Các trường ĐH ngoài công lập đang lên phương án tăng học phí năm học 2014 - 2015.
Phụ huynh và sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM |
Tăng từ 1 đến 10%
Năm học 2013 - 2014, mức học phí Trường ĐH Công nghệ TP.HCM bậc ĐH từ 8,5 đến 9 triệu đồng/học kỳ và bậc CĐ từ 8 đến 8,5 triệu đồng/học kỳ. Theo lộ trình tăng học phí mỗi năm ở mức từ 8 đến 10% so với năm học trước đó, năm học tới đây học phí của trường dự kiến tăng từ 9 đến 9,5 triệu đồng/học kỳ bậc ĐH và từ 8,5 đến 9 triệu đồng/học kỳ CĐ. Tuy nhiên, đây chỉ là mức học phí chuẩn cố định, còn với một số môn thực hành, thí nghiệm và tham quan thực tế học phí tính theo cách riêng. Cụ thể, học phí đa số các môn học thuộc nhóm này sẽ nhân hệ số với mức cao hơn 10% so với chuẩn.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/năm học. Năm 2013, sinh viên phải đóng từ 14 đến 17 triệu đồng/năm học tùy theo ngành, nhưng sinh viên nhập học khóa 2014 sẽ đóng từ 15 đến 19 triệu đồng/năm. Bà Lê Thị Mỹ Trang, Trưởng ban Tuyển sinh, cho biết chỉ tăng học phí ở một số ngành. Cụ thể, nhóm ngành y dược do chi phí đầu tư nhiều nên mức học phí sẽ tăng mạnh từ 17 lên 19 triệu đồng/năm. Khối ngành ngoại ngữ và kinh tế học phí cũng tăng nhưng thấp hơn từ 14 lên 15 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại giữ nguyên mức 15 triệu đồng/năm. Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM cũng dự kiến thu học phí sinh viên nhập học khóa 2014 từ 17,5 đến 19,5 triệu đồng/năm tùy ngành (tăng khoảng 10% so với năm 2013).
PGS-TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt, cũng cho hay dự kiến năm 2014 trường sẽ tăng học phí 3 ngành kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp và điều dưỡng từ 9 lên 10 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại giữ nguyên ở mức 8 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen đang cân nhắc tính toán lại mức học phí các ngành để chuẩn bị công bố lên trang thông tin điện tử của trường trong tháng này. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết mức học phí năm học mới có thể tăng thêm từ 1 đến 3%. Về cơ bản sẽ giữ nguyên so với năm 2013, một số ngành có thể giảm nhẹ, có ngành sẽ tăng nhẹ.
Sinh viên cũ có bị ảnh hưởng?
Bà Lê Thị Mỹ Trang cho biết học phí của Trường ĐH Hồng Bàng công bố khi sinh viên trúng tuyển sẽ không thay đổi trong suốt khóa học. Có nghĩa, sinh viên các khóa trước sẽ không chịu tác động việc điều chỉnh học phí của năm nay.
Trường ĐH Văn Lang dự kiến công bố học phí cho sinh viên khóa 2014 vào đầu tháng 8. Theo đó, sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ tương ứng với mức đầu tư của nhà trường và chất lượng người học được thụ hưởng trong khóa học này. Tuy nhiên, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm thông tin, khẳng định trường công bố học phí một lần vào đầu khóa học và không điều chỉnh trong các năm học còn lại. Đặc biệt, ngoài học phí sinh viên không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác, kể cả lệ phí thi lại, chi phí thực tập, các loại thẻ và văn bằng...
Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết việc tăng học phí nằm trong lộ trình của trường. Do vậy, mức học phí này chỉ được quy định cho một năm và sẽ điều chỉnh vào các năm học kế tiếp.
Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen quyết định giữ nguyên mức học phí như năm 2013. Cụ thể, bậc ĐH giảng dạy bằng tiếng Việt từ 43,2 đến 46,8 triệu đồng/năm; bậc ĐH giảng dạy bằng tiếng Anh từ 49,2 đến 51,6 triệu đồng/năm và bậc CĐ từ 38,4 đến 42 triệu đồng/năm. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết mức thu này sẽ giữ nguyên cho niên khóa 2014 - 2018. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được trường hướng dẫn đóng theo từng tháng.
Dù Bộ GD-ĐT đã có quy định thu học phí theo tháng nhưng đại diện các trường đều cho biết chỉ có thể thu theo từng học kỳ. Ông Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nói: “Trường vẫn sẽ thu theo từng học kỳ. Nếu sinh viên nào có nguyện vọng đóng theo tháng, trường sẽ tạo điều kiện”. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì cho biết sẽ điều chỉnh cách thu học phí theo từng học kỳ thay vì thu nguyên một năm học như trước đó.
Ý kiến sinh viên:
Tạo môi trường học tốt nhất
“Trường em thu học phí cao so với mặt bằng chung. Với mức thu này, trường phải tạo cho sinh viên một môi trường học tập tốt nhất với phòng ốc và trang thiết bị hiện đại nhất, giúp sinh viên học tập với kết quả cao nhất. Riêng hệ thống học liệu, trường cần có thêm các nguồn tài liệu nước ngoài để sinh viên tra cứu và mở rộng kiến thức”.
Lê Đỗ Hữu Huỳnh
(Sinh viên ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Hoa Sen)
Cần nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài
“Em đang theo học ngành kinh tế đối ngoại nên rất cần giỏi ngoại ngữ. Em mong muốn sẽ được học thêm nhiều hơn nữa tiếng Anh tại trường. Đặc biệt, trường cần tạo điều kiện để sinh viên tiếp xúc nhiều với người nước ngoài trong chương trình học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, bước vào những năm cuối khóa, trường sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động đào tạo và rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi đi xin việc. Hiện nhà trường chưa đưa vào chương trình chính khóa các môn học này”.
Lục Y Bình
(Sinh viên ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?