 9 tầng, được gọi là Cửu phẩm liên hoa, cũng bằng đá quý. Bảo tháp được xây dựng đối xứng với cây bồ đề trong vườn sau của chùa . Sư trụ trì Thích Thanh Nhã đã giải thích sự đối xứng đó là hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân như, sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.
Đến với chùa Trấn Quốc, người ta có thể cảm nhận thấy được cái hồn của Thăng Long xưa giao hòa cùng thiên nhiên đất trời. Vẻ đẹp ấy đã thu hút và níu chân rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh.
Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Hà thành
Nhắc tới lối kiến trúc độc đáo, độc giả lại biết tới thêm 1 ngôi chùa nổi tiếng nữa đó là chùa Một Cột. Chùa Một Cột có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Mật, chùa Diên Hựu, hay Liên hoa đài (đài hoa sen).
Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột
Chùa Một Cột nằm ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, có nguồn gốc từ một giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua đã thuật lại giấc mơ và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá ở giữa đất và làm tòa sen của phật Quan Âm như đã thấy trong mộng, sau đó cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ. Vì thế chùa mang tên Diên Hựu (phúc dài lâu).Năm 1070, vào mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2, vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá. Trong thời kì thực dân Pháp xâm lược, ngôi chùa đã bị thực dân nổ mìn phá hủy. Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu cơ bản như trước.
Chùa Một Cột (Liên Hoa Đài) được tạo hình bởi một trụ đá gồm 2 khối, được gắn rất khéo léo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có hình lưỡng long triều nguyệt. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.
Ở chùa Một Cột là sự kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét.
Chùa Một Cột ngày nay nằm trong khu quần thể di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diện tích của ngôi chùa hiện nay nhỏ hơn so với nguyên bản xưa kia. Tuy nhiên những giá trị văn hóa lịch sử lớn lao của ngôi chùa vẫn luôn trường tồn và sống mãi trong lòng người dân đất Việt.
Chùa Mía – Ngôi chùa với nhiều tượng phật nhất
Nhắc tới vùng đất cổ Đường Lâm (Sơn Tây), du khách không chỉ nhớ tới vùng đất đó với những cảnh đẹp mê hoặc lòng người mà có lẽ ở đó có ngôi Chùa Mía cổ kính, mộc mạc. Không giống như nhiều ngôi chùa khác, chùa Mía mộc mạc ẩn mình trong làng quê yên ả, thanh bình, không nghi ngút khói hương, mà vẫn toát lên vẻ trang nghiêm đến lạ lùng.
Chùa Mía có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự, được xây dựng không rõ từ thời nào nhưng dấu tích xưa của chùa là một ngôi miếu nhỏ, đến đời Đức Long thứ IV (Nhâm Thân 1632 ) miếu được xây lại thành chùa lớn như ngày nay. Chùa do bà Ngô Thị Ngọc Diệu là Phi tần trong phủ Chúa Trịnh Táng đứng ra hưng công xây dựng.
Một số pho tượng Phật tại chùa Mía
Chùa Mía còn nổi tiếng khắp cả nước với số lượng các pho tượng Phật được lưu giữ nơi đây.Trong chùa hiện có 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng, bài trí thành 27 gian thờ chính tạo thành một cụm khép kín.
Các pho tượng được tạo hình rất sống động, hài hòa từ cử chỉ cánh tay đến ánh nhìn của đôi mắt. Mỗi pho tượng đều toát lên 1 vẻ, được thể hiện rõ trên từng nét chạm trổ tinh xảo, tỉ mẩn.
Nổi bật nhất trong số đó là tượng Quan Âm Tống Tử (cao 0,76 m), thường được gọi là tượng Bà Thị Kính hay bộ tám pho tượng Bát bộ Kim Cương ở hai tòa chính điện, tượng trưng cho tám vị thần bảo vệ tám hướng của đất trời. Các pho tượng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, với những đường nét uy nghiêm từ dáng điệu, cử chỉ cho tới biểu cảm trên khuôn mặt.
Chùa Mía được làm bằng nhiều loại gỗ quý, chạm khắc công phu như hình Tứ linh, hoa lá cách điệu vô cùng tinh tế, huyền diệu.
Để tưởng nhớ công ơn của bà Chúa Mía, nhân dân trong vùng tạc tượng bà và lập am thờ. Tượng bà chúa Mía cao gần bằng người thường, với bàn tay đang lần tràng hạt. Khuôn mặt bà ánh lên vẻ hiền phúc, từ bi phổ độ chúng sinh.
Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử những ngôi chùa, đình làng vẫn lặng lẽ sống mãi với thời gian và trong lòng người. Đó là nững giá trị nghệ thuật, tinh thần quý báu nuôi dưỡng tâm hồn người Việt qua bao thế hệ.
(Còn nữa)
Còn nhiều điều rất thú vị, những "cái nhất" ở Hà Nội rất bổ ích mà có thể bạn chưa biết? Đón đọc kỳ 3 vào 12h30 - 13h30 Thứ 3 (19/6) tới trên Xahoi.com.vn. |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?